Những vần thơ kêu gọi đấu tranh vì giống nòi, vì lý tưởng cách mạng

Thứ Ba, 05/10/2010, 10:29
Phát biểu của đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo "Tố Hữu - thân thế và sự nghiệp" nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của nhà thơ (1920-2010).

Xin kính cẩn tưởng nhớ đến Tố Hữu, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà thơ tài năng của dân tộc ta.

Hôm nay, tôi thực sự vui mừng và xúc động được tham dự Hội thảo trang trọng và rất ân tình về cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Tố Hữu nhân kỷ niệm lần thứ 90 sinh nhật của nhà thơ (1920-2010).

Tố Hữu sinh năm 1920 tại Thừa Thiên - Huế. Năm 16 tuổi, Tố Hữu giác ngộ cách mạng và vào Đoàn, 17 tuổi vào Đảng, trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Tháng 4-1939, bị thực dân Pháp bắt giam ở các nhà tù Thừa Phủ, Lao Bảo, Ban Mê Thuột, Đaklay… Nhiều năm trong tù, Tố Hữu vẫn làm thơ cách mạng.

Tháng 3/1942, ông vượt ngục tiếp tục hoạt động, đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa ở Thừa Thiên - Huế, góp phần to lớn vào thắng lợi của Cách mạng ở một trung tâm - đầu não của chính quyền phong kiến - thực dân. Làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đến năm 1947, Tố Hữu được điều lên Việt Bắc, phụ trách công tác văn hóa, văn nghệ trong Ban Tuyên huấn do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách.

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW phát biểu tại hội thảo.

Từ những năm 50, Tố Hữu tham gia Ban Chấp hành Trung ương và Ban Bí thư (1958-1980), trong những năm từ 1976 đến 1986 là Ủy viên Bộ Chính trị. Tố Hữu đã từng đảm nhiệm các trọng trách: Trưởng ban Tuyên huấn, Trưởng ban Khoa giáo, Trưởng ban Thống nhất, Trưởng ban Nông nghiệp, Giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng. Trong bất kỳ công việc nào, ông đều nỗ lực hoàn thành với ý chí cách mạng cao và tất cả trí tuệ, tâm huyết của mình. Nhưng trước sau, công tác tuyên huấn, công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, vẫn là lĩnh vực hoạt động lâu dài, chủ yếu và có nhiều đóng góp to lớn của ông.

Tố Hữu là một nhà thơ bẩm sinh, mới 16, 17 tuổi ông đã có những bài thơ giàu tình yêu thương đối với những người nghèo khổ, khát khao vươn tới lý tưởng cao đẹp và những vần thơ kêu gọi đấu tranh vì giống nòi và vì lý tưởng cách mạng, như các bài: Hai đứa bé, Vú em, Ly rượu thọ, Từ ấy… Ngay từ thời còn rất trẻ, ông đã tâm niệm sâu sắc: "Đã vay dòng máu thơm thiên cổ - Phải trả cho ta mạch giống nòi"… Suốt một đời, Tố Hữu làm người chiến sĩ cách mạng thủy chung và kiên cường, và với ông làm thơ là để làm Cách mạng - Cách mạng và thơ là một.

Khi được giao trọng trách làm công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng văn hóa, ông đã đem khát vọng lý tưởng, ý chí cách mạng và tâm hồn thi sĩ nồng nàn của mình cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, làm sâu sắc và phong phú cho lĩnh vực hoạt động rất đặc biệt này.

Như chúng ta đã biết, cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến đấu của một dân tộc thuộc địa, mất nước, nghèo đói và lạc hậu… chống lại những đế quốc khổng lồ, hiện đại với sức mạnh tàn bạo của bom đạn và vũ khí. Trong cuộc chiến đấu đó, chúng ta đi từ tay không, từ tầm vông vạt nhọn, từ gậy gộc và vũ khí thô sơ, lớn dần lên để chọi lại với sắt thép và kỹ thuật hiện đại.

Để vượt qua thử thách hiểm nghèo trên, để chiến đấu và chiến thắng chúng ta đã phát động một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lấy lòng yêu nước nồng nàn, ý chí "Thà hi sinh tất cả chứ quyết không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ", ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa"… làm vũ khí tinh thần, làm sức mạnh to lớn của toàn dân.

