Nỗi lo bảo vệ bản quyền điện ảnh

Thứ Bảy, 06/06/2015, 09:44
Tại Hội thảo “Bảo vệ bản quyền điện ảnh và truyền hình” diễn ra trong khuôn khổ “Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình Việt Nam – Telefilm 2015” kéo dài từ ngày 4 đến 6/6 ở TP Hồ Chí Minh, hàng loạt khó khăn, thách thức về bản quyền được đại diện các nhà sản xuất phim, đơn vị phát hành, đài truyền hình, đạo diễn, diễn viên... đưa ra mổ xẻ.

Tình trạng các chương trình truyền hình ăn khách như “Táo quân” hoặc phim điện ảnh như “Siêu nhân X”, “Cánh đồng bất tận”, “Chàng trai năm ấy”, “Ngày nảy ngày nay”... có hàng trăm bản sao trên internet khi đang chiếu đã trở thành vấn nạn nan giải của thị trường phim Việt Nam. Thậm chí có phim bị cấm chiếu như “Bụi đời chợ Lớn” cũng nhanh chóng có mặt trên mạng với chất lượng cao.

Đại diện hãng phim, nhà sản xuất, diễn viên... trao đổi tại Hội thảo “Bảo vệ bản quyền điện ảnh và truyền hình”.

Bà Trịnh Thị Thủy Liên, đại diện Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) cho hay dù mới đưa vào hoạt động cuối tháng 5 nhưng chiến lược “Trải nghiệm thế giới điện ảnh ngay tại nhà” của K+ đã vấp phải khó khăn. Mong muốn của chiến lược này là đưa những bộ phim chiếu rạp lên màn ảnh nhỏ để phục vụ khán giả mọi vùng miền và tăng lợi nhuận cho nhà làm phim. Thế nhưng, bộ phim lên sóng đầu tiên là “Để mai tính 2” vừa chiếu hôm nay thì ngày mai đã có bản sao trên mạng. Bà Liên than thở: “Điều này còn tai hại hơn phim bị quay lén ở rạp. Vì phim quay lén thì chất lượng âm thanh, hình ảnh rất thấp, người xem dễ dàng biết đó không phải là bản gốc. Còn bản copy từ phim chiếu trên K+ chất lượng HD không thua kém nhờ công nghệ sao chép hiện đại cài vào tivi”.

Theo bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, ở các nền điện ảnh phát triển, nguồn thu từ rạp chiếu chỉ chiếm khoảng 50%, nguồn thu còn lại chủ yếu nhờ vào việc bán đĩa và chiếu trên các kênh truyền hình trả tiền. Tuy nhiên tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay khiến điện ảnh Việt Nam khó mơ đến món lợi nhuận béo bở ngoài rạp chiếu. Nguyên nhân cốt lõi nhất vẫn là ý thức của công chúng chưa cao. “Nhiều người vẫn xem phim ảnh là tài sản vô hình, không có giá trị. Vậy nên khi ăn trộm hoặc xem “chùa” một bộ phim, họ chẳng hề xấu hổ, áy náy như ăn trộm hay xài “chùa” một chiếc điện thoại” – bà Tú nói.

Diễn viên Trần Bảo Sơn mong muốn các bộ phim cần được tôn trọng về bản quyền vì đó cũng là cách tôn trọng đội ngũ thực hiện bộ phim. Làm nên một bộ phim không hề dễ, nó là công sức, trí tuệ, tâm huyết, tiền bạc và thời gian của cả một đội ngũ từ nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, biên kịch, nhà phát hành...  Đầu tư rất nhiều để cho ra một sản phẩm vừa ý phục vụ công chúng nhưng chỉ cần một cú click chuột hay cú bấm, tác phẩm đó nhanh chóng bị sao chép vô tội vạ. Vấn nạn xâm phạm bản quyền không khác gì kiểu ăn cướp trắng trợn thành quả lao động, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cũng như uy tín cho đội ngũ sáng tạo đồng thời xúc phạm người thụ hưởng.

NSƯT Ngọc Hiệp, Giám đốc Hãng phim Việt cho hay: “Để bảo vệ các bộ phim của hãng, chúng tôi rất cẩn trọng và chặt chẽ trong từng khâu. Các nhân viên khâu hậu kỳ cam kết bảo mật về bộ phim họ hoàn thiện. Nếu xảy ra sự cố nào, chúng tôi sẽ nhờ đến pháp luật. Riêng việc đưa phim về chiếu ở các tỉnh, chúng tôi cũng cố hết sức áp tải cẩn thận, tăng thêm người để đảm bảo phim không bị rò rỉ. Vấn nạn hiện nay chúng tôi gặp phải là ở rạp, dù đã cắt cử người nhắc nhở nhưng không thể kiểm soát hết việc khán giả quay lén bằng điện thoại”.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó ban Thanh, Thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết VTV có nhiều giải pháp để ngăn chặn vi phạm bản quyền. Nhưng theo ông, các đơn vị nếu suốt ngày chỉ đi lo phát hiện và xử lý nạn xâm phạm thì đây là nhiệm vụ vô cùng nan giải vì “làm sao lau sạch nước trên sàn nhà khi vòi nước vẫn mở”. Do vậy, VTV hướng vào những giải pháp mang tính lâu dài như tuyên truyền ý thức bảo vệ bản quyền cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những thông điệp này được lồng ghép trong các chương trình của VTV. Mặt khác VTV còn bắt tay với các đối tác lớn, có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu như Microsoft, Google... để việc kêu gọi có thêm sức nặng.

Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ đã phối hợp cùng các nhà làm phim Việt Nam thực hiện một clip cảm ơn các khán giả đã bảo vệ bản quyền, không sử dụng đĩa lậu, quay lén phim trong rạp... Clip có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng. Dù mới chiếu thử nghiệm ở một vài sự kiện nhưng clip này đã nhận được sự thích thú, ủng hộ của giới trẻ. Do đó, có ý kiến đề xuất: vào khung giờ vàng, VTV nên bớt ít phút quảng cáo để nhường chỗ các clip tuyên truyền về bản quyền thiết thực như trên.

“Với cách làm này, không phải tức thì nạn vi phạm bản quyền sẽ giảm. Nhưng chúng ta có thể tự  tin rằng 10, 20 năm nữa, vấn nạn này chắc chắn sẽ giảm khi ý thức được xây dựng từ thế hệ kế cận” - ông Nguyễn Đức Hòa khẳng định.

Quỳnh Nga
.
.
.