Những bức chân dung gần gũi trong tranh Bùi Xuân Phái

Chủ Nhật, 12/12/2010, 11:58
"Người tình của Phố cổ Hà Nội" là cách nhiều người mến mộ Bùi Xuân Phái vẫn gọi ông - người nghệ sĩ của không gian đô thị. Tuy nhiên, có một đề tài ít người còn biết đến nhưng ở đó lại chứa đựng những giai thoại, những câu chuyện cảm động về cuộc đời họa sĩ, đó là tranh chân dung.

Bùi Xuân Phái ngoài phố và chèo ra, ông còn vẽ rất nhiều chân dung. Chính nhờ vào những nét vẽ chân dung đầu tiên rất sống động của ông ngay từ khi ông ở tuổi ấu thơ mà mọi người phát hiện ra ông có năng khiếu hội họa và sau đó, người thân đã cổ súy ông thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Thuở ấy, mỗi khi bị anh hay chị em trong nhà gây ra điều gì đó làm ông phật ý, ông liền vẽ chân dung người đó lên tường nhà, những bức vẽ đó, nó giống và vui nhộn đến nỗi cả người bị vẽ lên tường không cảm thấy tức giận mà lại lấy làm thích thú.

Bức chân dung bà Phái

Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, cha anh - họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ rất nhiều chân dung. Ở tất cả chân dung của ông, người ta thấy người mẫu thường là những người rất thân với họa sĩ, được ông dành tất cả tình cảm như vợ con, anh em, người hàng xóm, bạn bè đồng nghiệp...

Người phụ nữ được ông vẽ nhiều chân dung nhất, chính là người vợ của ông (bà Nguyễn Thị Sính). Những bức chân dung vẽ vợ ông, người ta vẫn thường gọi chung là chân dung bà Phái, và để phân biệt từng bức, người ta đề thêm năm vẽ vào sau tiêu đề bức tranh.

Chân dung bà Phái xuất hiện từ năm 1952 và bức cuối cùng ông vẽ rất chăm chút dành để tặng bà vào năm 1986. Triển lãm nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Bùi Xuân Phái, bức chân dung bà Phái vẽ năm 1986, lần đầu tiên được công bố. Bức tranh đã được bày ở nơi trang trọng nhất.

Hôm Bùi Xuân Phái vẽ bức chân dung bà Phái này, bà bảo ông:

- Để tôi trang điểm và diện bộ mà tôi vừa ý nhất cho ông vẽ nhé.

Bà lấy chiếc khăn khoác Natasha tặng mà bấy lâu vẫn chưa có dịp để thể hiện. Bức tranh được hoàn thành trong buổi chiều hôm đó. Bùi Xuân Phái hỏi bà:

- Bà xem đã vừa ý chưa để tôi ký tên nào?

Bà Phái thích bức chân dung đó lắm, nhưng bà hiểu rằng, ông đã chiều mình mà vẽ khá là realist (chủ nghĩa hiện thực) cho bà có thể thích và hiểu được. Bà vốn là người phụ nữ không quan tâm và cũng không hiểu nhiều lắm về nghệ thuật của ông, nên bà cho rằng, lần này, ông vẽ bà khác hẳn những bức trước đây vốn là những bức ông vẽ cho ông với quan niệm nghệ thuật của ông. Nghĩ vậy, bà Phái bảo ông:

- Tôi muốn lần sau ông vẽ tôi một bức khác theo đúng phong cách của ông. Tôi thích ông vẽ tôi một bức chân dung thật phá phách và tự do theo đúng chất của ông.

Bùi Xuân Phái gật đầu, hứa sẽ vẽ cho bà bức chân dung theo ý muốn của bà.

Nhưng lời hứa của ông với bà đã mãi mãi chỉ là lời hứa, bà đã không bao giờ có dịp để ngồi làm mẫu cho ông vẽ chân dung nữa. Bức chân dung mà bà nhận xét là hiền lành và realist lại là bức chân dung cuối cùng ông vẽ bà. Ngày tiễn đưa Bùi Xuân Phái về cõi vĩnh hằng, bà Phái lấy trong tủ ra bộ comple sang trọng nhất trong đời Bùi Xuân Phái, bộ comple này bà đi may cho ông khi bà hay tin Nhà nước đã chấp thuận cho ông xuất ngoại theo lời mời của người Pháp. Bà muốn ông sang Pháp diện bộ đồ thật oách. Nhưng ông đã chưa có dịp được mặc bộ comple thật oách đó lần nào. Trong lúc mặc bộ comple sang trọng đó cho ông, bà Phái mếu máo nói:

- Ông đã hứa vẽ cho tôi bức chân dung thật là bạt tê, phá phách, rồi đấy nhé! Ông vẫn còn nợ tôi một bức chân dung đó.

Và cứ thế, những giọt nước mắt của bà không ngừng rơi xuống khuôn mặt đã bất động của ông.

Bức chân dung về người con trai đoản mệnh

Bức chân dung người chiến sĩ được trưng bày trong triển lãm tranh Bùi Xuân Phái nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của họa sĩ, tại Viện Goethe với cái tên chú thích là "Đường xa biền biệt". Hôm đó, tại triển lãm, có nhiều người đã hỏi họa sĩ Bùi Thanh Phương và muốn biết thêm chi tiết Bùi Xuân Phái đã vẽ bức chân dung này trong hoàn cảnh nào.

