Những 'nghệ nhân cộng đồng'
19h đêm. Cả vùng miền núi ở phía Tây huyện A Lưới chìm vào bóng tối. Chỉ còn khoảng sân hẹp của UBND xã Hồng Kim sáng rực ánh điện, ồn ã tiếng người cười nói, tiếng chiêng, trống âm vang như ngày hội. Hôm nay, nhiều người già và nam thanh nữ tú từ các bản làng tập trung về đây để học các làn điệu dân ca, dân vũ do nghệ nhân Hồ Văn Xếp (72 tuổi, trú ở thôn 5, xã Hồng Kim) truyền dạy.
Những năm qua, đồng bào dân tộc Pa Cô ở xã Hồng Kim xem ông Xếp như một “nghệ nhân cộng đồng” thực thụ, bởi vốn hiểu biết thông thái về văn hóa dân gian của ông. Vì thế, khi UBND huyện A Lưới triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số” vào dịp cuối năm 2014, ông Xếp đã không ngần ngại đăng ký tham gia đứng lớp... “miễn phí”.
Trong tiếng trống, tiếng gõ cồng chiêng rộn rã hòa lẫn với những điệu nhảy múa, reo hò của bà con đồng bào Pa Cô, ông Xếp cho biết, những năm kháng chiến chống Mỹ, để tham gia bảo vệ bản làng và hậu cứ cách mạng, ông tham gia vào đội du kích địa phương, cùng đồng đội tổ chức nhiều trận đánh vào đồn A Lưới, đồi Abia, sân bay A So. Sau ngày giải phóng, ông được người bố truyền lại những điệu dân ca truyền thống như Cha Chấp, Câr lời, Siêng, Ru a Cay...
Nói rồi, ông cất cao giọng ca: “Ơi... ơi... ơi!. Ỳ a ùn, tới mới a téit a krec đăng pâng coong, o lư pẩy a bung a xing choo pa cong... ơi...a... ùn. Ơi...ơi... tới mới zong déit đăng pậl líh, o lư pẩy âl long, âl le choo pa zein... ơi...a...ùn”.
Nghệ nhân Hồ Pưn truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho trai bản ở xã Hồng Kim. |
“Đây là làn điệu dân ca Cha Chấp, một bài hát truyền thống của người dân tộc Pa Cô từ xa xưa, kể về chuyện tình đôi trai gái yêu nhau thủy chung, son sắt. Cũng như Cha Chấp vậy, phần lớn các điệu dân ca của người Pa Cô không được lưu bằng văn bản, chỉ truyền bá bằng lời từ thế hệ này sang thế hệ khác nên việc truyền dạy gặp rất nhiều khó khăn...”, ông Xếp giải thích.
Ông Hồ Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Kim, cho hay, lớp học dân ca, dân vũ được xã tổ chức gần 1 tháng qua, thu hút gần 50 người tham gia, trong đó chủ yếu là các em học sinh THPT và người ở độ tuổi trung niên. Ngoài nghệ nhân Hồ Văn Xếp, tham gia dạy lớp học “đặc biệt” này còn có 2 nghệ nhân cộng đồng nổi tiếng là Hồ Pưn (tức Quỳnh Lương, 67 tuổi, trú ở thôn 4, xã Hồng Kim) và Lê Văn Yên (ở thôn 3, Hồng Kim) với nhạc cụ cồng chiêng, khèn bè và tù và.
Vừa dứt điệu khèn, Anh Hồ Văn Hiệu (38 tuổi, ở thôn 5, Hồng Kim), một trong số học viên xuất sắc của nghệ nhân Yên hồ hởi cho biết: “Trước giờ mình rất thích nhạc cụ khèn này nhưng trong gia đình không có ai biết chơi hết. Mãi đến khi được nghệ nhân Yên dạy cách làm khèn, thổi khèn thì mới nhận ra là mình có năng khiếu và niềm đam mê với loại nhạc cụ truyền thống này. Mình sẽ cố gắng học thành thạo để tham gia biểu diễn khèn trong Ngày hội dân tộc thiểu số sắp đến”.
Nhìn các em học sinh cấp 3 trong bộ váy áo dệt zèng truyền thống đang tập múa hát, nghệ nhân Hồ Pưn bày tỏ: “Thế hệ trẻ, nhất là các cháu học sinh bây giờ không còn mấy mặn mà với việc học các điệu nhạc, điệu múa, cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình như thế hệ của bố ngày xưa nữa rồi. Dù vậy nhưng bố và các nghệ nhân khác trong xã vẫn cố gắng truyền dạy và các cháu cũng đã ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình...”.
Ngoài việc truyền dạy dân ca, dân vũ, các nghệ nhân như Hồ Văn Xếp, Hồ Pưn, Lê Văn Yên còn đóng góp công sức rất lớn vào việc gìn giữ các hiện vật lịch sử của đồng bào Pa Cô. Nhờ thế mà xã Hồng Kim đã xây dựng được 1 phòng trưng bày truyền thống có trên 50 hiện vật về nhạc cụ, trong đó có nhiều hiện vật quý do các nghệ nhân sưu tầm và trao tặng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Thị Tư, Phó trưởng Phòng VH,TT-DL huyện A Lưới cho hay, thực hiện đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện A Lưới”, huyện đã kêu gọi các nghệ nhân cộng đồng tham gia giảng dạy. Ngoài 3 nghệ nhân ở xã Hồng Kim, trên địa bàn huyện còn có 6 nghệ nhân tham gia vào công tác này. Hiện 133 làng ở 21 xã và thị trấn của huyện A Lưới đều đã xây dựng đội văn nghệ dân gian. Có được kết quả này chính là nhờ công sức rất lớn của các nghệ nhân.
Cũng nhờ đó, hiện trong các lễ hội như cúng cơm mới, Ariêu Aza, ngày hội các dân tộc thiểu số hằng năm... thì ngoài phần lễ, phần hội đã được tổ chức bài bản, công phu hơn trước với những tiết mục dân ca, dân vũ, biểu diễn cồng chiêng mang đậm chất văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số…