"Nỗi khổ" của họa sĩ chép tranh
Những tháng gần Tết, mùa khách du lịch đổ xô vào TP Hồ Chí Minh cũng là lúc Vũ Phương T. (21 tuổi, quê Nam Định) phải quay cuồng cả ngày lẫn đêm bên bảng vẽ với hàng trăm bức tranh.
T. cho biết: "Chỉ riêng tỉnh Nam Định, có hơn 500 "họa sĩ" vào TP Hồ Chí Minh và Hà Nội làm nghề chép tranh, riêng xã Hải Minh đã có hơn 200 thanh niên xuôi Nam làm nghề này. Những tháng cận Tết, mỗi đứa đều nhận 100 - 200 bức để vẽ. Chỉ có mấy tháng này là hút hàng, còn lại chỉ làm đủ sống".
Rộn ràng mùa chép tranh
Các phòng tranh trên các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… (quận I), Trần Phú (quận 5), mỗi phòng tranh có từ 5 đến 10 họa sĩ cặm cụi bên giá vẽ làm việc. Hàng liên tục bị "cháy" nên công việc của họ không được ngơi tay.
Hàng trăm bức tranh "giống y khuôn" treo trước quạt gió, phơi trên nóc nhà cho mau khô để kịp giao hàng. Các tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như Đào Hải Phong, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân… hay các tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ nước ngoài như Picasso, Leonardo da Vinci, Ivan Kramskoy… được treo hoặc cuộn tròn lại từng lố để trong góc phòng.
Các thể loại, phong cảnh, trừu tượng, nhân vật cổ điển, tĩnh vật… được sản xuất ra hàng loạt bằng phương pháp chụp hình, phô tô, scan vào bố sau đó được… tô màu.
Chủ một gallery trên đường Đề Thám cho biết: "Khách du lịch nước ngoài rất thích tranh của Việt Nam vì giá rẻ với lại thể loại nào cũng có, nếu mua ở nước ngoài 1 bức có giá từ 1.000 USD trở lên, còn ở đây chưa tới 100 USD là có 1 bức tranh của một họa sĩ nổi tiếng, cho nên cứ đến gần mùa tết, có khách đặt từ 20 - 30 tấm và lấy trong thời gian ngắn. Nhiều lúc chúng tôi phải huy động tranh của các phòng tranh khác hoặc kêu thêm thợ để vẽ cho đủ số lượng kịp giao hàng cho khách".
Không chỉ riêng các gallery tất bật với việc kiếm thợ, nhận đơn đặt hàng, mà ngay cả các "họa sĩ tại gia" cũng rộn ràng không kém. Mướn nhà quận 4, T. và một người bạn mấy ngày nay liên tục bị chủ hàng yêu cầu giao tranh gấp vì khách hàng hối thúc.
Chỉ riêng từ tháng 8 đến nay, T. đã nhận hơn 100 bức tranh các loại của Đào Hải Phong khổ 80x60cm và hơn 40 tấm Klim. Ngày nào cũng bám rễ trên giá vẽ đến 3h sáng, đêm ngủ cũng mơ thấy chủ hàng hối thúc đòi tranh. T. cho biết: "Hàng hút quá! Chưa năm nào em lại nhận nhiều tranh như năm nay!...".
Họa sĩ trường làng
Phong trào chơi tranh chép nở rộ trên thị trường hơn 10 năm nay. Ban đầu các chủ gallery thích các tác phẩm đẹp nên vẽ lại để treo trong gallery làm mẫu, khi có khách hàng hỏi mua, đưa hình mẫu cho vẽ thì nhận nên phong trào chơi tranh chép cũng rộ lên.
Một bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam giá gốc đã vài triệu đồng nhưng cũng tác phẩm này, một bức tranh chép chỉ có giá từ 300.000đ - 1.000.0000 đồng tùy theo khổ. Những họa sĩ tranh chép là những sinh viên trường mỹ thuật, muốn thực tập, nâng cao tay nghề và có chút thu nhập nên đến với nghề này.