Vì vậy, trong cuộc chiến đấu đó, bên cạnh mặt trận vũ trang, mặt trận tư tưởng là cực kì trọng yếu. Nếu không có nó, chiến sĩ sẽ ngã lòng, đồng bào sẽ dễ bi quan, chán nản, cuộc kháng chiến dài lâu 30 năm lấy đâu ra cảnh "lớp cha trước, lớp con sau", mấy thế hệ nối nhau ra trận, "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", hậu phương lớn "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" và ở tiền tuyến lớn, đến "em thơ cũng hóa những anh hùng". Thấu hiểu sâu sắc cội nguồn sức mạnh của dân tộc, Đảng ta đã rất coi trọng công tác tư tưởng, lấy nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, tổ chức nhân dân làm Cách mạng là công việc hàng đầu, có ý nghĩa quyết định tạo nên sức mạnh vô địch của một dân tộc nhỏ yếu vùng lên tự giải phóng mình.

Bài học quý báu đó chính là nhân tố làm nên thắng lợi của cuộc chiến đấu vĩ đại của chúng ta. Trong nhiều năm, Tố Hữu là người được Đảng phân công trực tiếp làm công tác Tuyên huấn, làm Tư lệnh của một Binh chủng tinh nhuệ đặc biệt, mà mỗi một hoạt động, từ tuyên truyền cổ động đến mỗi bài viết, bài hát, bài thơ hay đều có sức mạnh như những vũ khí, như những sư đoàn…

Được Đảng phát hiện tài năng và giao trọng trách đó, Tố Hữu đã say sưa, tâm huyết… cùng đồng chí, đồng đội làm việc tận tụy ngày đêm trong một lĩnh vực tưởng như vô hình mà lại vô cùng hữu ích. Ông đã góp phần trực tiếp cùng nhiều đồng chí của mình xây dựng nên một lực lượng hùng hậu, làm công tác tư tưởng, công tác văn hoá của Đảng, góp phần biến ý chí, đường lối, chủ trương của Đảng thành năng lượng khổng lồ, tạo nên một sức mạnh vĩ đại của toàn dân, toàn quân.

Vì vậy, có thể nói, lực lượng của ta, chiến thắng của ta là lực lượng, chiến thắng của những con người được giáo dục, rèn luyện chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng thời đại mới, kế tục truyền thống mấy ngàn năm đánh giặc giữ nước của cha ông. Đó là thành công của công tác tư tưởng của Đảng ta và trong một thời gian dài, công tác đó dưới sự chỉ đạo của Tố Hữu, nhà tuyên huấn biệt tài, nhà chỉ huy tinh tế và tâm huyết, người "hiến đến cuối cùng suối máu" cho công tác mà ông yêu thích và tự hào.

Trong quá trình xây dựng đội ngũ làm công tác tư tưởng, văn hóa, Tố Hữu đã trực tiếp góp phần động viên, tập hợp, tổ chức và phát triển cả một binh đoàn văn nghệ từ Bắc vào Nam, những tài năng của nhân dân, những chiến sĩ trung kiên trên mặt trận văn hóa - văn nghệ. Qua hơn 30 năm, họ đã làm nên một nền văn hóa - văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh bất tử và các giá trị của nó còn phát huy tác dụng đến hôm nay và mãi mãi về sau. Công lao tạo dựng, đi đầu… làm cánh chim đầu đàn không mỏi ấy thuộc về Tố Hữu.

Là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, là nhà thơ lớn, tài năng của dân tộc, mỗi tập thơ của Tố Hữu đều đánh dấu một bước phát triển của thơ ca Việt Nam từ giữa những năm 30 đến cuối thế kỷ XX vừa qua. Trong tất cả sự phong phú, đa dạng trong sáng tạo thơ ca của Tố Hữu, chúng ta đều tìm thấy sự gặp gỡ đẹp đẽ giữa thơ với đất nước, thơ với cách mạng và Đảng, thơ với nhân dân, đúng như tâm sự của ông "Suốt đời tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: Trăm năm duyên kiếp ĐẢNG  VÀ THƠ".

Huân chương Sao vàng, giải thưởng Hồ Chí Minh, nhiều phần thưởng cao quý, những lời đánh giá đầy trân trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, của các thầy cô giáo và học sinh, và đặc biệt, của nhân dân… đã kết thành vòng nguyệt quế vừa đẹp đẽ, vừa ân tình bao quanh bức chân dung của một nhà tư tưởng xuất sắc, một nhà thơ lớn đã viết bằng thơ lịch sử của một Nhân dân và Đất nước anh hùng.

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của ông, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo Trung ương, thay mặt những người kế tục sự nghiệp vẻ vang của ông, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng đối với ông và nguyện đem hết tâm lực tiếp tục thực hiện khát vọng cả cuộc đời của ông vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản, góp phần đưa sự nghiệp vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân tộc đến thắng lợi vẻ vang

.
.
.