'Những người nổi tiếng' một thành tựu xuất sắc của hài phúng dụ

Chủ Nhật, 11/01/2015, 12:07
Truyện ngắn “Những người nổi tiếng” là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất và thấm thía nhất của nhà văn Nguyễn Thế Hùng, không chỉ trong tập Ngược ngàn của anh, mà cả trong toàn bộ sự nghiệp của anh cho đến hiện giờ. (Khu biệt ở thể loại truyện ngắn vì anh còn có tập tiểu thuyết “Họ vẫn chưa về” đoạt giải thưởng Thủ đô Hà Nội năm 2010 cũng là một cuốn tiểu thuyết rất đáng đọc).

Câu chuyện thuần Việt về nhiều phương diện tạo một ấn tượng lạ, ít gặp trên văn đàn chúng ta hôm nay. Cô gái 18 tuổi tên Mận, do gia đình không có đàn ông, phải chăm lo việc cúng bái, tình cờ phát hiện một quyển vở chữ Hán được lưu giữ cẩn thận trong hộp gia bảo trên bàn thờ. Đó không phải gia phả như Mận tưởng, và thế là cô dấn thân vào một cuộc phiêu lưu kỳ quặc. Những người có học, hay văn hóa cao mà cô tìm gặp để cậy nhờ lần lượt phơi bày nhiều điều bất ổn báo cho cô biết mục đích mà cô mong đạt tới chỉ là ảo tưởng. Song Mận vẫn như con thiêu thân, cho đến khi suýt bị một ông Tây làm nhục mới vỡ mộng. Lúc này, sự thâm trầm đáng kinh ngạc của mẹ cô, một phụ nữ nông thôn, chói ngời lên như một lời cảnh báo đắt giá. Qua một loạt chuyện cười ra nước mắt, tác giả cho thấy anh đã trăn trở nhiều khi nhận chân mặt trái của cơ chế thị trường, mặt trái của hoạt động văn hóa nước ta thời hội nhập.

Chưa bao giờ, danh lợi lại được suy tôn như bây giờ. Đó là sự nổi tiếng bằng mọi giá, một ngộ nhận về giá trị bản thân, mà ngay những người chất phác, như mẹ con Mận cũng không thoát được. Với Mận, dòng họ cô chỉ tồn tại và phát triển nếu lừng lẫy làng trên xóm dưới, nếu lừng lẫy ra cả bên ngoài biên giới Việt Nam. Đây là lý tưởng của đời cô vậy. Để thiên hạ biết tới mình, không gì hơn bằng văn chương chữ nghĩa. Thế là cô quyết học chữ Hán để dịch ra tiếng Việt thiên tiểu thuyết của cha ông mình, ghi trong quyển sổ gia bảo.

Sau đó, cô quyết tâm sáng tác văn học, để bạn bè các nước thán phục cô, và dòng họ cô. Cô không biết rằng tiếng tăm mà cô chăm chăm đạt tới chỉ là tiếng thơm rởm. Nó không phải thực đức thực tài. Rõ khôi hài, cái mà cô tưởng là quý báu nhất trên đời, lại là mạt hạng, trong mắt những người có học. Một trong những người ấy, cụ đồ Khang, không giấu được sự ghê tởm đối với tiểu thuyết, “những câu chuyện nhỏ nhặt chép ở đầu đường xó chợ”. Cái ảo hoặc đẻ ra hoặc nuôi sống hoặc là chốn nương thân của bao nhiêu thói hư tật xấu của con người. Tất cả núp bóng nó để tự tung tự tác. Một thói tật điển hình là sự giả dối, lừa mình bịp người.

Những thi sỹ nửa mùa thế nào cũng phải nhờ “các học giả có vị trí cao trong giới trí thức” bốc thơm lên tận mây xanh, để từ đó thu nhiều lời về nhiều mặt. Các học giả hay các “nhà” đương nhiên phải xoay xở để chiếm được một chỗ trên các diễn đàn. Có một chỗ như thế nghĩa là “chân lý đã thuộc về ta”. “Chân lý đã thuộc về ta” nên ta tha hồ lạm dụng thói háo danh, dù ta thực sự khinh bỉ và thầm phỉ nhổ những quái thai văn hóa đang ô nhiễm ngày một khủng khiếp đời sống tinh thần của xã hội. Tiến sỹ Phạm Lãi là một nhân vật tiêu biểu cho tình trạng học giả nhưng lợi thật.

