Những điều chưa biết về phim tài liệu "Bác đi chiến dịch"

Chủ Nhật, 30/10/2005, 12:52

Nhắc đến đạo diễn phim tài liệu quân đội Phạm Quốc Vinh, ngoài phim tài liệu "Những giờ phút cuối đời Bác Hồ" (năm 1990) đã làm xúc động hàng triệu trái tim người Việt Nam (VN) suốt 15 năm qua, còn phải kể tới bộ phim tài liệu độc đáo thứ hai: "Bác đi chiến dịch".

"Bác đi chiến dịch" được đánh giá là "cao tay" trong thể loại phim tài liệu nhựa VN ở chỗ chỉ bằng 20 bức ảnh (tĩnh) mà ông dựng được cả một cuốn phim tài liệu nhựa rất xúc động về Bác Hồ trong những ngày tháng hành quân lên biên giới chỉ huy chiến dịch. Trong một buổi trò chuyện tại nhà riêng của ông, đạo diễn Phạm Quốc Vinh đã kể cho chúng tôi nhiều chuyện thú vị quanh việc thực hiện bộ phim trên.

Những năm 1947-1948, thực dân Pháp âm mưu dùng thủy lục quân đánh vào Việt Bắc, nhằm tiêu diệt toàn bộ cơ quan đầu não của ta. Tuy nhiên trước thế trận du kích của Việt Minh, âm mưu của địch đã thất bại, trong khi quân đội Việt Minh ngày càng được tôi luyện về kỹ thuật quân sự và lớn mạnh về số lượng. Song con đường hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc (vừa tuyên bố thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 1/10/1949) vẫn bị thắt nghẹt do địch chiếm cứ suốt từ Cao Bằng sang Lạng Sơn.

Trước tình thế đó, Bác Hồ đã tổ chức cuộc họp Chính phủ, quyết định mở Chiến dịch Biên giới, chủ động tấn công địch, giải phóng biên giới, giành thế chủ động và tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc. Khi chiến dịch bắt đầu, hàng ngàn chiến sĩ, dân công tải đạn, lương thực phải hành quân ngày và đêm lên Đông Khê (Cao Bằng), Thất Khê (Lạng Sơn) nơi quân ta chặn đánh hai binh đoàn do Le Page và Charton chỉ huy. Để động viên chiến sĩ, Bác Hồ đã trực tiếp tham gia hành quân, mặc cho các đồng chí trong Đảng và Chính phủ đề nghị đưa Bác đi bằng ôtô (khi đó ôtô khá hiếm song không phải là không có để đưa đón Bác). Hiếm có vị Chủ tịch nước nào trên thế giới lại đích thân hành quân bằng đường bộ và trực tiếp chỉ huy các trận đánh như Bác. Đây là nguồn động viên, cổ vũ vô cùng lớn dành cho chiến sĩ, dân công quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch.

Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Đông Khê (Lạng Sơn) năm 1950.

Điều đáng chú ý, trong suốt cuộc hành quân lên biên giới, Bác chỉ cho các nhà quay phim quân đội quay các cảnh sinh hoạt, lên đường... của bộ đội, dân công, còn cảnh sinh hoạt, hành quân của Người thì lại không cho ai quay. Anh em quay phim yêu mến Bác có lần lén quay cảnh Bác nghỉ chân bên dòng suối. Nhưng phim vừa chạy được vài vòng phải dừng lại vì Bác nghe thấy tiếng máy quay nên bảo anh em tắt máy. Chỉ duy nhất nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An (vừa có triển lãm ảnh cùng nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng khác về Bác Hồ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN hồi đầu tháng 9/2005) được chụp một số cảnh sinh hoạt và hành quân, chỉ huy chiến dịch của Người. Những thời khắc hiếm có ấy sau được nghệ sĩ Vũ Năng An ghi lại trong hơn 20 tấm ảnh, và đó là những tài sản vô cùng quý giá của chúng ta.

