Những ngày cuối cùng của nhà thơ Phạm Tiến Duật

Thứ Ba, 08/01/2008, 14:57
Cuối cùng tôi vẫn đủ can đảm để ấn vào số điện thoại của nhà thơ Phạm Tiến Duật sau khi anh mất đã 20 ngày. Không ai hình dung được tâm trạng của tôi lúc đó, tôi vừa run, vừa sợ, một nỗi sợ mơ hồ không lý giải. Cuối cùng ơn trời, vẫn có người nhấc máy để cho tôi hy vọng.
>> Tang lễ nhà thơ Phạm Tiến Duật: Vĩnh biệt một nhà thơ xuất sắc

Tôi trở lại căn nhà nơi Phạm Tiến Duật đã hẹn gặp tôi trong cái hẹn đầu tiên giữa những ngày bạo bệnh. Chú chó Tun vẫn còn đó, ngơ ngác và ưu phiền.

Căn phòng trống lạnh đi nhiều, cho dù đã có thêm chiếc bàn kê ở nơi trang trọng của phòng khách trầm hương thả khói. Và áo đỏ quần đen, áo trắng quần trắng, mái tóc bóng mượt, dáng đi điệu đàng, nụ cười điệu đàng, giờ này đã ở đâu, tiêu tao nơi nào trong mùi trầm thơm lặng lẽ kia?

Định mệnh thứ nhất

Anh Duật đã mất. Mọi chuyện thảng thốt như một cơn ác mộng. Cuộc sống ngắn, và đời người quá ư mong manh. Chị Phạm Thanh Bình, người sống cùng anh Duật những năm tháng cuối đời nhớ lại.

Giao thừa năm nào, gia đình chị Bình và anh Duật cũng dắt nhau đi lễ chùa hái lộc đầu năm, đến canh 1, canh 2 mới trở về nhà. Giao thừa Tết Đinh Hợi, năm 2007, cả gia đình chị Bình và anh Duật lễ chùa Quán Sứ, sau đó quay về chùa Quan Hoa và Thuyền Quang ở ngay hồ Thuyền Quang lễ. Hai người hẹn nhau mỗi người tự lễ, đến lúc nào xong thì ra gặp nhau trước cổng chùa.

Lúc chị Bình ra đợi một lúc mới thấy anh Duật ra. Anh Duật bảo: "Bình này, anh ra trước đợi em mãi chẳng thấy, anh quay vào phía trong ban Mẫu lễ. Anh cầu trước ban Mẫu năm nay anh làm ăn suôn sẻ, kiếm được ít tiền để in tổng tập".

Chị Bình ngạc nhiên: "Sao anh xin làm tổng tập, anh đã già đâu mà làm tổng tập. Kể cả không đủ tiền thì anh yên tâm, em hứa với anh nếu anh muốn làm, mình bỏ tiền nhà ra cho anh in. Anh đừng lăn tăn nghĩ ngợi gì".

Anh Duật buồn: "Ừ không hiểu sao anh lại cầu thế chứ lỵ. Người ta già yếu, ốm đau sắp chết mới lo làm tổng tập, anh đang khỏe mạnh thế này mà cầu gở làm gì, chả nhẽ mình lại sắp chết à. Thủi thui cái mồm anh".

Nói rồi anh Duật tát vào miệng anh ba cái. Sau đó trên đường về nhà, anh Duật buồn lặng người đi. Anh cứ lăn tăn mãi vì sao năm mới, phút giao thừa anh lại đi, câu chuyện chẳng đâu vào đâu.

Về đến nhà, anh nhất quyết không chịu vào xông nhà trước. Anh bảo với tôi, anh cầu linh ta linh tinh, cứ thấy gở mồm thế nào ấy, anh không vào xông nhà đâu, em để Mít vào xông nhà đi, cháu nó là trẻ con, vía nó nhẹ nhõm.

