Nữ họa sĩ Song Kim: Đằm thắm tình yêu con người

Thứ Tư, 24/02/2010, 16:49
Tin nữ họa sĩ Song Kim qua đời đột ngột vào một ngày đầu năm mới khiến gia đình và bạn hữu bàng hoàng, thảng thốt. Chỉ mới hôm qua thôi, bà còn bận rộn bên những mảng màu, cây cọ với bao ước vọng, khát khao gửi trong từng bức họa. Vậy mà…

Vẫn còn đây những tác phẩm đã gắn với tên tuổi của họa sĩ Song Kim, những tác phẩm làm nên một dấu ấn riêng trên con người nghệ thuật của bà: "Đường lên Điện Biên", "Bản Mai Châu", đĩa treo tường âm dương hay những bức vẽ trên lụa tĩnh vật hoa sen, "Thiếu nữ người Dao"… cùng nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam và mới nhất là Tặng thưởng 2007.

Nữ họa sĩ Song Kim (1/1/1944 - 21/2/2010) sinh tại Kim Liên, Hà Nội. Ngay từ nhỏ, bà đã tỏ rõ năng khiếu về hội họa, khi có thể ngồi hàng giờ bên trang giấy, thả sức tưởng tượng với những nét vẽ chứa đầy những rung động về cuộc sống, thiên nhiên hay với con người. Những bức vẽ đầu đời mang nhiều cảm xúc ấy đã dẫn dắt bà bước vào làng mỹ thuật rất sớm.

Từ những năm chiến tranh, bà trở thành nữ họa sĩ chuyên nghiên cứu và vẽ mẫu mỹ nghệ, phục vụ xuất khẩu. Những họa tiết, bức vẽ của bà ngày ấy đã theo các sản phẩm chiếu cói, mây tre, tranh sơn mài… lên đường sang các nước Liên Xô, Ba Lan, Hungari, Bungari, Tiệp Khắc…, trở thành những nhịp cầu nho nhỏ, nối gần sự hiểu biết nghệ thuật trang trí của Việt Nam với các nước bạn.

Họa sĩ vẽ mẫu mỹ nghệ đòi hỏi phải có kiến thức thực tế phong phú, mới thuyết phục được các khách hàng quốc tế vốn luôn cẩn trọng và am hiểu nghệ thuật. Vì thế, cựu nữ sinh Trường Trưng Vương ấy đã không ngại gian khổ, vượt hàng trăm cây số, đến các vùng núi xa xôi tận bản Pia Hoong, Pò Tấu, Bản Giốc (Cao Bằng), Mai Châu (Hòa Bình), Quảng Ninh… để tìm hiểu, thu thập tư liệu, với mong muốn có những chất liệu phong phú, sinh động cho các mẫu vẽ. Thời chiến, cuộc sống còn đầy khó khăn, nhưng dường như không có gì cản nổi nhiệt huyết của một người trót đam mê hội họa như bà. Chính những năm tháng này đã cho bà những trải nghiệm đáng quý và là cơ hội cho bà thể hiện khả năng của mình.

Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, cùng với đứa con thơ, nữ họa sĩ Song Kim lại mang theo giá vẽ, bột màu đi sơ tán. Trong trí nhớ của họa sĩ Đặng Quang Trung, một người học cùng trường và cùng công tác với bà ở Bộ Ngoại thương, nhiều năm liền vẫn nguyên vẹn hình ảnh nữ họa sĩ Song Kim một tay cầm chiếc dây nôi đu đưa, ru cậu con trai ngủ, vừa cặm cụi bên chiếc đèn dầu leo lét, hí hoáy vẽ những hình trang trí mang phong cách riêng, độc đáo và sáng tạo. Có nhiều đêm, khi mọi người đã yên giấc, nữ họa sĩ vẫn mê mải trong trí tưởng tượng dâng đầy và giãi bày cảm xúc qua từng nét vẽ. Cứ thế, từng ngày, các bức họa đã được ra đời từ niềm đam mê nghệ thuật, từ sự cống hiến hết mình cho những sắc màu quyến rũ và từ sự chắt lọc tinh tế từ đời sống của họa sĩ Song Kim.

Có lần, mấy mẹ con đi sơ tán về đến nhà, thì căn nhà đã chỉ còn trơ lại nền đất vì lũ lụt dâng lên đã cuốn đi tất cả. Ngay cả những lúc khó khăn như thế, nữ họa sĩ vẫn không chịu rời cây cọ, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cho đến khi nghỉ hưu, họa sĩ Song Kim đã cho ra đời không biết bao nhiêu mẫu vẽ, góp phần không nhỏ để phát triển ngành xuất khẩu mỹ nghệ ở Việt Nam giữa những năm tháng gian khó ấy. Năm 2007, khi đã ở tuổi ngoài 60, họa sĩ Song Kim vẫn tiếp tục giành được tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã cho thấy tình yêu nghệ thuật vẫn luôn chảy tràn trong trái tim bà cùng với sức lao động không mệt mỏi.

Hơn 30 năm gắn bó với mỹ thuật, họa sĩ Song Kim đã để lại hàng trăm tác phẩm có giá trị, được giới chuyên môn đánh giá cao. Các tác phẩm của bà đều có sự tinh tế, nữ tính và luôn chứa đựng cảm xúc. Mỗi họa tiết, mỗi bức tranh của bà đều đằm thắm một tình yêu với thiên nhiên, với con người và thấm đẫm văn hóa Việt. Bà có quyền tự hào, khi cùng với các họa sĩ Việt Nam, đã tìm được tiếng nói riêng bằng cách đi sâu vào truyền thống tranh sơn mài và tranh lụa.

Họa sĩ Đặng Quang Trung nghẹn ngào khi nhớ về những ký ức gắn với người nữ đồng nghiệp: Không chỉ là một họa sĩ có năng lực, yêu nghề và đặc biệt chu toàn với công việc, trong cuộc sống, họa sĩ Song Kim cũng là một người giàu tình cảm và chỉn chu với mọi người.

Ngày trước, mỗi lần đi thực tế, bà đều để lại ấn tượng tốt đẹp với người dân bởi bản tính chân tình, cởi mở và luôn lo lắng cho người khác. Vì thế, có người phụ nữ Tày ở vùng cao, khi sinh con đã xin phép được lấy tên Song Kim đặt tên cho con, để làm kỷ niệm. Những năm tháng cuối đời, họa sĩ Song Kim còn dành tâm sức để làm từ thiện. Đây quả là tình cảm đáng trân trọng khi lúc này, bà chỉ trông vào đồng lương hưu ít ỏi.

Cùng với một sự nghiệp hội họa đáng quý, cuộc sống giản dị, khiêm tốn và yêu thương con người của bà đã làm nên niềm tiếc nuối cho bao người vào giây phút bà ra đi

Thái Hoàng
.
.
.