Nhớ sao những lũy tre làng
Đã đành, không thể buộc chân cuộc sống ở lại. Muốn no hơn, ấm hơn thậm chí là ăn ngon, mặc đẹp, đời sống văn minh hơn, phải hi sinh đi một cái gì đó, không thể được cả. Thí dụ như muốn có đường giao thông thuận tiện, phải hi sinh rất nhiều đất lúa. Muốn có hồ nước, có thủy điện, phải làm ngập hàng ngàn, hàng vạn héc ta ruộng, phải di rời hàng trăm ngôi làng. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn là đi liền với đô thị hóa.
Người ta tính mấy chục năm nữa, 75% dân Việt Nam sống ở thành thị mà muốn như thế thì rất nhiều làng không còn nữa. Nó sẽ thành ngách, thành ngõ, thành phố. May ra còn lại cái tên phố, như rất nhiều phố của Hà Nội bây giờ. Đó là điều cần phải chấp nhận. Tuy thế, không thể cấm người ta xót xa khi những hàng cau, những ao làng, những lũy tre… những thứ làm nên làng quê Việt Nam cứ mất dần, mà mất một cách vô lý, mất đến tàn bạo trong khi không đến nỗi phải thế chỉ vì chính chúng ta.
Làng tôi ở ven đô nhưng mỗi năm tôi cũng chỉ về quê một, hai lần là cùng. Cách đây ít năm, mỗi lần về, thấy làng quê đổi thay, tôi cũng nghĩ là chuyện thường, có khi còn mừng. Đường vào làng được mở rộng và xây gạch, có đoạn trải nhựa. Giậu cây xanh dọc các ngõ được phá đi, thay bằng tường gạch. Dãy ao làng lấp dần để làm nhà. Đất chật, người đông, không thể gò bó mãi trong diện tích cũ. Những cây tạp trong vườn, nhất là những cây không còn mang lại giá trị kinh tế cao bị phá dần: người ta chặt các cây cọ (bây giờ ai còn lợp nhà bằng lá cọ nữa, trồng nó lại tốn đất), chặt cau (cau bây giờ bán ai mua?), thu hẹp hoặc dỡ bỏ giàn trầu không (bây giờ chỉ mấy bà già còn ăn trầu).
Dần dà, bụi tre, rặng tre quanh làng thành chướng mắt. Tre bây giờ bán không được tiền, trồng nó cần diện tích lớn lại hại đất. Thế là những rặng tre êm đềm rủ bóng đường thôn, những rặng tre in bóng bên dòng sông (nước gương trong soi tóc những hàng tre) cứ mất dần.
Cho đến lần về quê gần đây nhất tôi mới giật mình: làng không còn là làng nữa. Cái làng trong tuổi thơ, cái làng vì nó chúng tôi ra đi đánh giặc, cái làng mà nhờ nó, nền văn hóa làng xã đặc thù của người Việt từ đình chùa, miếu mạo, phong tục tập quán, nết ăn nết ở… không còn nguyên vẹn nữa. Nhìn từ bờ đê xuống, làng không còn bóng cây xanh, khô khốc toàn gạch, bê tông với những ngõ, những ngách ngoắt ngoéo, nhỏ hẹp. Làng đã thành phố nhưng đó là khu phố ổ chuột, thiếu qui hoạch, mất vệ sinh môi trường.
Người trong làng với nhau đã thay đổi cách giao tiếp, cách sống theo lối nhà ai biết nhà ấy, cửa đóng then cài. Người ta đua nhau khoe giàu. Trong làng thì nhà hai ba tầng, chít chát lòe loẹt. Ngoài nghĩa trang thì mồ mả đua nhau xây cao, xây to, đắp đủ các loại gạch, hoa văn bê tông, không còn chỗ chen chân. Những ngày nắng, làng tôi thành chảo rang. Ngày mưa, ngõ xóm lầy lội, ngập nước, không lối thoát.
Không cần kể thêm, gần như ai cũng biết những thực trạng đó. Không chỉ các làng ven đô, những vùng rất xa Thủ đô và các thành phố lớn, cũng đã bắt gặp tình trạng trên. Nông thôn đang tự phát đô thị hóa, đang tự đánh mất những tinh hoa quí báu của mình trong khi không ai hướng dẫn, giúp đỡ họ. Hãy đến Tây Nguyên, ngày nay rừng không còn, buôn làng cũng gần như không còn bởi nạn chặt phá rừng, giải tán buôn để lấy đất trồng cà phê, cao su, hồ tiêu. Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa gắn liền với rừng, với nhà rông, với buôn làng. Mất môi trường đó, văn hóa cũng mất.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long, người ta chặt dừa, thu hẹp các dải dừa nước trên kênh rạch, chặt phá rừng ngập mặn, phá đất thổ cư, ngăn cách các đồng cỏ bằng đê bao, bằng vuông tôm. Các làng miền Trung đang bị phá rừng, phá phi lao để khai thác quặng, mở rộng diện tích trồng trọt. Chúng ta có hẳn một Viện Thiết kế và Qui hoạch nông thôn với cả trăm nhà khoa học thuộc Bộ Xây dựng; Trường Xây dựng và Kiến trúc nào cũng có Khoa Thiết kế kiến trúc, Khoa Qui hoạch, Khoa Xây dựng liên quan đến nông thôn; chúng ta cũng từng có rất nhiều giải quốc tế lớn nhỏ về thiết kế nhà ở, làng sinh thái nông thôn… nhưng nông thôn vẫn đang bị bỏ trống trong qui hoạch, kiến trúc, xây dựng. Cảnh quan nông thôn vẫn bị phá phách phí hoài. Sẽ đến lúc chúng ta lại phải khôi phục, tôn tạo lại cái vốn có nhưng đã mất và lại được coi đó là sáng kiến, là những ý tưởng táo bạo, sáng suốt.
Thương cho những lũy tre làng, những ngõ cây xanh, những ngôi nhà mang hồn Việt đã bị phá hoại và sắp bị phá hoại vô lối, tắc trách nay mai