Ra giêng, hai chúng tôi dắt nhau đi dâng sao giải hạn, năm Đinh Hợi, anh Duật sao Thái Dương, cả anh và tôi đều nhẹ lòng.

Dẫu không cần phải làm hình nhân thế mạng song vì chuyện lăn tăn trước bàn thờ Mẫu của anh, tôi vẫn quyết tâm làm hình nhân cho anh. Vậy mà cuối cùng tổng tập của anh lỡ cầu trước ban thờ Mẫu cuối cùng dù biết dại mồm nhưng vẫn ra được. Nhưng số mệnh anh thì lại đứt đoạn ra đi.

Định mệnh thứ hai

Tại sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ. Một sự sắp đặt ngẫu nhiên đến thế. Tôi nhớ hôm đó là một buổi sáng của cữ tháng 7 nắng gay gắt. Tôi sang phòng Tổng Biên tập Hữu Ước để nhận quà mà sếp tôi gửi thăm nhà văn Trịnh Thanh Sơn nhân tiện tôi đến viết bài.

Nhà văn Trịnh Thanh Sơn lúc đó đã rất yếu, căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đang giày vò những phút sống mong manh của anh. Nói chung, cứ nhà văn nào bị hoàn cảnh éo le, số phận gặp phải điều đau buồn, sếp thường cử tôi đi viết về họ, như một sự chia sẻ dịu lòng nhất của sếp, của tòa soạn Báo đối với những người nghệ sỹ mà ông yêu quý.

Chuẩn bị xong tất cả cho một cuộc phỏng vấn, tôi vào phòng Tổng Biên tập để lấy quà ông gửi nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, đã thấy nhà thơ Phạm Tiến Duật ngồi đó.

Áo trắng, quần trắng, mái tóc rẽ ngôi bóng mượt, gương mặt thanh tú mang vẻ đẹp thanh thoát của một người đàn ông châu Âu bởi chiếc mũi cao và dài, đôi mắt sâu và sáng, Phạm Tiến Duật ngồi yên lặng nghe Tổng Biên tập dặn dò tôi công việc.

Sếp Ước nói với tôi, cũng là nói với nhà thơ Phạm Tiến Duật, và nói cho cả chính lòng mình: "Em nói với Sơn anh bận quá, khi mai mốt vãn việc anh lại vào. Đời sao bắt tội mấy cái thằng nhà văn, đã viết lách khổ sở rồi, đến chết cũng chết đau đớn. Ông ạ, tôi cứ mỗi ngày nhìn thấy bạn bè của mình dần dần rơi rụng hết vì căn bệnh ung thư mà tôi đứt cả ruột, buồn ghê ông ạ".

Phạm Tiến Duật gật gật, vẫn không nói gì. Tôi thấy anh Duật rướn người lên nuốt khan, cục yết hầu trên chiếc cổ dài và gầy ngoẵng của ông chạy lên chạy xuống. Anh muốn nói gì đó, rồi lại thôi, ngọ nguậy trên ghế và nhìn tôi cười.

Cuối cùng anh cũng nói được điều muốn nói:  "Như Bình ơi, em nói hộ anh với Thanh Sơn rằng dạo này Duật đang bị viêm họng, Duật cũng đang bị ốm phải uống thuốc, nói năng khó khăn, Duật không đến thăm Sơn được. Chờ vài bữa khỏe, Duật đến thăm Sơn nhé". Rồi rất điệu, anh mỉm cười với tôi, gương mặt nghiêng nghiêng.

Hôm đó, tôi kể lại chuyện nhà thơ Phạm Tiến Duật gửi lời hỏi thăm nhà thơ Trịnh Thanh Sơn và anh Duật xưng Duật với Sơn. Anh Sơn đang đau quá, thở dốc giữa câu chuyện với tôi, nghe tôi nhại lại giọng anh Duật, anh Sơn cười phá lên. Tôi còn đùa: "Anh Duật làm sao ấy, lúc nào cũng xưng tên, điệu ơi là điệu, chẳng giống một thi sỹ Trường Sơn như em tưởng tượng gì cả". Hôm đó nhà thơ Trịnh Thanh Sơn đã bật cười buông một câu: "Tính lão vậy, cũng điệu đàng lắm, nhất là trước phụ nữ".

