Nộp thuế thu nhập, trách nhiệm của mỗi người

Thứ Bảy, 26/03/2005, 07:10

"Lẽ nào vay mà không có trả/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" (Tố Hữu), điều giản dị đó một lần nữa lại đúng với những ai còn cố tình quên đi trách nhiệm nộp thuế thu nhập của mình đối với đất nước. Với những văn nghệ sỹ đã đành, với những người có thu nhập cao khác cũng rất cần có ý thức và trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân.

Ở các nước phát triển, chuyện nộp thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao vốn là điều rất bình thường và đương nhiên phải làm. Không ít ngôi sao, những đại gia anh tài chỉ vì "quên" khoản "nghĩa vụ công dân" này đã phải hầu tòa. Còn ở ta, chuyện đóng thuế thu nhập đã được bàn thảo từ nhiều năm, quy định rõ mười mươi nghĩa vụ đóng thuế, song đến giờ mới bắt đầu rục rịch đi vào cuộc sống.

Chưa bao giờ chuyện đóng thuế thu nhập của các ca sĩ vốn được nhiều người phong cho là giới nhiều tiền, giống như chuyện của các ngôi sao thể thao như ở sân cỏ châu Âu phải đóng thuế thế nào lại được nhiều người quan tâm đến thế. Có lẽ cũng là phải thôi. Họ là những người nổi tiếng, thu nhập lại khá cao. Họ lại là thần tượng của khán, thính giả nên chuyện người hâm mộ mua vé đi xem, đi thưởng thức sẽ giúp cho ca sĩ, vận động viên giàu có, nhiều tiền hơn cũng là chuyện bình thường. Và vì thế, các thần tượng phải đóng thuế nhiều hơn nhằm góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người… thì cũng là chuyện tất nhiên chăng?

Trong khi đó, có thể trước họ, các nhà khoa học, các nhà bác học thúc đẩy và tác động trái đất quay nhanh hơn, nhưng ít người biết tiếng, không ai mua vé xem họ làm thí nghiệm thế nào, và phải hàng thế kỉ sau, nhân loại mới nghe tên họ. Galilê bước lên giàn lửa của nhà thờ, trước lúc bị thiêu cháy vẫn khảng khái một tuyên ngôn: "Dù sao trái đất vẫn quay", câu nói ấy là vô giá trong đêm trường của sự ngu muội.

Nhà thơ Xuân Diệu quả là rất đúng khi ông viết câu thơ: "Trái đất ba phần tư nước mắt/ Trôi như giọt lệ giữa không trung" là cũng nhắc tới thế hệ những người đau khổ, những người cần lao đã từng góp mồ hôi, nước mắt tác động lực đẩy cho vòng quay của trái đất nhanh hơn. Tất nhiên là câu thơ ấy chưa nhắc tới các vĩ nhân, những tài năng siêu việt, xuất chúng còn đẩy lịch sử tiến những bước nhảy vọt.

Bây giờ chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam, không ai nỡ trách những Thanh Lam, Mỹ Linh hay Phương Thanh, Lam Trường, Hồng Ánh… nếu như các bạn ấy không nhớ một câu của những người nông dân miền Bắc trong những năm chống Mỹ cứu nước "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Đấy là gì nếu trong nền kinh tế thị trường này không gọi đích thực là những hạt thóc của "đêm không dài trên đất hẹp miền Trung/ Người ở lại thức giành từng lượm lúa" (thơ Trương Đăng Dung). Đấy là gì nếu không gọi đích danh: là giọt máu, là hạt thóc của những người nông dân dẫu không biết chữ, nhưng có trách nhiệm với Tổ quốc mình như ngàn đời nay "nhân dân thông minh/ Không lừa ta dù ca dao cổ tích…" (thơ Nguyễn Khoa Điềm).

97% ngân sách Nhà nước là từ thuế! Thông tin đó của bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khiến những ai mơ màng nhất về thuế (trong đó có thuế thu nhập cá nhân) cũng phải giật mình suy nghĩ về trách nhiệm công dân của mình đối với Tổ quốc.

Trông cái cảnh người của công chúng chạy đôn chạy đáo lo thu thập chứng từ, hoá đơn để nộp thuế mà buồn. Có lẽ trước đó họ chẳng hề có ý thức gì về trách nhiệm, cũng không ai nhắc chuyện nộp thuế của họ cả. Đến khi cơ quan thuế phải dùng những từ ngữ gay gắt (sẽ đề nghị truy tố) và phần vì ngại sức ép dư luận, nhiều ca sỹ mới cuống cuồng tìm hiểu thủ tục. Thành thử, kết quả chậm như… rùa bò. Đến nay cũng chỉ lác đác vài ca sỹ xong nghĩa vụ được quyết toán thuế.

Ca sĩ là người của công chúng, hoạt động của họ bị công khai hóa từ khán giả đến các ông bầu, người bán vé, công chúng và cơ quan thuế. Họ được quan tâm, đồng thời bị kiểm soát là chuyện dễ hiểu. Thế nhưng, đâu chỉ có họ. Những cầu thủ bóng đá, những chuyên gia do Nhà nước đào tạo đang làm việc cho nước ngoài, những cán bộ, công chức có thu nhập rất cao ngoài lương? Chúng ta vẫn thường gặp dòng khẩu hiệu quen thuộc "Thuế là khoản thu chủ yếu của ngân sách quốc gia", nhưng có mấy ai đặt câu hỏi vậy trách nhiệm của mình là gì? Có thể nhiều người không biết, ngay cả những chị hàng tôm, hàng cá buôn thúng bán mẹt ở chợ cóc, chợ tạm họ cũng phải dành dụm những đồng tiền nhỏ bé để nộp thuế. Không ai không thừa nhận, họ là những người yêu nước chân chính.

Không chỉ xây dựng đất nước, tiền thuế còn để bảo vệ an ninh quốc phòng vững chắc. Chỉ với không khí đất nước bình yên, người dân mới có thể an cư lạc nghiệp. Vậy những ai trốn thuế chẳng những họ là những người không yêu nước, mà phải biết xấu hổ như đã thực hiện một tội phạm chăng? Khi tôi hỏi mấy người bạn kinh doanh bất động sản, thu nhập một tháng bằng lương cả năm của cán bộ, công chức, những người làm trong lĩnh vực viễn thông, người lương bổng tính bằng "vé" rằng họ phải đóng bao nhiêu tiền thuế thu nhập, buồn thay chỉ nhận được câu trả lời "ngô nghê": "Không biết! Ừ nhỉ, nộp thuế thu nhập thế nào nhỉ?".

Không biết sau các ca sỹ, diễn viên, người mẫu thì ai sẽ là đối tượng truy thu thuế thu nhập "riết róng", công khai của ngành Thuế? Và nếu phải nộp thuế thu nhập, xin đừng miễn cưỡng mà nghĩ rằng mình bị đối xử bất công, đó là trách nhiệm công dân của bất cứ ai từ người Mỹ, đến người Nga hay Thái Lan. Lòng yêu nước của chúng ta là gì, nếu không phải là trách nhiệm công dân nộp thuế thu nhập để xây dựng Tổ quốc. Bác Hồ dạy: "Thi đua là yêu nước". Phải chăng, khi đất nước mình 97% ngân sách là từ thuế, thì tâm niệm: "Yêu nước là nộp thuế"?

Hồng Thái
.
.
.