Nhớ tác giả “Voi đi” ngày về với “Sông Lô” núi rừng Việt Bắc

Chủ Nhật, 13/01/2013, 18:45
Nhà văn Siêu Hải tên thật là Nguyễn Siêu Hải, sinh ngày 2/7/1924, tuổi Giáp Tý. Là hậu duệ đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Đình, một gia tộc trí thức, một đại thương gia giàu có của đất kinh thành Thăng Long – Hà Nội từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX với hai hiệu buôn lớn về chè mãn hảo và thuốc Tiên sinh ở phố Hàng Ngang, Hàng Đường được vua Tự Đức ban cho bốn chữ “Phú gia Vật lực”.

Quê nội Siêu Hải gốc làng Hạ Thái, huyện Thanh Trì, sau khoanh vùng nhập vào Thường Tín, Hà Tây (cũ). Làng Hạ Thái có nghề sơn mài từ thuở xa xưa, nghe nói những năm đầu thế kỷ XX các danh họa Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí thường lui tới đây để nghiên cứu, tìm tòi và học thêm kinh nghiệm cho dòng tranh sơn mài và phát triển dòng tranh sơn dầu Việt Nam.

Mẹ ông là bà Phan Thị Nhượng (1892-1940), quê gốc làng Phù Ủng – tỉnh Hưng Yên, nơi sinh tướng quân triều Trần Phạm Ngũ Lão. Vào thế kỷ XIX, gia tộc mẹ ông đến định cư ở đất Thăng Long, phố Bát Đàn chuyên nghề dệt võng và dây gai.

Cha Siêu Hải là Nguyễn Khắc Hanh, bút danh Nhượng Nguyên, sinh năm 1893, mất năm 1966. Ông là một nhà báo lão thành từ những năm đầu của thế kỷ XX, một nhà cải tiến sân khấu truyền thống, nhà doanh nghiệp và hoạt động xã hội trong một thời gian dài. Thời đó người ta xếp ông ngang với hai bậc đại khoa Bùi Kỷ và Phan Võ. Với vốn tiếng Pháp học vài năm ở trường và vốn chữ Hán do người cha Nguyễn Gia Thái truyền cho, còn lại là tự học.

Năm 1935, ông là thành viên của phong trào “Âu Tây tư tưởng” một phong trào văn hoá cốt tiếp thu tinh hoa văn hoá Pháp do Nguyễn Văn Vĩnh chủ xướng hồi đầu thế kỷ XX, và tham gia viết bài cho Tạp chí Nam Phong do cụ Phạm Quỳnh làm chủ bút, báo Đông Tây, Nông Công Thương báo, Hữu ích tuần báo, Ngọ báo... Ngoài ra ông còn dịch trên ba mươi tác phẩm từ chữ Pháp, chữ Hán sang chữ quốc ngữ, trong đó có tác phẩm: Thơ chữ Hán Nguyễn Du (dịch cùng với Bùi Kỷ, Phan Võ) và truyện Kim Vân Kiều.

Nhà văn Siêu Hải cùng nhà văn Phí Văn Bái, nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Mạc Phi (từ trái qua phải).

Những năm cuối đời ông Nguyễn Khắc Hanh vẫn miệt mài dịch tài liệu văn, sử từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp. Điều quý giá nhất mà ông Nguyễn Khắc Hanh làm được: Đó là lưu giữ và dịch xong toàn bộ Phả ký dòng họ Nguyễn Đình do nhiều đời truyền lại. Đây là tài sản vô giá được ông giao lại cho con.

Nhận sự ký thác của cha, dựa trên tư liệu đó, Siêu Hải đã sáng tác thành công bộ ba tiểu thuyết lớn: Mảnh trăng Tô Lịch (1991), Bóng chiều Thăng Long (1995), Nắng Kinh thành (1997).

Siêu Hải tác giả “Voi đi” đã về với “Sông Lô” núi rừng Việt Bắc vào lúc 4h25 ngày 21/9/2012 (6/8 Nhâm Thìn). Ngày di quan ông 25/9, trời Hà Nội đổ mưa sụt sùi khóc thương, dòng người nhiều nơi kéo về tiễn đưa ông có đến ngót ngàn người, nhà thơ Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã mang vòng hoa đến viếng ông tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Điếu văn đọc tại buổi lễ do Tổng cục Chính trị đứng ra tổ chức có đoạn viết: “…Đồng chí ra đi trong sự thanh thản của một con người đã cống hiến tất cả sức lực tài năng và trí tuệ cho sự nghiệp Cách mạng…”.

Quả đúng như vậy: Siêu Hải một học sinh trường tư thục Thăng Long, cái nôi ươm mầm cách mạng, nơi hội tụ những trí thức yêu nước đến giảng dạy như Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Nghiêm Xuân Yêm, Bùi Kỷ, Vũ Đình Hoè... Rồi Cách mạng Tháng 8 thành công, rồi kháng chiến chống Pháp nổ ra, bao thanh niên miền Bắc thời bấy giờ nô nức đi theo cách mạng. Siêu Hải - chàng thư sinh Hà Nội không ngần ngại bước vào học trường võ bị Trần Quốc Tuấn ngay những ngày đầu lập nước.

