Những khoảng lặng mong manh của cuộc đời

Chủ Nhật, 17/04/2011, 19:00
Đến tập "Khoảng lặng" (NXB Hội Nhà văn) này thì dường như "chất lính” và "chất báo" của Hải Đường đã ít nhiều nhường chỗ cho những chiêm nghiệm sâu lắng, đa diện và góc nhìn về những gì gắn bó với anh trở nên rõ nét hơn, lại được đặt trong tương quan với các cảm xúc phong phú về đời, về người.

Hải Đường làm thơ không nhiều, nhưng cái sự "không nhiều" ấy lại mang chứa trong đó một thực tế là anh có một số bài thơ đáng đọc - hai chữ "đáng đọc" ở đây không hàm nghĩa kẻ cả hay dễ dãi, tán dương, vì đó không phải là thói quen của tôi.

Đọc thơ Hải Đường theo mạch thời gian, dễ nhận ra mối liên hệ giữa thơ anh với những chặng đường đời, từ một anh lính đến một người làm báo. Mà "lính" và "báo" thì thường hay đi nhiều, gặp nhiều và nếu là người giàu cảm xúc thì dễ ngẫm ngợi, suy tư để rồi đến một lúc nào đó, thơ trở thành "phương tiện" để ngẫm ngợi, suy tư trở thành lời. Tôi tin đó là con đường để Hải Đường đến với thơ. Tôi tin như thế vì thơ anh nhiều suy nghĩ, nhiều trăn trở, thơ như là văn bản ghi chép các cảm xúc mà người thơ có được trên hành trình làm lính, làm báo và làm thơ…

Tuy nhiên, đến tập "Khoảng lặng" (NXB Hội Nhà văn) này thì dường như "chất lính” và "chất báo" đã ít nhiều nhường chỗ cho những chiêm nghiệm sâu lắng, đa diện và góc nhìn về những gì gắn bó với anh trở nên rõ nét hơn, lại được đặt trong tương quan với các cảm xúc phong phú về đời, về người. Bởi nếu nhìn thơ của một tác giả trong tính tiến trình, hẳn là không dễ ngay từ lúc mới cầm bút làm thơ, Hải Đường có thể viết về cha: "Phận người mong manh ngọn cỏ ven đường - Một nấm đa cánh đồng chấp chới - một mái rạ nồng cay ngọn khói - nẻo tha hương khắc khoải ngày về… ngón chân cái tõe ra như dấu hỏi - cha tôi bóng đổ đường chiều" (Dấu chân cha), có thể viết về mẹ: "Con đi bao núi bao rừng - chỉ mong một chút ấm lưng mẹ nằm - lời ru luân khúc tháng năm - mặt trời lặn xuống trăm rằm tròn lên" (Khúc tháng năm). Đó là lời của người con đã trưởng thành, đã "ngộ" ra một điều tưởng như đơn giản là hình mẹ, bóng cha chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm trí của mỗi người con trên mọi nẻo đường.

Ấy là khi biết rằng sau ngày chiến tranh kết thúc, người lính vẫn còn nhiều việc phải làm, như câu thơ anh viết: "điệp khúc sau chiến tranh - những nợ nần chưa trả" (Sau chiến tranh). Và hơn thế nữa, thơ của một trai trẻ nay như đã nhường chỗ cho thơ của thời: "Tóc vừa xanh đã bạc - thơ viết chửa nên câu - trang giấy như lửa cháy - thoắt thôi cạn phao dầu" (Người ơi), có lẽ vì thế mà "Câu thơ buồn như nắng - vương bên gốc đa già - thời gian đi mốc trắng - xù xì những thân cây" (Người ơi). Về điều này, còn phải kể về những câu thơ cùng nguồn cảm hứng: "Bây giờ - tôi không còn trẻ nữa - ra đường, chào bác, chào ông - vẫn đau tìm phần khuyết của vầng trăng… nhưng lạ chưa - có những điều xưa mình tìm, nay cố trốn đi - bất thần rụng xuống lòng tay" (Trăng khuyết), hoặc: "Dưới tầng tầng lớp nâu nước tìm ra bể - ngày tháng xếp lên tuổi ta già nua đến không ngờ" (Chốn quê).