Đây chính là bức chân dung về người con trai đầu (Bùi Kỳ Anh) của họa sĩ. Ngày Bùi Kỳ Anh xuất ngũ trở về nhà, Bùi Xuân Phái muốn lưu giữ lại hình ảnh người lính của con trai để làm kỷ niệm, ông bảo Kỳ Anh mặc bộ quân phục và đứng làm mẫu cho ông vẽ bức tranh này.

Chỉ vài tháng sau khi bức chân dung được hoàn thành, nỗi đau thương đổ ập xuống đầu gia đình ông: Kỳ Anh mất trong một tai nạn giao thông. Với sự đau buồn quá lớn, bà Phái ngắm nhìn bức tranh mỗi ngày và mếu máo nói trong nước mắt: "Con nó đã được về nhà rồi, vậy mà ông lại vẽ nó với hình dáng của người lính đang lên đường đi xa". Bùi Xuân Phái như chết lặng, ông không nói được điều gì.

"Tôi không thể nào quên được đôi mắt mở to, ngơ ngác và choáng váng của ông khi nghe bà Phái nói như thế" - họa sĩ Bùi Thanh Phương kể lại. Sau này, khi Bùi Xuân Phái qua đời, nhiều khách quốc tế hỏi mua bức tranh này, bà Phái đã phải nhiều lần phải giải thích với họ: "Đây là kỷ niệm mà chúng tôi còn lưu giữ lại được".

Bức chân dung về cô con dâu

Người con dâu duy nhất của Bùi Xuân Phái là cô Cẩm Vinh, một thiếu nữ nhỏ xinh và có đôi mắt ấn tượng. Khi vẽ chân dung thiếu nữ, những cô gái đã từng ngồi làm mẫu cho Bùi Xuân Phái, thường cảm thấy một buổi vẽ mẫu trôi qua nhanh và ấm áp tình thân thiện giữa họa sĩ và người mẫu, bởi vì trong lúc vẽ, người mẫu thường cùng họa sĩ trò chuyện. Cách vẽ của ông chủ yếu là dựa trên những đặc điểm chính của mẫu và sau đó được ông miêu tả lại theo cách riêng của ông, vì thế nên ông không yêu cầu mẫu nhất thiết phải ngồi yên, tư thế ngồi được phép thoải mái và tha hồ hàn huyên, cười nói.

Lần ông vẽ bức chân dung Cẩm Vinh là kỷ niệm về một lần làm mẫu cho họa sĩ Bùi Xuân Phái làm cho Cẩm Vinh nhớ mãi. Theo cô kể lại thì nó gần như một buổi học bổ túc về môn hội họa, nó giúp cô hiểu thêm một chút về loại hình nghệ thuật mà trước đó với cô, nó còn là xa lạ.

Trước khi bắt đầu đưa những nét bút lên mặt toan trắng, Bùi Xuân Phái nói:

- Mỗi lần đứng trước tấm toan trắng, tôi như đứng trước một cuộc phiêu lưu, vì thế tôi không dám chắc là có thành công hay không. Trước khi vẽ, tôi vẫn thường mượn chút cay (rượu) để tự tin hơn và... liều hơn.

Ngày nay, giới chuyên gia về tranh Phái, nhìn vào tranh ông có thể biết được là lượng "cồn" mà ông đã dùng trong lúc vẽ bức tranh đó là nhiều hay ít. Có vẻ như, Bùi Xuân Phái càng say vẽ càng bốc và càng đẹp.

Sau đó Bùi Xuân Phái hỏi Cẩm Vinh:

- Nếu được lựa chọn hai bức chân dung, bức thứ nhất giống nhưng không có nghệ thuật, và bức thứ hai, có nghệ thuật nhưng không giống. Cô sẽ chọn bức nào?

Ngậm ngừng một chút, Cẩm Vinh nói:

- Cháu chọn bức thứ hai ạ.

Nghe vậy, Bùi Xuân Phái cười hiền lành, bảo:

- Sao cô không chọn bức thứ ba: vừa giống vừa có nghệ thuật. Cô có thể yêu cầu họa sĩ vẽ thêm một bức nữa đạt được những yêu cầu đó, bởi vì một bức chân dung thành công là bức chân dung vừa giống vừa nghệ thuật.

Sau đó ông kể chuyện về một bức tranh biếm họa mà ông vừa được xem trên một tạp chí, bức biếm họa miêu tả Picasso khi thấy "Những cô nàng ở Avignon" bỗng dưng bước ra khỏi bức tranh lập thể, tiến đến gần Picasso, tác giả của bức tranh nổi tiếng kia được phen sợ hết vía.

Nghe câu chuyện mọi người có mặt cùng cười vui. Bùi Xuân Phái nhận xét:

- Đôi khi trong nghệ thuật và cuộc sống có những điều kỳ cục và mâu thuẫn như thế "đẹp mà không đẹp. Không đẹp mà lại đẹp".

Trong buổi chiều hôm đó, sau khi hoàn thành bức chân dung Cẩm Vinh, Bùi Xuân Phái ký tên bên góc dưới bức tranh và tặng cô. Cẩm Vinh hân hoan vội mang ngay bức tranh về nhà cô trong khi nó vẫn còn đang ướt sơn. Nhưng chỉ nửa năm sau đó, Cẩm Vinh lại đem bức chân dung đó lại nhà Bùi Xuân Phái, bởi lúc này cô đã trở thành con dâu của ông. Bùi Xuân Phái khi thấy bức tranh được treo lên tường, ông cười, nói vui:

- Lần đầu tiên mình thấy có người đem trả lại tranh cho mình

Đào Bích
.
.
.