Thế rồi bài viết về nhà thơ Trịnh Thanh Sơn đăng trang trọng lên Báo ANTG Cuối tháng chưa ráo mực. Một buổi sáng, Tổng Biên tập sang phòng anh Hồng Thanh Quang và gọi tôi lên. Tôi thấy sếp rất buồn, mắt ông đỏ mọng, ông nói với mấy anh em tôi: "Phạm Tiến Duật bị ung thư phổi rồi, đau đớn quá". Tôi giật mình bàng hoàng.

Định mệnh thứ ba

Theo kế hoạch, ngày 1/7/2007, nhà thơ Phạm Tiến Duật sẽ đi nghỉ ở Cửa Lò cùng với bạn bè và một số người thân. Chị Phạm Thanh Bình, người phụ nữ sống cùng với nhà thơ trong quãng thời gian gần 10 năm cuối cùng tại căn nhà riêng của chị ở ngõ Văn Chương (đây cũng chính là nơi mà anh Duật tiếp tôi trong cuộc phỏng vấn đầu tiên và cuối cùng sau ngày ông bị bệnh nặng) đã kể lại trong rưng rưng nước mắt.

Sáng 30/6, anh Duật lay gọi tôi dậy: "Em ơi, dậy để còn đi siêu thị mua sắm đồ chuẩn bị cho kỳ nghỉ vào sáng mai ở biển". Đang ngái ngủ, tôi bật dậy vì thấy tự dưng giọng nói của anh Duật khàn đi một cách lạ lùng, gần như phải khó khăn lắm anh mới nói được chừng ấy câu.

Tôi thảng thốt: "Ôi, em thấy anh nói khó khăn làm sao ấy, giọng của anh lạ thế". Anh Duật trả lời: "Anh cũng lạ quá, phải gắng sức nói rất to thế mà tiếng phát ra vẫn như thì thầm, chắc anh bị viêm dây thanh quản".

Đến trưa, sau 4 giờ đồng hồ, anh Duật hoàn toàn mất tiếng hẳn. Tôi quáng quàng ra hiệu thuốc mua một đống các thứ thuốc về họng và thanh quản về bắt anh uống ngay. Sau khi uống thuốc đến chiều anh có tiếng trở lại.

Chuyến đi biển Cửa Lò vẫn tiếp tục như đã định. Chỉ có điều anh Duật bắt tôi gọi điện vào trong kia với bạn bè bằng hữu của anh báo hoãn chuyến đi. Anh bảo với tôi: "Em ạ, anh vào là để giao lưu bạn bè, nói chuyện, đọc thơ. Giờ mất tiếng thế này vào không giao lưu được, để người ta chuẩn bị đón tiếp thì ngại lắm. Nhỡ họ nghĩ mình lợi dụng. Thôi, mình đi mà không báo cho ai vậy".

Chuyến đi vẫn diễn ra bình thường và tôi kèm anh Duật uống thuốc rất nghiêm ngặt. Đến ngày thuốc thứ hai Anh Duật lại bị mất tiếng hẳn. Sang ngày thuốc thứ 3 lại lào phào, mỗi lúc tiếng mỗi yếu và khó nghe. Đến ngày thứ 4, tôi đưa thuốc anh Duật nhất định không chịu uống. Anh nói: "Không uống nữa, uống không đỡ chứng tỏ không đúng bệnh, không khỏi được".

Đêm hôm sau, cả gia đình tôi, anh Duật và bạn bè thân hữu lên tàu trở về nhà. Tôi nhớ, cả đêm trên tàu, anh Duật thức không ngủ.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật trên giường bệnh.