Về phần đạo diễn Phạm Quốc Vinh với tư cách một cán bộ dân vận cũng tham gia chiến dịch này, song ông chỉ được nghe các thông tin về Bác chứ chưa được một lần gặp mặt. Nhưng tình cảm, lòng ngưỡng mộ của ông đối với Bác thì mãnh liệt. Ông chỉ có một ước mong là được gặp Bác.

Cơ duyên được gặp Bác đến với ông khi Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần quân đội) điều ông sang phụ trách bản tin của Cục Chính trị do ông có khả năng viết. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đảng và Chính phủ quyết định cho xây Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự VN) và Phạm Quốc Vinh được vinh dự là một trong số người đầu tiên góp công xây dựng bảo tàng. Ông được phân công sưu tầm tài liệu, đặc biệt là tư liệu về các chiến dịch và tư liệu về Bác Hồ. Cũng nhân dịp khánh thành Bảo tàng Quân đội, ông đã được gặp Bác Hồ khi Người đến thăm công trình mới.

Năm 1960, ông được điều chuyển sang Xưởng phim Quân đội. Cùng với một vài đồng chí khác, ông được giao quay các tư liệu về Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp trong quân đội. Hồi ấy, để đảm bảo bí mật, chỉ các nhà quay phim của Điện ảnh Quân đội mới được quay các hoạt động của quân đội. Ông Vinh kể, ông đã từng quay nhiều tư liệu về Bác như cảnh Bác đi dự hội nghị, thăm bộ đội, thăm các công trường, nhà máy; cảnh Bác đón tiếp đoàn anh hùng miền Nam Tạ Thị Kiều, Huỳnh Văn Đảnh... ra thăm miền Bắc và suốt cuộc đời ông đã làm 101 bộ phim tài liệu (chủ yếu phim nhựa) về cách mạng, lãnh tụ, trong đó hai bộ phim thành công nhất, xúc động nhất về Bác thì phải đến năm 1990, khi sắp về hưu, ông mới có cơ hội thực hiện. Sau khi bộ  phim “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ” được đưa ra công chiếu và nhận được rất nhiều lời khen ngợi, ông lại bắt tay thực hiện “Bác đi chiến dịch”.--PageBreak--

Như vậy, phải 40 năm sau thắng lợi Chiến dịch Biên giới, tức năm 1990, Xưởng phim Quân đội mới làm phim tài liệu về Chiến dịch Biên giới mà linh hồn của chiến dịch này là Bác Hồ. Ý tưởng làm một phim tài liệu về Bác đi chiến dịch đã từng được một số nhà làm phim nghĩ đến trong nhiều năm trước nhưng sau không ai dám bắt tay làm vì không kiếm đủ tư liệu. Riêng đạo diễn Phạm Quốc Vinh vốn trực tiếp tham gia Chiến dịch Biên giới, biết được nhiều chuyện kể về Bác, sau này ông lại sưu tầm được nhiều chuyện khác về Bác trong chiến dịch nên bằng mọi giá sẽ thực hiện được đề tài trên. Nhưng một tình thế khó xử đặt ra cho ông là những cảnh quay (bằng phim) Bác trong chiến dịch không có mà trong tay ông chỉ có hơn 20 tấm hình của nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An.

Dựng phim bằng ảnh, thật phiêu lưu, trước đây chưa ai từng làm cả, nhưng ông đã sử dụng chính những tấm hình tĩnh ấy lồng với lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để dựng lại chân dung Bác trong Chiến dịch Biên giới năm 1950.      

