Nhớ thi sĩ xứ Dagestan, Rasul Gamzatov: Mỗi thời có một kiểu hạnh phúc

Thứ Năm, 07/09/2006, 08:51

Tác giả "Dagestan của tôi" và nhiều vần thơ trữ tình tuyệt diệu chân thành, Rasul Gamzatovits Gamzatov, từ lâu đã là "người nhà" đối với độc giả Việt Nam. Và cứ tới đầu tháng 9, nhiều người Việt lại nhớ tới ông nhân dịp sinh nhật của ông (ngày 8/9/1923). Gamzatov đã qua đời cách đây 3 năm, ngày 3/11/2003.

Thơ Gamzatov tới với công chúng người Việt có lẽ là từ những năm 60 của thế kỷ trước qua những bản dịch lẻ tẻ được chuyển ngữ từ tiếng Pháp. Và phải tới cuối những năm 70 đầu những năm 80, sau khi tập sách "Dagestan của tôi" qua bản dịch thực sự xuất sắc của Tiến sĩ Khoa học Phan Hồng Giang (phần văn xuôi) và nhà thơ Bằng Việt (phần văn vần) được xuất bản, ông mới thực sự trở thành một trong những niềm ngưỡng mộ lớn lao của đông đảo người Việt.

Thơ Gamzatov rất bình dị. Và nồng nàn và anh minh. Ông chưa bao giờ là thi sĩ hiện sinh nhưng có lẽ sẽ không bao giờ trở nên lỗi thời. Theo dòng thời gian trôi, chắc chắn gia tài văn học của Gamzatov sẽ trở thành một phần kinh điển chung của nhân loại.

Gamzatov đã sống một cuộc đời dài lâu và không hề bằng phẳng, mặc dù chính quyền Xôviết đã rất ưu ái ông. Với một thi sĩ đích thực, trái tim không bao giờ chỉ đập cho riêng mình. Những năm cuối đời, ông từng viết:

"Bình minh đời!
Làm sao tính hết
Những tháng ngày cùng
bè bạn từng vui!
Hoàng hôn đời!
Thực khó lòng hay biết
Những cô đơn, cay đắng,
ngậm ngùi!

Hỡi bầu trời,
đừng thắp nữa ngàn sao,
Những tinh tú,
hãy muôn đời phủ xóa,
Đừng khêu lại
vết thương lòng - ký ức
Về những bạn bè
vĩnh viễn đã rời xa..."

Ông đã có những tình yêu nồng nàn say đắm, nhưng với ông, nỗi hoài lớn nhất là về nhịp đập con tim đã không bao giờ còn lặp lại nữa:

"Anh cần quả chuông vĩ đại,
Ngân lên trên khắp cao xanh
Thao thức tin mừng khôn xiết
Khi em đã tới cùng anh.

Anh cần quả chuông khổng lồ
Để suốt đêm ngày rung mãi
Nỗi buồn không thể nguôi ngoai
Khi mất em rồi, muôn thuở!.."

Là thi sĩ, Gamzatov luôn xác định trách nhiệm cao với những con chữ:

"Mưa sa đâu chẳng được,
Có ngăn cũng uổng công.
Gió thổi đâu chẳng lọt,
Như chú ngựa đứt cương.

Con người khác mưa, gió,
Lời ra không dễ bay.
Nói gì cũng cần có
Đầu tỉnh và tim say..."

Tôi không phải là một người dịch nhiều thơ Gamzatov nhưng tôi luôn chăm chú theo dõi đến mọi tâm sự của đời ông. Với tư cách của một người hâm mộ. Và dẫu thời gian đã trôi qua không ít nhưng cho tới hôm nay, tôi vẫn canh cánh trong lòng những lời thổ lộ của ông không lâu trước khi vĩnh viễn từ giã cõi trần. Trò chuyện với phóng viên hãng thông tấn Nga Novosti, Gamzatov đã bùi ngùi nhìn lại con đường đã qua với không ít nỗi niềm nóng lạnh. Hôm nay ngồi viết những dòng nhớ tới ông, tôi rất muốn lại chia sẻ cùng bạn đọc một phần bài trả lời phỏng vấn đó:

- Thưa nhà thơ Rasul Gamzatov, Maiakovsky từng viết: "Khi tôi tổng kết những gì tôi đã trải...". Về phần mình, ông nhớ lại những gì từ cuộc đời dài lâu và phong phú các sự kiện của mình?

- Tôi nghĩ là một nhà nghệ sĩ thì không có điểm tổng kết, mà thường chỉ có sự tiếp diễn.

- Về khái niệm hạnh phúc, ông hiểu thế nào?

- Hạnh phúc - đó là cơ hội tránh bất hạnh. Sáng ra, tôi cảm thấy vui nếu nhà ai đó không gặp phải tai họa. Còn ngày hạnh phúc nhất của đời tôi là, khi người ta trả lời câu hỏi của tôi: "Công việc thế nào?" là "ổn cả!". Nhưng tôi nghĩ, hiện giờ thì chẳng có gì ổn cả: hoặc thiếu gì đấy, hoặc một sự gì đấy không lường trước lại diễn ra.

