Những bài ca đi cùng năm tháng gắn với lực lượng CAND

Thứ Bảy, 22/08/2015, 15:10
Gắn với lịch sử 70 năm trưởng thành và phát triển của lực lượng CAND luôn có những bài ca đi cùng năm tháng. Đó là: Chúng ta là chiến sỹ Công an”, “Từ một ngã tư đường phố”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Bài ca người chiến sỹ Công an”…

Năm 2014, Bộ Công an đã chọn 10 ca khúc truyền thống, tiêu biểu về lực lượng CAND, trong đó có những bài hát kể trên.  Cuộc gặp gỡ của phóng viên với các nhạc sỹ đã khắc hoạ thành công hình tượng người chiến sỹ Công an bằng âm nhạc nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập sau đây sẽ cho thấy tình cảm, sự gắn bó của họ đối với những người được giao nhiệm vệ bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nhạc sỹ Trọng Bằng với “Chúng ta là chiến sỹ Công an”

Câu đầu tiên khi gặp tôi, nhạc sỹ Trọng Bằng bảo: “Tôi rất vui vì bài hát có sức sống lâu bền, nó luôn được xếp đứng đầu trong các tuyển tập bài hát về ngành Công an”...

Nhạc sỹ Trọng Bằng đang dạo lại bản nhạc “Chúng ta là chiến sỹ Công an”.

Nhạc sĩ chia sẻ, năm 1967, ông được Bộ Công an và Sở Công an Hà Nội mời đi viết ca khúc chính thống cho lực lượng Công an. Nơi gợi niềm cảm xúc cho ông viết ca khúc chính là buổi tham quan Phòng truyền thống của Bộ Công an. Ông đã xúc động khi nhìn những bức ảnh các cán bộ Công an bị địch bắt tù đầy, bị địch sát hại, sự hy sinh anh dũng thấm bao máu và nước mắt. Chỉ sau một đêm  “Chúng ta là chiến sĩ Công an”  ra đời. Đây là bài hát đầu tiên ông sáng tác về ngành Công an, thế nên ngay hôm sau ông đem đến Báo CAND để đăng nguyên văn. Đoàn văn công của Bộ Công an đã tập và hát ngay. Thật không ngờ nó lại lan toả nhanh chóng, đi đến đâu ông cũng thấy nó ngân vang.

Ông bảo, sáng tác về đề tài Công an không quá khó, không cần quá cầu kỳ và trau chuốt, nhưng ca từ, giai điệu phải phản ánh chân thật cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ. Chính thực tế cuộc sống của người chiến sĩ Công an làm cho ông xúc động nên giai điệu mà ông lựa chọn thật hùng tráng, mang tính dân tộc, lời ca hay, dạt dào tình cảm. 48 năm sau, nó vẫn là bài hát đứng trong top đầu về ngành Công an, sức sống và sự lan toả thì quả là kỳ diệu. Và ông càng vui hơn khi nhiều đồng chí lãnh đạo của ngành Công an tâm sự với ông rằng, bài hát này phải học thuộc ngay từ khi còn là sinh viên trong các trường Công an.

“Tôi rất yêu mến ngành Công an, họ vào sinh ra tử, làm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Sau này khi viết nhiều ca khúc khác về ngành, tôi vẫn không thể không nhắc đến một số ca từ của bài “Chúng ta là chiến sĩ Công an” vào bài hát đó.

“Từ một ngã tư đường phố” vẫn còn nguyên tính thời sự

Nở nụ cười rất tươi khi gặp tôi, ông nhẩm tính: “Thế là đã 44 năm rồi, thỉnh thoảng ra đường, qua các ngã tư, tôi vẫn nghe thấy “Từ một ngã tư đường phố” vang lên”. Ra đời sau “Chúng ta là chiến sĩ Công an” nhưng “Từ một ngã tư đường phố” được công chúng đón nhận một cách hoàn toàn khác. Đó là cuộc sống vui tươi, rộn ràng, trật tự của người dân Hà Nội khi Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, của những sắc áo vàng ở ngã tư đường phố vô cùng mới mẻ.