Cho dù nỗi suy tư về khoảng lặng trong khoảnh khắc mong manh giữa chiến tranh và hòa bình (mà quan hệ giữa chiến tranh và hòa bình thì trong bài "Ngọn lửa", anh đã viết: "Hòa bình, chiến tranh như nước với lửa - lửa với nước kia nào tội tình chi") giữa "mắt em" và sự "lặng thinh một miền giông bão" là cái "tứ" của bài thơ "Khoảng lặng" - bài thơ có nhan đề được tác giả sử dụng để đặt tên chung cho tập thơ, thì tôi vẫn cứ muốn coi cái "tứ" ấy làm sự phổ quát tinh thần cho nhiều bài trong tập thơ này. Bởi theo tôi, để phát hiện ra sự mong manh đó, người viết phải trải nghiệm, phải đi qua bao nhiêu thăng trầm mới có được, như một khổ thơ thoạt đọc thì tưởng chừng không mới: "Kỷ niệm có gì đâu toàn những cái mơ hồ - cứ khôn lớn giữa ngây thơ vụng dại - cứ mong manh để chắc bền mãi mãi - lữ khách, giang hồ chốn ấy mong manh" (Mong manh), nhưng ngẫm kỹ ra thì điều tưởng chừng không mới lại ẩn chứa trong nó một điều kỳ lạ: Mong manh để bền chắc. Vâng, dường như đã và đang có một nghịch lý trong cuộc sống thường nhật của con người là có những điều ngỡ mong manh nhưng đưa tới hy vọng, vì người ta tin vào chúng và như được tiếp thêm sức mạnh để đạt tới cái mong manh; và lại có những điều ngỡ là bền chắc, song sự thực lại rất mong manh, vì người ta có thể tin để rồi thất vọng. Và vì mong manh nên nhà thơ mới phải suy tư: "Bao nhiêu người dưng hóa thành máu thịt - những cái hôn cháy trong nước mắt - và những người dưng chạy trốn người dưng - từng có một thời máu thịt" (Nước mắt người dưng), và anh mới có một khổ thơ làm tôi ngỡ ngàng khi đọc nó: "Chiều ấy có người lính khoác ba lô thoáng qua đường - người ấy lạ hay quen, chỉ có em mới biết - em sụp xuống và bật khóc - gọi tên một người vô danh" (Thoáng qua).

Tôi ngỡ ngàng vì phút "thoáng qua" của bài thơ mong manh lắm, mong manh nhưng chỉ có một người biết và người ấy đã khóc, vậy là sự thoáng qua đâu chỉ là thoáng qua, mà chứa đựng một sức nặng đủ để "em" sụp xuống và khóc. Thoáng qua là niềm vui (?), thoáng qua là nỗi buồn (?), sao mà biết được, chỉ biết là kỳ diệu, chỉ biết là… không thể thoáng qua!

Thơ Hải Đường không nệ vào kỹ thuật, anh sắp xếp các câu thơ theo thang bậc của tình cảm và những nghĩ suy. Điều đó phần nào cho thấy nhà thơ chuyên chú nhiều vào "tứ" của bài thơ hơn là sự cầu kỳ câu chữ. Cách thức sáng tạo và tổ chức như thế khá tương hợp với sự quan sát, chiêm nghiệm của người viết khi đã đi qua chặng đường của sự tươi mới, trẻ trung. Và dường như vì thế, với nhiều bài thơ trong tập, có lẽ không nên chỉ đọc thoáng qua để nắm bắt ý tứ mà cần phải đọc kỹ lưỡng để hiểu điều tác giả muốn gửi gắm. Tôi viết vậy vì nghĩ, cuộc đời này có quá nhiều điều tưởng chừng là khoảnh khắc, tưởng chừng là mong manh, tưởng chừng là thoáng qua nhưng lại có sức ràng buộc con người, neo giữ tâm hồn con người, để cùng buồn, cùng vui. Và tập thơ "Khoảng lặng" là một biểu thị của những điều như thế

Nguyễn Hòa
.
.
.