Gương mặt anh buồn lắm, anh kéo đầu tôi ngả vào vai anh rồi cất tiếng thì thầm: "Bình ơi, em ngủ một chút đi. Chuyến đi này trở về, anh quyết định không đi Lào nữa. Anh phải ở nhà để chữa bệnh cho khỏi. Em đừng buồn nhé, nếu nhỡ ra có chuyện gì mà anh phải cắt bỏ dây thanh quản, mất tiếng hẳn, không làm MC được nữa, không kiếm tiền bằng mồm được nữa thì anh sẽ kiếm tiền bằng tay. Em đừng lo".

Anh Duật nói khó khăn quá, diễn đạt bằng mấy ngón tay, ý như bảo sẽ viết bài trên máy tính. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản chắc anh uống nhiều bia lạnh từ mấy bữa trước, nên viêm họng, cùng lắm là viêm dây thanh quản.

Nhưng thấy anh buồn buồn, anh nói gở, tự dưng tôi thấy lo. Thoáng qua một dự cảm mơ hồ, nhưng tôi gạt đi ngay. "Anh hút thuốc nhiều nên bị mất tiếng. Bỏ thuốc đi là khỏe ngay mà, đừng nghĩ vớ nghĩ vẩn".

Suốt chuyến đi đó, có những lúc anh Duật ngồi thần ra, do không nói năng được, không hoạt bát được nên anh cứ đăm chiêu một mình. Một lần tôi nhìn thấy anh như vậy đã chụp được bức ảnh tâm trạng của anh rất buồn. Về đến nhà, lúc 6h30 sáng, không chờ đợi thêm nữa, anh và tôi đèo nhau vào Viện 354 khám ngay.

Bác sỹ khám kỹ, cho siêu âm và kết luận không có u, chỉ là viêm dây thanh quản cấp. Bác sỹ kê thuốc uống đúng hai ngày là đỡ ngay, nhưng sang đến ngày thứ 3 lại mất tiếng. Chúng tôi lại lọc cọc đèo nhau đến bệnh viện khám lại, vẫn không có gì mới, lại tiếp tục uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ là thay loại thuốc khác.

Thế nhưng suốt cả ba tuần sau đó, dù tôi kèm anh Duật tích cực uống thuốc nhưng vẫn không đỡ, tiếng lúc được lúc không, anh nói năng rất khó, ăn uống rất hay bị sặc, nhất là uống nước. Hễ cứ uống vào một ngụm nước nhỏ là sặc ra ngay.

Định mệnh thứ tư

Đêm trước khi diễn ra lễ tang của nhà văn Kim Lân, anh Duật khó ngủ. Hầu như anh trăn trở suốt đêm. Anh nói với tôi anh phải viết bài viếng bác Kim Lân coi như nén nhang ân tình thắp cho linh hồn người đã khuất. Anh Duật thức dậy từ 4h sáng để viết bài về nhà văn Kim Lân đăng trên tờ Văn nghệ Công an. Xong xuôi anh gọi tôi dậy và bảo: "Em ơi, dậy đi đám ma bác Kim Lân rồi đưa anh vào viện".

Nghe anh nói một câu lạnh te như vậy, tôi lạnh hết cả người. Bình thường anh Duật rất khỏe, nhanh nhẹn và rất ít khi ốm vặt. Nghe anh nói đưa anh đi viện là tôi đã sợ. Tôi đã cảm thấy có gì đó rất bất ổn, và anh Duật có biết bệnh làm sao thì anh mới nói thế. Bình thường, anh Duật hãi bệnh viện lắm. Tôi chuẩn bị xong, đứng đợi anh uống nước.

Vừa nhấp một ngụm nhỏ, anh Duật đã bị sặc ra hết ở giữa nhà, mặt mũi đỏ gay lên. Tôi cuống cuồng: "Thôi anh chở em đến Bệnh viện Bạch Mai ngay đi, khám xong rồi hẵng qua viếng bác Kim Lân chứ em lo lắm". Anh Duật đồng ý, hai chúng tôi đèo nhau đến Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương khám ngay.

