Những yếu tố quan trọng để dân ca Ví, Giặm có thể trở thành di sản văn hóa của nhân loại

Thứ Sáu, 30/05/2014, 09:51
Điểm mạnh của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh) là sức sống, sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đây cũng là điểm tựa tạo nên sự tự tin cho Ví, Giặm trong hành trình tiến đến sự công nhận của UNESCO để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, so sánh giữa yêu cầu bảo tồn nguyên gốc của UNESCO với sự biến đổi của môi trường diễn xướng trong thực tế hiện nay, thì đây lại là một bài toán khó đối với loại hình âm nhạc truyền thống như dân ca Ví, Giặm.

Ông Nguyễn Ngọc Ất- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết, ông rất kì vọng sẽ không lâu nữa dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi một lẽ, dân ca Ví, Giặm đã ăn sâu trong cộng đồng người dân xứ Nghệ. Bản thân cộng đồng đã nắm giữ, trao truyền hết đời này đến đời khác, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân. Thực chất ngôn ngữ, âm điệu của dân ca Ví, Giặm - sản phẩm của Ví, Giặm là tiếng nói Nghệ, là phương ngữ tiếng nói Nghệ.

Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Ngọc Ất cho biết: Có lẽ không ở đâu như Nghệ An và Hà Tĩnh, bất cứ người dân nào cũng biết ít nhất đôi ba câu Ví, Giặm. Ở các xóm làng, người ta thành lập các câu lạc bộ hát dân ca. Những ngày nông nhàn hay khi mùa vụ tới, họ cũng tranh thủ hát Ví, Giặm rồi cùng tham gia vào phong trào văn nghệ quần chúng xã nhà, thỉnh thoảng lại có dịp gặp nhau ở mỗi kì liên hoan ở tỉnh. Đã từ lâu, phong trào hát dân ca được duy trì đều đặn ở mỗi địa phương và được người dân ở đây coi như món ăn tinh thần không thể thiếu. Bắt đầu gây dựng phong trào từ năm 1998, đến nay riêng tỉnh Nghệ An, số lượng câu lạc bộ đã tăng lên con số  77 (chưa kể câu lạc bộ tại các trường học). Bên cạnh đó, các tầng lớp nhân dân xứ Nghệ cũng thường xuyên vận dụng các làn điệu Ví, Giặm để biểu diễn văn nghệ quần chúng, hay đơn giản chỉ mượn câu hát ví von, sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Minh chứng thêm cho sức mạnh của Ví, Giặm xứ Nghệ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Đặng Hoành Loan cho biết: Ví, Giặm đã tạo nên một vùng văn hóa có cá tính - xứ Nghệ. Nghề nông theo phường hội từ xa xưa góp phần đưa Ví, Giặm đi sâu vào ngõ ngách sinh hoạt nông nghiệp của người dân nơi đây. Thứ nữa, Ví, Giặm có giá trị cao về mặt văn học khi bên cạnh những người dân lao động, loại hình âm nhạc truyền thống này còn thu hút đông đảo lực lượng trí thức đương thời mà Đại thi hào Nguyễn Du, nhà yêu nước Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ là ví dụ. Một yếu tố không thể không kể đến là môi trường văn hóa với sông nước, đồi núi, các ngành nghề thủ công nghiệp được phản ánh một cách sâu sắc trong từng câu hò, điệu ví.

Một tiết mục trong lễ tổng kết Liên hoan dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ năm 2012.

Nhận xét về sự tương quan giữa tính nguyên gốc theo yêu cầu của UNESCO và thực tiễn đang có xu hướng sân khấu hóa của dân ca Ví, Giặm, ông Nguyễn Ngọc Ất khẳng định, sức mạnh của Ví, Giặm nói riêng và dân ca xứ Nghệ nói chung chính là sự đồng thuận trong cộng đồng. Người dân nắm giữ và trao truyền nó qua nhiều thế hệ, gắn bó sâu sắc trong đời sống thường nhật. Ông Ất bày tỏ: “không ở đâu có một sinh hoạt đặc sản Ví, Giặm khác biệt với những nơi khác khi xuất phát của nó là trong lao động, trong chính những ngành nghề và trong sinh hoạt cộng đồng. Dân ca Ví, Giặm hát không kể thời gian, không gian, ru con ngủ có Giặm ru, hát trên môi trường sông nước thì có đò đưa sông Lam, đò đưa nước ngược…”.

Một trong những thách thức lớn nhất trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Ví, Giặm xứ Nghệ chính là sự biến mất của không gian văn hóa. Hát Ví, hát Giặm ra đời gắn liền với những nghề thủ công: làm nón, dệt vải, hay những điệu Giặm lại gắn với những phường cày, phường cấy. Cuộc sống hiện đại khiến cho môi trường diễn xướng bị thay đổi. Không gian diễn xướng cũng chính là thách thức lớn khi chúng ta đưa hồ sơ dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ trình UNESCO.

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thị Hồng Lựu - một trong những người gây dựng dân ca xứ Nghệ trong cộng đồng bày tỏ quan điểm: “Bảo tồn là gì? Là bảo vệ nó, phát huy nó để tồn tại. Giữ nguyên cái gốc là rất quan trọng. Nhưng mình đã giữ được cái gốc thì phải phát triển nó lên. Nếu không phát triển được thì nó chỉ ở trong bảo tàng thôi. Ở đây vừa song song bảo tồn với việc phát huy, bởi vì người dân lao động vừa là chủ thể, vừa là khách thể sáng tạo.

Do vậy, theo NSND Hồng Lựu thì một trong những tiêu chí quan trọng nhất để dân ca Ví, Giặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là dân ca phải được trở về với cộng đồng, tức là dân ca phải trở thành sinh hoạt thường ngày của đa số người dân. Riêng yêu cầu này, tính đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định: dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ đang ngày càng bắt rễ sâu trong cộng đồng, trở thành nhu cầu sinh hoạt rộng rãi.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cũng khẳng định: Người xứ Nghệ đã biết chuyển đổi vị trí và chức năng của nó cho phù hợp với đời sống xã hội trải qua tất cả các thời kì. Người xứ Nghệ đã làm cho Ví, Giặm thích nghi, tương tác với tất cả phương thức sinh hoạt. Ví, Giặm không chỉ tồn tại trong đời sống, được bảo tồn từ phía các nhà quản lý văn hóa, các cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng, mà còn là cảm hứng trong sáng tác âm nhạc. “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” của nhạc sĩ Trần Hoàn, “Đêm nghe Ví đò đưa nhớ Bác” của nhạc sĩ An Thuyên hay “Khúc hát sông quê” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ… là minh chứng để nối dài sức sống của âm hưởng dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những hiện tượng biến tấu như “kỷ lục quan họ, chèo hóa hát xoan”, những người làm công tác bảo tồn di sản cũng  cần cảnh giác với việc sân khấu hóa, vì việc này sẽ khiến người dân không còn cảm thấy đó là di sản văn hóa của chính mình nữa. Nó khiến cộng đồng có cảm giác ngăn cách, xa lạ, dần đi đến thái độ dửng dưng hoặc tham gia thụ động trong việc thực hành và bảo tồn di sản

Cảnh Vũ - Bảo Trân
.
.
.