Nhà thơ Vũ Quần Phương:

Những nỗi niềm không nguôi ngày Tết

Thứ Bảy, 21/02/2015, 15:58
Đối với nhà thơ Vũ Quần Phương, Tết là những ký ức không nguôi ngoai của những tháng ngày đã xa trong quá khứ, lúc ở Nam Định cùng bà nội, trong vùng tản cư kháng chiến, khi lại là những ngày Tết nghèo khó nhưng ấm áp tình người cùng mẹ thân yêu ở ngoại thành Hà Nội...

Sau những cái Tết ở Mỹ cùng các con, năm nay, nhà thơ Vũ Quần Phương đón Tết tại Hà Nội, mảnh đất mà ông đã mấy chục năm gắn bó. Đối với ông, Tết là những ký ức không nguôi ngoai của những tháng ngày đã xa trong quá khứ, lúc ở Nam Định cùng bà nội, trong vùng tản cư kháng chiến, khi lại là những ngày Tết nghèo khó nhưng ấm áp tình người cùng mẹ thân yêu ở ngoại thành Hà Nội. Và có cả những cái Tết độc hành trên đất Mỹ đêm giao thừa với nỗi nhớ nhung da diết quê hương trong tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ…

Nhà thơ Vũ Quần Phương sống trong một căn biệt thự cao rộng đủ đầy tiện nghi, nhưng có lúc tôi thấy ông lặng buồn trong những giây phút nghĩ về những cái Tết. Nhà neo người, khi Tết đến xuân về, ông và vợ bỗng thấy trống trải, các con ông đã trưởng thành và lập nghiệp ở nước Mỹ. Những cái tết vắng tiếng cười, tiếng bi bô của trẻ nhỏ, của sự sum vầy đã không còn là điều xa lạ với nhà thơ Vũ Quần Phương.

Trong một ngày cận kề năm mới, ông kể cho tôi nghe những cái Tết đã đi qua trong cuộc đời mình và để lại những dấu ấn không bao giờ nguôi ngoai, dù giờ đây, ông đầu đã bạc trắng với đầy đủ những va đập, những hỷ, nộ, ái, ố trong cuộc đời…

Ông kể: Từ hồi 7 tuổi, tôi đã về quê nội Nam Định ở ba năm vì đúng lúc chú tôi đón tôi về được vài tuần thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), Pháp chiếm Hà Nội. Quê nội tôi vẫn là vùng tự do. Chú tôi bảo: Không đi Hà Nội được nữa, mà có đi thì mẹ tôi cũng đã tản cư rồi. Không tìm được đâu. Tôi nghe thế thì biết thế. Chứ tôi cũng chẳng nghĩ ngợi. Nhưng trong lòng luôn luôn mơ hồ nỗi thiếu hụt, nét mặt ngơ ngác một thoáng buồn tội nghiệp.

Ngày Tết, bà tôi nấu cơm trong cái niêu bé tí, hai bà cháu ăn. Tôi chẳng chơi với ai, cũng chẳng có ai mà chơi. Các anh các em con bác, con chú bắng tuổi tôi ở cạnh nhà nhưng cũng ít sang chơi. Tôi muốn sang bên đó thì bà bảo: Sang làm gì, chúng nó có bố có mẹ, con mồ côi, con ở nhà chơi với bà. Thế là tôi ở nhà. Mà chuyện với bà thì chán lắm. Tôi hỏi: Bà ơi! hôm nay ăn cơm với gì?  Bà trả lời: Ăn với mồm. Thế là hết chuyện.

Nhưng có đứa nào rủ tôi đi chơi thì bà lại bảo: Theo chúng nó lêu lổng hư người đi. Bố con ngày xưa không đi chơi đâu thì mới học nên người. Tôi lại ngồi thừ cạnh bà. Trời tối dần. Tối từ các góc nhà hoang vắng rồi tối ra ngoài sân. Có khi chả cần thắp đèn. Hai bà cháu rì rầm một lúc rồi đi ngủ. Tôi cứ tha thủi theo bà như cái bóng. Tôi hay sợ, hay khóc và luôn luôn ngơ ngác. Bà bảo tôi như thế là ngoan, là biết nghe lời bà...