Có lẽ, đến giờ phút này, “Từ một ngã tư đường phố” của nhạc sĩ Phạm Tuyên là bài hát hay nhất và thành công nhất về lực lượng CSGT. Cái đặc biệt, cái khác của bài hát này với nhiều ca khúc viết về ngành Công an là “người dân đánh giá về Công an” chứ không phải là “chúng ta (Công an-pv) viết về mình”. Cả bài hát không có từ nào nói về Công an, nhưng ở đoạn kết lại là “Và trên ngã tư này đây, trong nắng mưa hay đêm ngày, có dáng áo vàng, người chiến sĩ giữ trật tự an ninh. Bảo vệ hạnh phúc cho câu ca rộn rã lúc bình minh. Trái tim ai hoà nhịp cuộc sống mới trên ngã tư thân yêu” mới có hình ảnh người CSGT xuất hiện. Dù ít nhưng nó đủ toát lên toàn bộ hồn cốt của bài hát, toát lên công việc đảm bảo TTATGT ở những ngã tư đường phố là công lao của người chiến sĩ CSGT.

Nhạc sĩ sáng tác ca khúc này vào mùa hè năm 1971 sau chuyến đi thực tế ở ba miền viết ca khúc về ngành Công an. Khi đi thực tế từ miền Nam và miền Trung ra Hà Nội, thấy không khí tạm ngừng ném bom thật lạ. “Hà Nội vừa có chủ trương lắp đèn tín hiệu. Lạ lắm, như có một cái gì trang trí trên đường phố khiến tôi cảm động khi đất nước đang trong khó khăn của chiến tranh mà Hà Nội vẫn giữ được ổn định chính trị, cuộc sống hoà bình, giữ được trật tự giao thông. Tôi nói với một đồng chí cán bộ Công an Hà Nội rằng: Tôi sẽ viết một bài về “Công an xanh” và một bài về “Công an vàng”. Sau đó tôi bắt tay vào viết “Đêm trên Cha-Lo”  - về Công an Biên phòng và “Từ một ngã tư đường phố””- nhạc sĩ chia sẻ. Ca từ giản dị, sâu lắng, giai điệu vui nhộn, tươi tắn cứ dào dạt xuất hiện. Bài hát ngay sau đó được hai ca sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam là Mạnh Hà và Thuý Hà thể hiện, đã truyền tải được toàn bộ nhịp sống của nhân dân miền Bắc trong những năm Mỹ tạm ngừng ném bom nên nó nhanh chóng đi vào đời sống.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên vui vẻ cho biết, 44 năm qua, bài hát đến giờ vẫn còn nguyên tính thời sự: “Đường phố của ta vẫn đang còn hẹp. Nhường bước giúp nhau đích xa cũng gần”. Hà Nội giờ đông đúc hơn xưa, người xe vẫn phải nhường nhau, nhiệm vụ của người CSGT càng thêm vất vả. Nếu như “Từ một ngã tư đường phố” có thể nhìn thấy hình ảnh của một đất nước thời ấy: công nhân tan ca, thiếu nhi đi học, chàng trai ra chiến trường, xe chở lương thực, đạn dược vào miền Nam thì sau này, những nhạc sĩ viết về lực lượng CSGT lại mang một dáng vẻ khác. Sau Phạm Tuyên, đã có nhiều nhạc sĩ viết về lực lượng CSGT Hà Nội như ca khúc “Con dìu tay mẹ - đưa mẹ qua đường” của nhạc sĩ Lê Tiến Hoành; “Lời chúc ban mai”, “An toàn giao thông là hạnh phúc” của nhạc sĩ Nguyễn Thế Đạt...

Những bài ca đi cùng năm tháng đã mang hơi thở của cuộc chiến đấu bảo vệ bình yên cho nhân dân của lực lượng CAND. Và sức sống của nó luôn còn mãi với thời gian.

Trần Hằng
.
.
.