“Mai Hắc Đế” của Nhà hát Cải lương Việt Nam:

Những bài học của tiền nhân trong bảo vệ độc lập dân tộc

Thứ Sáu, 23/01/2015, 09:28
Sau khi tác phẩm đầu tay “Chuyện tình Khau Vai” được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng thành công, tác giả Nguyễn Thế Kỷ tiếp tục gửi gắm tác phẩm vừa hoàn thành “Mai Hắc Đế” cho Nhà hát Cải lương Việt Nam và đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên.

Chuẩn bị cho vở diễn sẽ ra mắt khán giả Thủ đô trong tuần tới, chiều 22/1, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Báo Văn hóa đã tổ chức họp báo, với sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TƯ; PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo TƯ…

“Mai Hắc Đế” là đề tài tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã ấp ủ từ lâu, nhất là sau khi hội thảo khoa học kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu được tổ chức năm 2013, các nhà sử học đã lần đầu nhìn nhận đầy đủ, khách quan về cuộc khởi nghĩa và tầm vóc của nhân vật lịch sử Mai Hắc Đế, thì ý định hoàn thành một tác phẩm văn học kịch phản ánh hình tượng người anh hùng áo vải Mai Thúc Loan càng hối thúc trong anh.

Cuộc họp thu hút sự quan tâm của báo giới.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: Nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Hoan Châu nên anh biết được Mai Thúc Loan đã âm thầm chuẩn bị cuộc khởi nghĩa gần 10 năm và là người lần đầu trong lịch sử Việt Nam biết liên kết với các Nhà nước phong kiến lân bang ở phía Nam: Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân để đấu tranh giành độc lập. Vì thế, câu chuyện kịch muốn đặt ra vấn đề cho hôm nay: Chúng ta muốn bảo vệ chủ quyền Việt Nam cũng cần liên kết với các nước trong ASEAN để tạo sức mạnh, và đó cũng là thông điệp của vở kịch. Trong vở diễn còn có cảnh Mai Thúc Loan gặp hồn của Vương Bột – người đại diện cho nền văn hóa Trung Hoa, để thấy được người dân Việt Nam đã hết sức chu đáo và nghĩa tình khi đã chôn cất, lập đền thờ ông, khi bắt gặp xác ông bị sóng đánh vào bờ.

NSƯT Hoàng Đạt, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: Cuộc khởi nghĩa đã qui tụ hơn 40 vạn nghĩa binh, đập tan ách đô hộ của một đế quốc phong kiến hùng mạnh bậc nhất lúc đó là Đại Đường. Chiến công hiển hách của cha ông cần được giới thiệu đến với công chúng.

Hơn nữa, khi đón nhận kịch bản “Mai Hắc Đế”, Nhà hát nhận thấy đây là một vở diễn hay, cần thiết cho khán giả. Đó là lý do để các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã lao động nghệ thuật nghiêm túc, mong muốn mang đến cho công chúng không chỉ một bài học lịch sử, một tác phẩm nghệ thuật với quan điểm chính thống, mà còn góp phần thỏa mãn thị hiếu muôn màu của các tầng lớp người xem hôm nay qua một câu chuyện lịch sử được tái hiện sinh động và hấp dẫn.

Là một đạo diễn đã thành công ở nhiều đề tài, trong đó có đề tài lịch sử, nhưng NSƯT Triệu Trung Kiên vẫn gặp không ít thử thách khi dàn dựng “Mai Hắc Đế”. Để tránh lặp lại mình, anh phải trăn trở, tìm ra sắc thái, dung mạo riêng cho vở diễn, cuối cùng, “Mai Hắc Đế” được dàn dựng theo quan điểm hư cấu nghệ thuật nhưng không thoát ly sự thật lịch sử, đảm bảo tính dung dị, sâu sắc và lay động người xem với hiệu quả thị giác và thẩm mỹ cao. Đó cũng là thủ pháp để đạo diễn có thể phản ánh được một tiến trình lịch sử lớn, với nhiều vấn đề lớn đặt ra trong một vở diễn.

“Quan điểm của chúng tôi là tái hiện gần nhất, chân thật, làm khán giả dễ hiểu, dễ cảm, dễ rung động, không làm khó cho khán giả bởi những sự ước lệ nên đã huy động 140 người tham gia vào vở diễn, đồng thời, đầu tư kỹ lưỡng về cảnh trí, phục trang, đạo cụ, âm nhạc, ngôn ngữ múa và các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, màn hình hiện đại, tiếp tục phát huy thế mạnh của nghệ thuật cải lương. Vì những phá cách của vở diễn, chúng tôi đã tận dụng hệ thống hiện đại như màn hình LED, âm thanh ánh sáng vốn dùng cho các chương trình ca nhạc hiện đại cho vở cải lương “Mai Hắc đế” – NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết.

Diễn viên Quang Khải, người vào vai Mai Hắc Đế cho hay: Nhận vai diễn lớn nên anh rất lo lắng, đã nhiều ngày trăn trở và sáng tạo, tìm cho nhân vật của mình thần thái và sức sống mới, để thể hiện ra hình tượng Mai Hắc Đế đúng như mong muốn của tác giả và đạo diễn, cũng như khán giả.

Vở diễn còn có sự tham gia của các diễn viên múa Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, Trường Đại học sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, võ đường Bình Định Gia Bách Khoa, CLB võ thuật Hoàng Nghĩa Đường. Với ý nghĩa xã hội và lịch sử của vở diễn, sự sáng tạo và đổi mới của tập thể nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam, các nhà tài trợ đã được tạo niềm tin, để cùng đồng hành, góp phần quảng bá vở diễn.

Dạ Miên
.
.
.