Những sứ giả đầu tiên của Việt Nam tại Liên bang Xô-viết

Thứ Sáu, 29/01/2010, 10:23
Hai năm sau khi lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, đến đầu năm 1952, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức đặt Đại sứ quán tại Matxcơva. Vị Đại sứ đầu tiên của nước ta tại Liên Xô là đồng chí Nguyễn Lương Bằng, một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, sau này là Phó Chủ tịch nước.

Năm năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập"; đến đầu năm 1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (18/1), tiếp đó là Liên Xô (30/1) và một số nước XHCN và DCND. Đây là một thắng lợi ngoại giao cực kỳ quan trọng, đã phá tan thế bao vây, cô lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của nhân dân ta bước sang một giai đoạn mới...

Sau mấy năm kiên cường thực hiện trường kỳ kháng chiến, với những thắng lợi ngoại giao mang tính bước ngoặt trong tháng 1/1950; Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật vượt biên giới Việt - Trung, thực hiện chuyến công tác ngoại giao đặc biệt; đây là lần đầu tiên Người thăm Trung Quốc và Liên Xô trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau thời gian thăm Trung Quốc, Hồ Chủ tịch và các thành viên đáp xe lửa đi Liên Xô.

Ngày 3/2/1950, đúng kỷ niệm 20 năm Ngày Đảng ta ra đời, Bác Hồ tới Matxcơva. Trong dịp này, Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng đang có mặt tại Matxcơva để kí Hiệp ước đồng minh tương trợ hữu nghị Trung - Xô. Các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc khẳng định sẽ viện trợ vũ khí, trang bị quân sự, lương thực và thuốc men... cho Việt Nam.

Trong một buổi làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại nguyên soái Xtalin và Chủ tịch Mao Trạch Đông thoả thuận hai nước sẽ trang bị vũ khí cho sáu đại đoàn bộ binh của Việt Nam; Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định: tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam.

Hai năm sau khi lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, đến đầu năm 1952, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức đặt Đại sứ quán tại Matxcơva. Vị Đại sứ đầu tiên của nước ta tại Liên Xô là đồng chí Nguyễn Lương Bằng, một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, sau này là Phó Chủ tịch nước.

Ngày 23/4/1952, Đại sứ Nguyễn Lương Bằng trình Quốc thư lên Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô N.M. Sverơních.

 

Trong hồi kí của mình, đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhớ lại: Trước khi đi, Bác và anh Năm (đồng chí Trường Chinh), anh Tô (đồng chí Phạm Văn Đồng), cũng cho chỉ thị rất cụ thể để sang bên ấy thực hiện... Tháng 4 năm 1952, tôi chính thức lên đường sang làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Liên bang Xô-viết.

Bộ máy tổ chức của Sứ quán Việt Nam tại Liên Xô giai đoạn đầu (1952-1957) gồm những cán bộ chủ chốt sau: Đại sứ Nguyễn Lương Bằng; Bí thư thứ nhất Nguyễn Đức Quỳ; Bí thư thứ hai Nguyễn Văn Thương; Cơ yếu Hà Thục Trinh (phu nhân Đại sứ Nguyễn Lương Bằng) và Nguyễn Thị Cúc (phu nhân đồng chí Nguyễn Đức Quỳ); phiên dịch Nguyễn Mạnh Cầm và Tạ Hữu Canh.

Trong một dịp bà Nguyễn Thị Cúc từ TP HCM ra Hà Nội, chúng tôi đã tới thăm và được bà kể lại một vài kỉ niệm những ngày đầu tiên làm công tác ngoại giao tại Liên Xô.

Các cán bộ Sứ quán Việt Nam tại Liên Xô thời kì đầu (Đại sứ Nguyễn Lương Bằng đứng thứ 6 từ trái qua).

Bà Cúc nhớ lại: Nhận nhiệm vụ đi làm cán bộ sứ quán tại Liên Xô, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Đoàn cán bộ chúng tôi được xe ôtô của Văn phòng Trung ương đưa tới Lãnh sự quán ta tại Nam Ninh (Trung Quốc). Các cán bộ ngoại giao ở Lãnh sự quán đưa chúng tôi đi mua quần áo ấm và một số vật dụng thiết yếu trước khi lên đường đi Liên Xô. Theo bà Cúc, ngoài những cán bộ chủ chốt, Sứ quán ta còn có một số đồng chí khác làm công tác phục vụ như lái xe, cấp dưỡng.

Ngoài ra, Liên Xô cũng giúp ta một số nhân viên như anh Vaxili làm vườn, chị Lêna làm liên lạc, anh Pêchia làm lái xe và chị Maria làm phiên dịch kiêm dạy tiếng Nga. Những năm tháng đó Liên Xô còn nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh nhưng bạn vẫn dành cho các cán bộ Sứ quán ta nói riêng và cuộc kháng chiến của nhân dân ta nói chung sự quan tâm sâu sắc và sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu.

Bạn dành cho ta một biệt thự cổ xây từ thế kỉ trước làm trụ sở Sứ quán và cử công nhân tới tu sửa. Sau khi việc tu sửa hoàn thành và tiến hành gắn biển Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 23/4/1952, Đại sứ Nguyễn Lương Bằng trình Quốc thư lên đồng chí N.M. Sverơních - Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô.

Một cán bộ phiên dịch của Sứ quán ta tại Liên Xô thời kỳ đầu là đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, sau này là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao. Nhớ lại những kỷ niệm với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm bồi hồi: "Những bài học quý báu tiếp thu được trong những năm tháng làm việc dưới sự chỉ đạo của anh, vị Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên, mãi mãi theo tôi như những bạn đường, như những trợ thủ tích cực trong suốt cuộc đời hoạt động ngoại giao của mình. Và gần như một định mệnh, ba mươi năm sau tôi trở thành người kế tục anh ở cương vị Đại sứ tại Liên Xô".

Sau chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Liên Xô tháng 2/1950; cùng với những hoạt động linh hoạt, khôn khéo của Đại sứ quán Việt Nam, Liên Xô đã chủ động phối hợp với Việt Nam trong tuyên truyền vận động quốc tế, ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam.

Tháng 9/1952, với tư cách Ủy viên Thường trực HĐBA Liên hợp quốc, Liên Xô đã phủ quyết đề nghị của chính quyền Bảo Đại xin gia nhập Liên hợp quốc và tỏ ý ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gia nhập tổ chức này. Trong quan hệ quốc tế, Liên Xô khẳng định Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam.

Tròn 60 năm đã qua kể từ ngày Việt Nam - Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao, nước Việt Nam hôm nay đã hoàn toàn thống nhất, độc lập, có vị thế và uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế. Đóng góp vào những thành tựu ấy, có vai trò xứng đáng của những vị sứ giả đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên bang Xô-viết

Trần Duy Hiển
.
.
.