Còn về nguyên tắc thì, mỗi thời có một kiểu hạnh phúc của mình. Thuở nhỏ, chúng ta hạnh phúc vì chúng ta còn chưa biết hết cả... Maiakovsky đã nói đúng: "Tốt cho ai hay biết ít". Tôi từng ở thượng đỉnh và tôi đã biết nhiều điều... Tamerlan đã có lý khi nói: "Nhân loại hẳn kinh hoàng khi biết những thần tượng của họ là ai". Nhưng nói chung thì tôi biết không ít người tốt. Và mỗi một người mới, mỗi một trí tuệ mới đối với tôi như thế là một niềm hạnh phúc mới.

- Tôi còn nhớ một bài báo của ông với cái tên lảnh lót: "Âm nhạc của cách mạng", viết nhân dịp Tháng Mười. Quan niệm của ông về cách mạng và những thành quả của nó đối với nhân dân không thay đổi chứ?

- Tôi không rõ những người khác nghĩ thế nào, nhưng tôi xin nói một cách chắc chắn và đầy tin tưởng: Cách mạng đã rất cần cho Dagestan. Cách mạng văn hóa, tinh thần, xã hội. Tôi thích những người nhớ lại quá khứ một cách tốt lành, mặc dù nhiều kẻ chỉ nhìn thấy ở nó toàn một màu đen... Đối với dân tộc tôi, Lênin là một người bạn vĩ đại. Trong những năm đầu tiên, nặng nề nhất đối với chính quyền Xôviết, chính Người đã cho chúng tôi bánh mì, vải vóc, chữ viết... Cách mạng đã cho những dân tộc nhỏ mọi thứ mà nó có thể cho, giúp hồi sinh.

- Ông làm việc thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?

- Nặng nề. Tôi đã già mất rồi. Nhưng tôi không kêu ca. Tôi ít nhiều vẫn có danh vọng, vẫn đang nổi tiếng. Mọi người vẫn còn tới với tôi. Nhưng thật tủi là nhiều yêu cầu tôi không đáp ứng được". Quỹ Gamzatov" giúp đỡ thực phẩm cho những người bần cùng. Quỹ "Đàn sếu trắng" cũng tạo được sự giúp đỡ phần nào... Nhưng thế vẫn còn quá ít. Vì thế nên tôi không có hứng viết. Dẫu rằng, tôi hiểu rằng ngày hôm nay không thể không viết. Trong thời của chúng ta có rất nhiều người bị nhục mạ và hành hạ, và văn học cần phải đứng về phía họ. Nhưng thực sự thì cái gì đã diễn ra? Văn học lại bị đưa vào tay những kẻ giàu có, các thủ lĩnh, phục vụ cho những người này. Xuất hiện rất nhiều kẻ bất tài trong văn học; có tiền là có thể muốn in  gì cũng được. Sự nghiệp dư đó có thể sát hại tính chính danh của văn chương.

- Ông nghĩ thế nào về phụ nữ?

- Quan niệm về phụ nữ của mình tôi luôn thể hiện trong thơ. Có những nhà thơ chuyên viết về đàn ông. Còn tôi thì viết về phụ nữ. Từ thuở ấu thơ. Và tôi chưa bao giờ phụ bạc họ cả. Họ là những người bạn rất tốt và tiếp nhận thi ca rất tinh tế. Tôi cho rằng, đàn ông có quyền chiến đấu trong hai trường hợp: vì một người phụ nữ đẹp và vì danh dự Tổ quốc.

- Ông biết trực tiếp nhiều nhà thơ và nhà văn, ông từng đọc các tác phẩm của họ. Ông cho ai có giá trị lớn nhất?

- Điều trọng đại phải nhìn xa mới thấy (thơ Essenin-ND). Tôi cho rằng, "Sông Đông êm đềm" là cuốn tiểu thuyết hay nhất thế kỷ. Trong quan niệm của tôi, những nhà văn lớn là Mikhail Bulgacov, Tsingiz Aitmatov, Vasily Grossman. Aitmatov và Grossman từng ở nhà tôi. Giá mà những viên đá ở nhà tôi có thể kể thành lời... Bao nhiêu nhà văn và nhà thơ từng đến nhà tôi! Tôi cho là các nhà thơ lớn gồm có Aleksandr Tvardovsky, Boris Pasternak, Anna Akhmatova, Marina Tsvetaeva, Nikolai Gumiliov, Sergey Essenin...

- Hiện nay ông hay suy nghĩ về những chuyện gì?

- Suy nghĩ ư? Về con người. Về cái aul (bản) của tôi. Về số phận của Dagestan... Không phải chúng ta chọn con đường đi cho mình. Chính con đường chọn chúng ta. Tôi thường nghĩ: chắc không dở lắm nếu như cuộc đời con người diễn ra ngược lại, từ tuổi già anh minh tới tuổi trẻ năng nổ, tới tuổi xuân thanh tân, rồi tới tuổi thơ. Không, tôi không nói đùa đâu, tôi nói rất nghiêm túc đấy. Nhưng, than ôi...

Vũ Anh Quyên
.
.
.