Lăng kính nhà văn:

Nỗi lo cổ thụ

Chủ Nhật, 21/11/2010, 17:05
Buôn cổ thụ lãi lớn trong cuộc sống, có thêm một nỗi lo nữa là lo mất cây (cổ thụ). Cây bồ đề hàng trăm năm tuổi trên đường 19-12 (Hà Nội) vừa được trồng lại. Cây lộc vừng một ngôi đình ở Vĩnh Phúc bỗng biến mất. Một khu rừng si cổ thụ ở Tây Nguyên đột ngột tan hoang… thuộc diện này.

Tôi là người không có hứng thú lắm với chơi chim cảnh, cá cảnh, thú cảnh kể cả cây cảnh. Với tôi, những kiểu chơi ấy nói cho cùng, đều là những hứng thú dựa trên sự mất tự do của kẻ khác. Tiếng hót của con chim là tiếng hót trong lồng giam. Sự tung tăng của con cá là tung tăng trong bình pha lê, trong bể kính. Cây cảnh dù xanh tốt điệu đà cũng là sự xanh tốt trong chậu, sự xanh tốt bị tỉa xén. Gần đây, người ta tổ chức nhiều cuộc triển lãm cây cảnh. Mặc cho nhiều người trầm trồ cây này có dáng cực hiếm, cây kia đẹp đến mê hồn rồi cả cây này mấy trăm triệu, cây kia bao nhiêu tỷ, tôi vẫn không sao thấy nó đẹp được. Nhưng thôi, ai chơi gì tuỳ lòng, thế mới là cuộc đời…

Nhưng đến thú chơi cổ thụ chục năm gần đây của mấy ông nhà giàu thì không thể không nói đôi câu. Lúc đầu, mới dừng lại ở chơi cành đào rừng, thường là đào đơn, đào phai của những người nhiều tiền, chán đào bích, đào cánh kép. Thế là trước Tết Nguyên đán chừng nửa tháng, trên ôtô từ vùng rừng Tây Bắc, Việt Bắc ùn ùn về xuôi, chất ngất toàn đào. Đầu tiên chỉ mới cành đào cắt trong vườn nhà hay trên nương, tuy kềnh càng nhưng còn chưa đến nỗi nào. Sau dần, càng ngày những cành đào càng già hơn, lớn hơn. Rồi đến cả gốc đào cổ thụ, có gốc đường kính hàng chục phân, chắc chắn là đào hoang, phải đào trong rừng, bứng từ vách đá núi. Đào rừng có tiền lập tức trở thành món hàng đắt giá. Thay cho đào Nhật Tân, đào rừng đứng đầy đường đê Yên Phụ. Chỉ gần chục năm như thế, đào hoang, đào vườn vùng núi kiệt quệ. Hết đào đến mận. Bây giờ, thấy được màu mận trắng, màu đào hồng bát ngát núi đồi là chuyện hiếm hoi.

Nhưng không chỉ đào, mận, mơ. Thú chơi ngông, con gà tức nhau tiếng gáy, muốn biến cái đẹp của chung thành sở hữu riêng ngày càng bùng phát cùng với sự xuất hiện của ngày càng nhiều vườn riêng các "đại gia", các nhà hàng, khách sạn. Trước đây, si, xanh, lộc vừng, đa nếp… đâu cũng thấy. Chúng được tự do sống giữa thiên nhiên thoáng rộng, trổ cành  toả bóng xum xuê trong rừng, ngoài đồng, quanh làng. Giờ thì chúng sẵn sàng bị cắt cành, đào gốc chở bằng xe vận tải lớn tới các gia đình, các vườn cây giữa phố phường đô hội. Ở nhiều nơi, nhất là miền Trung, có hẳn một làn sóng vào rừng tìm cổ thụ loài quí, dáng đẹp, để khai thác, bán cho các chủ cây rồi từ đây, cây được chuyển đến những nơi cần.

Kinh doanh cổ thụ lãi hàng chục lần so với gỗ thông thường. Vì thế, cuộc truy tìm, khai thác mở rộng tới hàng chục tỉnh, phá tan nát các rừng cổ thụ, đưa hàng ngàn cây vốn làm nên vẻ đẹp của thiên nhiên trở thành cây cảnh trong các khuôn viên kín cổng cao tường. Chỉ cần đến vườn si, xanh của chùa Bái Đính đang xây dựng; một nhà hàng đặc sản trồng cây lộc vừng ở thành phố Việt Trì; một vài vườn ươm trên quốc lộ 1 hoặc một khuôn viên ven đường từ trung tâm Thủ đô ra sân bay Nội Bài sẽ rõ hơn nạn chảy máu cổ thụ đang diễn ra khốc liệt như thế nào.

Một cây cổ thụ dáng đẹp, hàng trăm năm tuổi mang từ rừng về bắt đầu lên lá trong vườn ươm, có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Lãi lớn nên các nhà kinh doanh tìm mọi cách để có được những cây quí, dù nó ở đầu làng, giữa sân đình hay trên rừng sâu núi thẳm. Và thế là trong cuộc sống, có thêm một nỗi lo nữa là lo mất cây (cổ thụ). Cây bồ đề hàng trăm năm tuổi trên đường 19-12 (Hà Nội) vừa được trồng lại. Cây lộc vừng một ngôi đình ở Vĩnh Phúc bỗng biến mất. Một khu rừng si cổ thụ ở Tây Nguyên đột ngột tan hoang… thuộc diện này.

Chơi cây cũng là một cái thú, không ai có quyền cấm ai nếu thú chơi ấy không tàn phá thiên nhiên và không ảnh hưởng tới người khác. Gần đây, khi cây bồ đề trăm tuổi bên đường 19-12 (Hà Nội) bị bứng gốc, người ta mới bàn đến việc cây cổ thụ đó có phải là tài sản quốc gia hay không và việc xâm phạm nó có vi phạm luật hình sự hay không.

Hoá ra lâu nay, cây chỉ là cây, cây si trăm tuổi, cây sưa hoa đẹp gỗ quí với cây bạch đàn nguyên liệu giấy cũng như nhau, chúng ta chưa có luật nào bảo vệ cây dưới khía cạnh văn hoá, lịch sử của nó.

Xã hội càng phát triển, càng đòi hỏi minh bạch, rạch ròi về luật pháp, ngay cả với cây cối để cây lim xanh bến phà Rừng bên sông Bạch Đằng; cây đa trong khuôn viên Báo Nhân dân; cây đề cổng làng Đường Lâm, cây sấu trong rừng Cúc Phương… không còn phải nơm nớp về số phận của mình

Vĩnh Thi
.
.
.