Nỗ lực bảo tồn các dân tộc dưới 1.000 người

Thứ Sáu, 13/02/2015, 08:10
Mới đây, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tổ chức hội nghị - hội thảo “Giải pháp bảo tồn, phát huy văn hoá của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người”. Tại đây, nhiều vấn đề đã được đặt ra. Tuy nhiên, để thực hiện được những điều này không phải là chuyện dễ dàng.
Cả nước hiện có 54 dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, dân số giữa các dân tộc rất không đều, có dân tộc có số dân trên một triệu người như Tày, Thái... nhưng hiện cũng có tới 5 dân tộc chỉ có số dân dưới 1.000 người như: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.

5 dân tộc có số dân dưới 1.000 người này chủ yếu cư trú ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An và Kon Tum - nơi điều kiện cuộc sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo tương đối cao nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế, có dân tộc ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục… cũng bị mai một, thậm chí bị mất hẳn; có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống. Trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc khác, những đặc trưng văn hoá của họ có sự pha trộn, giao thoa, mai một.

Thực tế, từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều nơi đời sống kinh tế được cải thiện nhưng sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa còn lớn, trong đó vai trò của chủ thể, của người dân, của cộng đồng chưa được phát huy và đặt đúng vị trí.

Tại hội nghị - hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Xác định những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp khẩn cấp để bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu phù hợp với đặc trưng văn hóa dân tộc và tình hình thực tế; Giải pháp để phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc thiểu số trong bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình? Cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, định hướng ra sao?; Nguyện vọng của đồng bào, công việc gì thiết thực, phù hợp để bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc mình, những kiến nghị, đề xuất với chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa,...

Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu.

Cụ thể hơn, các ý kiến mà các đại biểu nêu ra đối với những khó khăn mà 5 dân tộc thiểu số này đã và đang phải đối diện như: thực trạng dân trí thấp; vấn đề hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại; khó khăn về kinh tế, vốn, đất canh tác bị mất đi do quá trình di cư xây dựng thủy điện,…

Bên cạnh đó, có ý kiến cũng cho rằng, về việc xây dựng các thiết chế văn hóa đối với các dân tộc ít người này cũng có vấn đề. Ví dụ như việc xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa ở các thôn bản, nhà nước đầu tư tiền xây dựng, nhưng những người thực hiện lại triển khai một cách cứng nhắc khi thiết kế một mô hình chung rồi cứ thế xây dựng cho tất cả. Khi người dân sở tại đề xuất, cùng là số tiền được đầu tư ấy, nhưng cần xây dựng công trình theo văn hóa và truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc cho phù hợp.

Tuy nhiên,  phía các đơn vị thi công trả lời rằng, phải làm đúng như thiết kế thì mới được quyết toán. Vậy là dẫn đến việc khi công trình xây xong, không phù hợp với nhu cầu sinh hoạt văn hóa của bà con nên người dân không mặn mà. Điều này vừa làm lãng phí tiền bạc của nhà nước, vừa không đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân các dân tộc.

Do đó, ý kiến của một số đại biểu là người có uy tín của 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người cũng đề xuất, những vấn đề về quản lý nhà nước về văn hóa, cần áp dụng một cách linh hoạt mang tính đặc thù với mỗi địa phương, vùng miền, với các dân tộc thiểu số dưới 1.000 người. “Ví dụ như vấn đề sinh đẻ. Một mặt, để tăng được dân số của các dân tộc này, Đảng và Nhà nước cần khuyến khích bà con sinh đẻ để phát triển và duy trì nòi giống. Nhưng vì các gia đình của các dân tộc này phần lớn còn khó khăn nên nếu muốn sinh nhiều con thì lại cần có các chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế như phổ biến các mô hình sản xuất, chăn nuôi, canh tác,…” - ông Pờ Chà Nga, dân tộc Si La, ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu kiến nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH – TT & DL Hồ Anh Tuấn ghi nhận những ý kiến mà các đại biểu đã chia sẻ trong hội thảo. Bộ VH – TT&DL sẽ sàng lọc các ý kiến, để từ đó lựa chọn đưa vào trong các chương trình hành động cụ thể của Bộ này trong năm 2015, từ đó phát huy được tốt nhất vai trò quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ cũng như thúc đẩy công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người nói trên.

Cảnh Vũ
.
.
.