Chúng tôi đến bệnh viện từ sáng sớm nhưng xếp được số thì đã thấy người đợi bạt ngàn trước phòng khám. Lại phải gọi cho người quen và nhờ dẫn đi khám.

Sau khi nhờ khám xong, có kết quả nội soi cả tôi và anh Duật đứng bên ngoài cửa kính còn nghe rõ bác sỹ đọc to cho người phụ tá bên cạnh ghi chép: "Liệt dây thanh quản trái, liệt nhẹ dây thanh quản phải, không u không hạch".

Tôi mừng quýnh, động viên anh: "Anh thấy chưa, yên tâm nhé, họng anh không có u, không có hạch gì đâu, anh yên tâm mà chữa bệnh, không phải bệnh nguy hiểm là được rồi", anh Duật phấn khởi lắm, anh vui vẻ vững tin bước sang phòng X quang chụp phổi.

Tại đây sau khi chụp X quang, bác sỹ cầm kết quả trên tay, thay vì đọc kết quả lên, bác sỹ đã nói với anh Duật rằng: "Cháu khuyên chú nên về đúng tuyến bảo hiểm để khám chữa vì cháu tin sắp tới đây chú sẽ phải làm rất nhiều các xét nghiệm, trị liệu rất tốn kém chú ạ. Chú không về đúng tuyến bảo hiểm, đi làm dịch vụ ngoài tốn lắm. Sắp tới cháu chắc chắn chú phải vào viện điều trị đấy". Bác sỹ chỉ nói như vậy rồi khoanh vào vài vết mờ trắng trên phim chụp.

Ngay lúc đó tôi thấy anh Duật như bị choáng, hoa mắt, mặt mũi tối sầm, người trôi đi trong mấy giây như không có trọng lượng. Anh đứng không vững, tôi phải nắm chặt lấy lưng áo anh níu anh lại cho khỏi ngã. Anh Duật bị sốc và mất bình tĩnh.

Tôi dìu anh ra khỏi Bệnh viện Bạch Mai. Anh không chạy xe máy được nữa, tôi đèo anh trở về nơi tang lễ của bác Kim Lân. Chúng tôi vào thắp hương cho bác Kim Lân xong anh ở lại đám tang, tôi về nhà trước.  Anh Duật nói với tôi: "Em đừng lo, từ nay anh sẽ không ăn cơm chan nữa cho khỏi sặc là được. Chắc bệnh không sao đâu". Tôi chạy xe mà nước mắt trào ra giàn giụa.

Tôi làm cơm nhanh giục anh ăn lấy một bát cơm. Bình thường anh rất hay ăn cơm chan, nhưng hôm đó anh ăn khô. Suốt cả trưa, không ai ngủ, đúng 1h, chúng tôi đèo nhau vào Bệnh viện Việt Xô chụp city. Kết quả chụp city cho thấy anh Duật bị ung thư phổi.

Ngày 22/7/2007 anh nhập viện điều trị nội trú ở Bệnh viện Việt Xô. Bác sỹ điều trị cho anh nói rằng, bệnh anh mới chỉ ở giai đoạn đầu, khuyên anh mổ cắt bỏ khối u, rồi truyền hóa chất xạ trị, có thể mọi chuyện sẽ khả quan hơn.

Những ngày đó anh buồn lắm, anh tâm sự với tôi: "Bình ạ, nếu bây giờ mổ, anh nghe nói phải cắt mất hai dẻ sườn, phải mở lồng ngực cắt bỏ khối u và 1 lá phổi. Anh ngoài 60 rồi, sức khỏe giờ không như ngày xưa nữa, anh sợ không chịu đựng được. Thôi, anh không mổ mà cũng không điều trị thuốc tây nữa. Em cho anh trở về nhà, tìm thầy thuốc nam chữa. Có chết cũng chết ở nhà chứ không mổ, không đi đâu cả". Sau đó, nói năng đỡ hơn, anh nằng nặc đòi về nhà

Như Bình
.
.
.