Có hôm chú tôi đi xa về mang thứ quả lạ lắm xếp đầy một đĩa to sang cúng ở bàn thờ bố tôi. Tôi đứng nhìn chú tôi cúng. Tôi nhìn lên bức hình bố tôi. Đây là tấm hình thợ truyền thần tận thị xã Nam Định vẽ lại từ tấm ảnh chụp bố mẹ bế tôi... Sau tấm ảnh chụp đó còn có chữ bố tôi đề bằng mực tím Ảnh chụp năm Tân Tỵ, Chúc lên một…

Hồi tôi về làm việc ở Bộ Y tế, cái tết đầu tiên tôi ở cơ quan Bộ là lên rừng. Năm ấy Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch, vốn ở độc thân, vợ con về bên Pháp, rủ Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Tạo lên ăn tết với công nhân một lâm trường ở Yên Bái. Vừa đi thăm vừa kiểm tra cấp cứu phòng không.

Ông Tạo, vốn có máu văn chương (đã viết cuốn tiểu thuyết “Nhà thiện xạ”), hội viên Hội Nhà văn nữa, nên đồng ý đi ngay. Hai bác sĩ của hai vụ chuyên môn đi theo. Bác sĩ Dục, một cán bộ kỳ cựu của Bộ và tôi, ngờ nghệch mới về.

Sáu giờ sáng mồng một tết, tôi ngồi thu lu ở Văn phòng Bộ, chờ đoàn. Xe đi ban ngày. Dịp Tết, ta và địch có thỏa thuận ngừng chiến. Đường khá đông xe. Cầu phao, bến phà hối hả làm việc. Đường lên miền cao thì càng đi càng thưa vắng. Qua một bến phà tự kéo, thấy có hai anh Công an. Hỏi mới biết họ được giao nhiệm vụ trực tại đây đón hai Bộ trưởng.

Ông Thạch chúc tết và khuyên họ về luôn đi. Ông nói: Không có gì đáng lo đâu. Cứ về đi, về đi! Chả biết rồi họ có về không. Lệnh thì cứ làm chứ linh động thời chiến là dễ rách việc lắm. Tôi, chuyến ấy cũng được ông Bụ trưởng gọi vào phòng, dặn dò: Cậu phải luôn luôn ở bên Bộ trưởng, ông ấy nói gì thì ghi lấy, để về Vụ làm. Đừng bỏ sót. Ông Thạch ra thăm rừng, tôi cũng thăm rừng. Ông Thạch vào phòng uống nước tôi cũng theo vào. Quyết không bỏ sót lời nào của Bộ trưởng, mặc dù chưa thấy lời nào là nhiệm vụ cả. Toàn chuyện thăm hỏi, cây cối, thời tiết... chung chung giữa hai ông đầu ngành. Tôi thấy nản. Nhưng Vụ trưởng đã dặn đi dặn lại thì cứ phải bám thôi.

Ông Thạch, hình như cũng thấy bất thường, lúc chỉ có hai người, ông hỏi nhỏ tôi: Sao anh cứ đi gần tôi – Anh Nghi bảo phải đi gần – Để làm gì? Ông Thạch vẫn tiếp tục hỏi. Tôi rành rọt: Để ghi những lời anh dặn về cho vụ làm. Không đi gần, anh dặn gì không biết, lại tai vạ. Ông Thạch nhìn tôi ngạc nhiên: Hình như anh mới về Bộ? Vâng em về từ tháng 5. Ông Thạch cười, nhẹ nhàng: Thôi được, có gì cần làm, tôi sẽ nói với anh, anh cứ tự nhiên. Thế là tôi thoát và ông ấy cũng thoát. Tôi tự trách mình máy móc quá hóa đần độn!

Một cái tết đáng nhớ nữa trong cuộc đời tôi đó là cái Tết đầu tiên trên đất Mỹ. Năm ấy đi sang chơi với các con, tôi viết thư cho bè bạn dự tính: chắc phải ở lại Mỹ, sau tết mới về được. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người đã có một số năm ăn tết ở Nga, “meo” (email) lại an ủi tôi bằng một giọng hả hê: “Bác nên ở lại, đón một cái tết mình ở nước ngoài để biết nó vô vị và nhạt nhẽo đến chừng nào!”.

Gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương đón một cái Tết tại Mỹ.

Cuốn lịch tờ treo trong nhà  không có ngày âm, tôi lấy bút chì chú thêm ngày âm vào chủ nhật mỗi tuần. Cũng là cái thói quen so sánh dương âm thôi, chứ bên này chả dùng gì đến ngày âm lịch. Tháng mười cơm mới rồi đây - có lần xem lịch, tôi reo lên như vậy, chả hiểu reo hay than, nhưng trong giọng nói hình như có chút gì của nỗi lòng đến nỗi con tôi thảng thốt hỏi: Thế thì sao cơ ạ? Nhắc đến cơm mới thì thanh niên Hà Nội bây giờ nó cũng chả hiểu, nói gì lũ bên này. Tôi nhắc đến cũng là nhắc cho hoài niệm. Nửa thế kỷ nay chả còn tục này nữa.

Hương vị tết ở Mỹ với nhiều người Việt Nam là hình ảnh chiếc  bàn thờ gia tiên lung linh hương nến. Những năm kháng chiến tản cư, sơ tán, tổ tiên cũng trầm luân theo con cháu. Nơi thờ các cụ thành lập chớp nhoáng và lâm thời, trên nóc tủ, trên xích đông...

Đơn sơ nhưng đầm ấm đèn nhang ba ngày tết. Đất nước yên bình. Rồi Đổi mới, chỗ ăn chỗ ở khang trang, bàn thờ gia tiên đặt nơi trang trọng nhất của căn nhà, có người để ở tầng cao nhất, có người để nơi con cháu họp mặt. Nhiều loại bàn thờ, tủ chè, sập gụ, rồi các đồ đồng, tam sự ngũ sự, đồ sứ, độc bình bát hương... xuất hiện, trở lại nét xưa thành kính trong nhiều gia đình Việt Nam, ở thành thị, ở thôn quê. Tôi là con trưởng, bố mẹ không còn, tết nhất nỗi niềm thương cha nhớ mẹ chỉ biết gửi lên nén hương ngọn nến.

Năm sang Mỹ, ở nhà con, nghĩ mãi một mình rồi cũng phải bàn với chúng nó lập bàn thờ gia tiên cúng tết. Các gia đình Việt ở Mỹ, chỉ nhà nào có các cụ cao niên và đông con cháu và ở vùng có đông người Việt mới có bàn thờ gia tiên cố định. Nhưng cũng đơn giản. Một sự gá lắp vào không gian nội thất của căn nhà xây dựng thống nhất theo thiết kế Mỹ. Còn các gia đình của lứa dưới 50, hai thế hệ, ít thấy có bàn thờ. Ngày tết, họ thắp hương ngay trên bàn ăn khấn vái. Tàn hương, nhấc bát hương đi là ngồi quây vào ngay chiếc bàn đó. Xong bữa ăn là xong tết.

Cỗ tết không nhiều món, nhưng những món chính: bánh chưng, giò chả, giò lụa, giò thủ đều có, canh măng, nem rán, thịt gà, gà trại chứ không phải gà công nghiệp, súp lơ, dưa hành... May mắn mời được năm người khách Việt là tiến sĩ, là sinh viên đang làm, đang học ở đây, đến dự. Người đã ở hơn chục năm, người mới sang hè vừa qua. Những kỷ niệm tết của từng người ngẫu nhiên dẫn chúng tôi về nhiều vùng của đất nước. Thân mật, đầm ấm, ai cũng vui, một cái vui mỏng manh, dễ vỡ…

Tôi năm nay tròn 75 tuổi, nhưng thú thật là mỗi năm tết đến đủ đầy viên mãn, có giây phút vẫn lặng buồn, nhớ mẹ, nhớ tuổi thơ, nhớ căn nhà cũ nát của bà nội ở đất thành Nam yêu dấu…

Trần Hoàng Thiên Kim (ghi)
.
.
.