Những già làng hồi sinh làn điệu hát cổ của người Cơ Tu

Thứ Năm, 09/07/2015, 10:00
Trước nguy cơ mai một và thất truyền các điệu nói lý, hát lý của đồng bào dân tộc Cơ Tu, nhiều già làng ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đã bỏ công sưu tầm, gìn giữ rồi mở lớp truyền dạy các điệu “hát cổ” này cho thế hệ trẻ.

Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng bằng lòng đam mê, các già làng đã góp phần gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống ở vùng cao nơi đây...

Một ngày đầu tháng 7, khi mặt trời vừa lặn xuống ngọn núi cao trên đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ cũng là lúc các nam thanh nữ tú và những trung niên người Cơ Tu, sinh sống ở xã Hương Sơn, huyện Nam Đông, lũ lượt kéo về nhà văn hóa xã để học các điệu nói lý, hát lý.

Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, nhưng bằng tình yêu và niềm đam mê với các điệu nói lý, hát lý do cha ông để lại, già làng Nguyễn Ngọc Arác (82 tuổi, ngụ thôn 5, xã Hương Sơn) vẫn nỗ lực đứng lớp dạy các làn điệu cổ cho thế hệ trẻ.

Ngồi trong căn nhà Gươl truyền thống của xã, cụ Arác tâm sự: “Khi có mâu thuẫn, thay vì bằng lời nói người Cơ Tu dùng các hình tượng ví von qua điệu nói lý, hát lý để thể hiện  tâm tư của mình. Ví dụ như “Con cá phải sống dưới nước, con voi phải ở trên rừng; con cá phải bơi thành đàn, con voi phải đi từng bầy, người sống trong cùng một bản làng phải đoàn kết, yêu thương nhau...”.

Cụ Arác cất cao giọng ca rồi giải thích: “Ngoài các làn điệu Cha chấp, Kâr-lời thì đây là điệu hát lý ẩn dụ xoáy vào lòng người. Chính vì hiệu quả đối với cộng đồng là rất lớn nên già không muốn để những điệu hát cổ này thất truyền, vì thế mà già đã cùng chung sức để giảng dạy cho lớp trẻ học được các làn điệu nói lý, hát lý…”.

Già làng Arác truyền dạy hát lý cho cán bộ văn hóa xã Hương Sơn.

Cùng đứng lớp giảng dạy các làn điệu cổ ở xã Hương Sơn, ngoài cụ Arác còn có 2 cụ Hồ Văn Xuân (80 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng (75 tuổi). Theo cụ Xuân, mặc dù lớp dạy nói lý, hát lý vừa được mở cách đây chừng hơn 1 tháng; nhưng đến nay lớp học đã có trên 30 học viên ở độ tuổi 25-35 theo học và đã hiểu được các bài hát cơ bản.

Nói đến điệu nói lý, hát lý nổi tiếng của dân tộc mình, cụ Xuân giãi bày: “Đồng bào dân tộc Cơ Tu ở miền núi Nam Đông của già chỉ có điệu nói lý, hát lý mà thôi. Đây là loại hình ứng khẩu thường được sử dụng vào mục đích văn hóa, văn nghệ và các lễ hội truyền thống của đồng bào. Vì thế, để khởi đầu điệu hát lý, bao giờ người hát cũng khởi đầu bằng những câu nói về đạo lý, truyền thống và tinh thần đoàn kết của người Cơ Tu...”.

Ông Hồ Văn Nhũ, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Đông phấn khởi nói rằng, hiện người Cơ Tu chiếm hơn 40% dân số của huyện nên việc mở lớp truyền dạy nói lý - hát lý ở xã Hương Sơn là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa người dân tộc thiểu số trên địa bàn. “Việc mở lớp truyền bá giảng dạy các điệu hát lý, nói lý cho đồng bào Cơ Tu được xem là một biện pháp hay. Để tạo sự hưởng ứng trong cộng đồng, tới đây đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương để nhân rộng lớp nói lý, hát lý như mô hình ở xã Hương Sơn, nhằm góp phần gìn giữ các làn điệu nói lý, hát lý cổ của đồng bào Cơ Tu có từ xa xưa đang dần bị thất truyền theo năm tháng”, ông Nhũ khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.