Học xong trường võ bị, Siêu Hải được bổ nhiệm làm trung đội phó, rồi trung đội trưởng, đại đội trưởng pháo binh Tiểu đoàn 40, Sư đoàn 308. Nhiệm vụ ban đầu là xây dựng Binh chủng Pháo binh, mà gia tài lúc đó chỉ có 3 khẩu sơn pháo 75 ly lấy được của Pháp sau ngày bị Nhật đảo chính, mỗi khẩu nặng chừng 700kg. Chính những khẩu sơn pháo đó đã góp phần cho chiến thắng của quân dân ta đập tan và quét sạch quân Pháp ra khỏi Việt Bắc Thu- Đông 1947-1948 nối thông đường huyết mạch từ Việt Bắc vào vùng tự do Thanh - Nghệ –Tịnh.

Truyện ký “Voi đi” - tác phẩm đầu tay của Siêu Hải viết về giai đoạn này, được in trên Tạp chí văn nghệ Sông Thao năm 1949, đã làm lớp nhà văn đầu đàn Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Trần Đăng... phải “kính nể” giọng văn anh lính pháo binh học dở tú tài Tây.

Sau chiến thắng Sông Lô - Việt Bắc, Siêu Hải tiếp tục chỉ huy chiến đấu trên nhiều cương vị, trên nhiều mặt trận và tiếp tục viết, vẽ ký họa, ghi chép tích góp vốn liếng văn chương, cho tới khi kết thúc hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, non sông Việt Nam thu về một mối. Siêu Hải được phong quân hàm đại tá rồi về công tác tại Ban Nghiên cứu biên soạn Tổng cục Chính trị Quân đội.

Ba mươi sáu năm trong quân ngũ, Siêu Hải đã để lại cho Binh chủng Pháo binh hàng vạn trang tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, lịch sử pháo binh, ký sự lịch sử, truyện danh nhân, tản văn, tiểu luận quân sự như: Voi đi đánh Mỹ, Đại đội sơn pháo 753, Lừa, Pháo binh đánh địch phản kích ra sân bay Điện Biên Phủ, Đoàn voi thép trong chiến dịch Hoà Bình. Truyện: Trung đội trưởng, Chèn pháo (cùng Phạm Thành), Người biệt danh cây gỗ mun. Tiểu thuyết Sông Lô… Nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử Quân đội coi ông là một trong những nhân chứng sống, là “mỏ vàng” tư liệu lịch sử kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Tại căn hộ tập thể tuềnh toàng của nhà văn Sơn Tùng ở khu Văn Chương, Hà Nội, một cái chiếu nhỏ bé được trải ra trên nền nhà có 9m2, hội đủ ba mươi hai con người bình thường nhưng không dễ lãng quên. Họ đến với nhau từ trong hoạn nạn, tựa vào nhau mà sống và sáng tác văn chương. Họ là ai? Là: kịch tác gia Bửu Tiến, chú họ vua Bảo Đại. Nhạc sĩ Đặng Đình Hưng cha của Đặng Thái Sơn. Nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao, tác giả Quốc ca. Nhà học giả Đào Phan với những tác phẩm: Suy tưởng trước Ba Đình, Đạo Khổng trong văn Bác Hồ. Nhà văn Mạc Phi, tiểu thuyết Rừng Động 2 tập. Giáo sư Nguyễn Trọng Phấn Viễn đông Bác cổ.

Với dáng người nhỏ bé mảnh khảnh giống “lão Hạc”, dù đã nghỉ hưu, vậy mà bao giờ người ta cũng thấy Siêu Hải bốn mùa mặc áo lính, phảng phất chút nước hoa thanh quý, lãng tử trai Hà thành. Ông nhập vào chiếu tại nhà nhà văn Sơn Tùng từ mùa thu năm 1980, qua lời giới thiệu của Văn Cao - người bạn thuở chiến khu Việt Bắc. Đánh dấu buổi đầu, Siêu Hải đem đến cho hội văn nỗi niềm khó giải về bản thảo “Sông Lô” được viết từ năm 1957 có sự “đỡ đầu” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đến nay đã 24 năm qua mà vẫn chưa in được.

Nhờ sự góp sức của Sơn Tùng sửa sang lại bản thảo, sang xuân Tân Dậu (1981), tiểu thuyết “Sông Lô” ra khỏi Nhà xuất bản Thanh Niên đã đi vào lòng bạn đọc. Có một câu chuyện thật vui là, ngay tức khắc nhà văn Hữu Mai, Sơn Tùng liền giới thiệu Siêu Hải vào Hội Nhà văn Việt Nam. Quyết định kết nạp hội viên vừa trao tay thì văn phòng Hội Nhà văn kiểm tra lại danh sách hội viên, mới biết Siêu Hải đã là hội viên sáng lập Hội, năm 1957.

Từ ngày Siêu Hải tham gia sinh hoạt tại đây, anh em Chiếu văn mới biết ông có một bề dày văn hóa, vốn sống về Thăng Long, Hà Nội từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, nên khuyên ông tạm dừng đề tài “Pháo binh Điện Biên Phủ” mà chuyển đường bút về miền truyền thống văn hoá, lịch sử Thăng Long- Hà Nội…

Ba mươi hai năm, vắt qua hai thế kỷ, nhà văn Siêu Hải từ tuổi sáu mươi đến tuổi chạm ngưỡng chín mươi, đã lao tâm tuệ lực cho những tác phẩm: Mảnh trăng Tô Lịch, Bóng chiều Thăng Long, Nắng Kinh thành, Trăm năm chuyện Thăng Long - Hà Nội, Ngọn bút trong sương, Người lính Nhà văn. Rất nhiều nhà phê bình văn học và bạn đọc khẳng định, chỉ cần chừng ấy đầu sách thôi, Siêu Hải đã trở thành nhà văn hóa Hà Nội

Sơn Định
.
.
.