Nhưng họ là số ít, lực lượng chính là những thanh niên ở các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình học nghề tranh chép từ người thân và các lớp trường làng.
T. kể lại, năm T. 15 tuổi, một ông bác là họa sĩ từ trong Nam về mở phòng tranh tại xã. Nhiều thanh niên thấy thích nên xin theo học. Ban đầu, ông chỉ truyền nghề cho người trong nhà. Lũ trai làng năn nỉ quá, ông mở lớp dạy học luôn.
Hàng trăm thanh niên miệt mài cọ quẹt, quần áo bê bết sơn, màu. Học 1 - 2 năm, khi nắm bắt được cách phối màu, bố cục, họ theo xe vào TP Hồ Chí Minh, Hà Nội kiếm việc.
Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ riêng chung cư Eden đã có hơn 200 họa sĩ chép tranh, tại khu phố Tây, gần 300 họa sĩ, rồi khu Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, gần 500 thanh niên hành nghề chép tranh, Trần Phú có hơn 50 người. Một lực lượng đông đảo các họa sĩ xuất thân từ các trường làng.
Có những chủ nhân còn rất trẻ khi tự đứng ra mở phòng tranh, tự nhận thợ và tự thân liên hệ mối lái tìm nguồn. Những người như vậy ban đầu làm ăn rất khấm khá.
Thời gian qua, tại các con phố chính ở TP Hồ Chí Minh hàng trăm các phòng tranh liên tục mở ra, sự cạnh tranh gay gắt giữa các phòng tranh làm cho việc thu nhập từ loại hình tranh chép này có chiều hướng giảm xuống.
Cạnh tranh khốc liệt, nhiều gallery đã dùng chiêu "tranh vẽ máy" trộn lẫn với các bức tranh khác để kiếm lời. Các bức tranh vẽ bằng máy khi đưa về phòng tranh chỉ cần tô vẽ thêm vài tiếng đồng hồ là ra một tác phẩm hoàn chỉnh mà giá rẻ hơn rất nhiều so với tranh vẽ tay. Hám lời, nhiều phòng tranh đua nhau theo công nghệ này.
Làm nhiều nhưng… chẳng có tiền về quê
Tôi đã gặp rất nhiều các họa sĩ trong nghề chép tranh mà tuổi đời của họ rất trẻ. Làm hùng hục ngày đêm nhưng lúc nào miệng cũng than thở Tết này chẳng có tiền về quê.
Một nhóm bạn của Nguyễn Văn B. (22 tuổi, quê ở Quảng Ninh) cho biết: "Tiền nó đi đâu hết ấy anh ạ! Tiền thì lúc nào cũng lãnh 3-4 triệu nhưng vèo một cái trong túi không có đồng nào! Toàn ăn mì tôm thôi!".
Chỉ riêng 2 tháng, B. nhận hơn 100 bức tranh, trừ tiền màu vẽ, tiền bố, tiền xi ra, số tiền còn lại hơn 10 triệu đồng, nhưng khi tôi đến thăm B., bên giá vẽ, ngoài cái hộp màu là nồi mì gói loe que vài cọng rau...
Xa quê, tuổi còn trẻ, những đồng tiền cực nhọc kiếm được lại đi theo rượu chè, cờ bạc. Cho nên, bao nhiêu tiền làm được đều nướng hết vào các cuộc chơi của đám bạn cùng quê.
Trong mùa tranh hút hàng, mỗi họa sĩ trường làng cũng kiếm được 20 - 30 triệu đồng, nhưng B tâm sự: "Lấy được tiền phải trả nợ cho những tháng "ngồi chơi xơi nước". Với lại, thanh niên mà bác, không đi nhậu thì biết làm gì!".
Cũng chính vì vậy mà Tết này những họa sĩ như T., B. lại nói lời xin lỗi với gia đình vì "Con không có tiền về đâu! Ngại lắm!"