Những kẻ cơ hội giỏi núp bóng văn hóa như y chung tay lan truyền cố tật độc hại có lẽ hơn cả ma túy và đại dịch “HÁT” “ẾT” (HIV/AIDS). Đó là dung tục hóa tất cả.  Chẳng hạn, văn chương hôm nay muốn được đón đọc, cứ phải thật nhiều tình dục vào. Bài học vỡ lòng nghề văn của Mận là như  sau (lời Phạm Lãi trong thư điện tử): “em nho nhan manh hon nua cac canh lam tinh, ta cang cu the cang tot. Cang nong nan cang tot. Xu the truyen bay gio goi duc là chinh, khong can den cac tieu chi khac. Em la mot thien tai, toi da nhin khong nham ngươi. Em se la mot thien tai…”.

Bìa cuốn sách “Ngược ngàn”.

Xuống cấp dần đến độ tầm thường thô bỉ, các hoạt động văn học nghệ thuật đều hóa thành những cái chợ, “chợ thì ai vào mà chả được”! Một nét khôi hài khác, các “nhà” như Phạm Lãi, dường không mấy tự tin, nên phải dựa vào các nhân vật ngoại quốc, nhất cử nhất động là viện dẫn ông Ốp, ông Ép, là chêm tiếng nước ngoài vào phát ngôn của mình. Thói vọng ngoại này làm sao không bị tận dụng. Sự trớ trêu đã được thể hiện ở đoạn kết truyện với nhân vật Bop Bi, “nhà văn trẻ nổi như cồn ở phương Tây”. Cây bút nữ triển vọng Việt Nam mà Phạm Lãi nhờ y dìu dắt bị y coi là một công cụ thú tính tầm thường.

Nếu “Mận (không) sử dụng chiêu khẩn cấp mẹ truyền cho”, thì cô đã bị y chiếm đoạt một cách bẩn thỉu... Không quá lời, khi nói rằng chủ nghĩa thực dụng đang tác oai tác quái trong văn hóa Việt Nam. Vấn nạn này đang tung ra khắp nơi vô số cái đẹp ảo, nhấn chìm tất cả trong một nền văn hóa ảo. Nó đang đảo lộn các giá trị, vun đắp bệnh vô cảm và gây không ít tổn thương mất mát cho mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội. Có điều, Nguyễn Thế Hùng không bi quan. Với nhân vật mẹ của Mận, anh như muốn khẳng định rằng nền tảng của văn hóa Việt Nam vẫn còn đó.

Ấy là sự hiền minh, mà cốt lõi là đức trung thực, không gì xoay chuyển được của nhân dân lao động. Hơn ai hết, các văn nghệ sỹ cần biết tuân phục họ. Chí ít, những “kỹ sư tâm hồn” cần là những tấm gương càng toàn diện càng hay trong đời sống xã hội. Với những chi tiết chân thực và những chiêm nghiệm nghiêm chỉnh, “Những người nổi tiếng” đáng được ghi nhận là một thành tựu xuất sắc của hài phúng dụ, thể loại hiếm gặp trong văn chương nước mình.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng, sinh năm 1972 tại Hương Sơn - Hà Tĩnh; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là Phó trưởng Ban Chuyên đề Văn nghệ Công an, Báo Công an nhân dân. Tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện ngắn: Đàn chim về sau bão, Ngược ngàn, Người đi bỏ mặc câu thề; Truyện ngắn Nguyễn Thế Hùng; tiểu thuyết: Họ vẫn chưa về; sắp in: Tập truyện ngắn: Liu điu dòng họ, tiểu thuyết: Lối nho nhỏ. Nhà văn Nguyễn Thế Hùng từng giành Giải nhất truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long cho tác phẩm Người giữ cồn, sau đó truyện được chuyển thể thành kịch bản phim Ngọn đèn bốn mặt đoạt giải thưởng Bộ Quốc phòng; Giải bút ký văn học Đồng bằng sông Cửu Long; Giải thưởng truyện ngắn Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh; Giải thưởng truyện ngắn Tạp chí VNQĐ cho truyện ngắn Lộc Trời; Giải thưởng Liên hiệp Hội VHNT TP Hà Nội cho tiểu thuyết: Họ vẫn chưa về.
Nhật Nguyễn
.
.
.