Điều chưa mấy ai hay là trước khi bắt tay dựng phim “Bác đi chiến dịch”, ông Vinh đã rất kỳ công đi sưu tầm, nghiên cứu tư liệu, trong đó có những tư liệu phải lấy từ “bên kia chiến tuyến”. Trong các đồng nghiệp, ông Vinh có quen đạo diễn người Pháp Pierre Choendoerffer, từng là phóng viên chiến trường của Pháp, trong một trận đánh với ta bị bắt làm tù binh, sau Hiệp định Genève được trả về nước. Năm 1991, P. Choendoerffer đã là một đạo diễn điện ảnh Pháp, trở lại chiến trường Điện Biên Phủ để nghiên cứu làm lại bộ phim cùng tên “Điện Biên Phủ”. Những người có trách nhiệm đã giới thiệu P. Choendoerffer với đạo diễn Phạm Quốc Vinh, nhờ ông giới thiệu một địa điểm có thể tái dựng và quay lại toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông đã giới thiệu cho P. Choendoerffer một khu rừng núi thuộc thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình). Sau P. Choendoerffer không tiếc lời cảm ơn ông đã góp phần rất lớn cho thành công của bộ phim và trở thành một người bạn của đạo diễn. Trong khi đó, Phạm Quốc Vinh đang ấp ủ khát vọng làm phim "Bác đi chiến dịch" và thật tình cờ chính P. Choendoerffer đã giúp ông trong việc liên lạc với Le Page và Charton, hai viên chỉ huy của Pháp đã thất bại thảm hại trong Chiến dịch Biên giới 1949-1950, đồng thời nhờ tìm hai cuốn sách của  hai vị  chỉ  huy trên viết về Chiến dịch Biên giới. Không lâu sau đó, hai cuốn sách được gửi đến tận tay ông, trong đó cuốn "Đường số 4" của Charton có khá nhiều hình ảnh giá trị đã được ông làm tư liệu cho phim.

“Bác đi chiến dịch” có sử dụng cảnh quay của đồng nghiệp về chiến sĩ, dân công trên đường hành quân và trong các trận đánh quan trọng tại Đông Khê, Thất Khê. Tuy chỉ sử dụng những tấm ảnh chụp Bác, song bằng lời bình, bằng cách sắp xếp hình ảnh hợp lý song song việc lồng ghép những hình ảnh, diễn biến tâm trạng của địch trước và sau trận đánh (được viết trong hai cuốn sách kể trên), ông Vinh đã dựng lại Chiến dịch Biên giới ghi đậm mốc son của cách mạng, mở đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Phim đã làm nổi bật hình ảnh vĩ đại của Bác Hồ trong cương vị một Chủ tịch nước thân chinh cùng dân công, chiến sĩ ra trận. Những chi tiết như Bác nói “Bác đi lần này là để giúp Ban chỉ huy chiến dịch”, Bác chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo phải quan tâm chu đáo đến tất cả mọi người, từ thương binh đến dân công, bộ đội, cứ lần lượt xuất hiện. Người quên đi bản thân mình và dành tình yêu bao la cho mọi người. Đặc biệt là những quan điểm chiến lược, chiến thuật của Bác là điều kiện tiên quyết cho thành công của chiến dịch đầu tiên ta đánh lớn với lực lượng chỉ gồm có 2 đại đoàn mà đánh bại hơn 2 vạn quân của địch.

Đặc biệt, theo lời kể của ông Vinh, khi chiến dịch thắng lợi, Bác đã đóng giả một ông già Việt Bắc đến trò chuyện với hai viên chỉ huy Charton và Le Page về sự phi lý, vô nghĩa của cuộc chiến mà thực dân Pháp tiến hành trên đất nước Việt Nam. Bác không muốn tiết lộ Người là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là vị chỉ huy cao nhất của chiến dịch này mà chỉ muốn đóng vai một ông già có hiểu biết để trò chuyện với họ, như vậy họ mới càng thấm thía và nể phục. Cho nên đi cùng Bác vào hang đá, nơi hai viên chỉ huy bại trận đang ủ rũ trong đó chỉ có Bác và một hai đồng chí thân cận, tuyệt nhiên không có người chụp ảnh, càng không có người quay phim. Cảnh này cũng được chính hai viên chỉ huy viết lại trong 2 cuốn hồi ký của họ. Câu hỏi đặt ra với đạo diễn Phạm Quốc Vinh là làm sao thể hiện được cảnh này vừa nghệ thuật vừa đảm bảo được tính chân thực của phim tài liệu? Suy nghĩ nhiều ngày, cuối cùng ông quyết định nhờ họa sĩ quân đội Văn Đa ký họa lại cảnh trên. Đây cũng chính là lý do người xem thấy một bức ký họa ở gần cuối phim

Việt Hà
.
.
.