Nhớ Y Moan, tiếng hát của đại ngàn Tây Nguyên
Cho đến giờ tôi vẫn tự hỏi “Mình quen biết Y Moan từ khi nào?”
Lâu lắm rồi vào quãng 1978 – 1979 gì đó. Tôi có người anh ruột là Bằng Sơn - Công tác ở TDTT Lạng Sơn. Lúc đó anh có kể lại về một giọng hát “lạ” ở Đoàn ca múa Đắk Lắk (Đắk Lắk kết nghĩa với Lạng Sơn) trong những đêm giao lưu “Lửa trại” anh Sơn có “đặc biệt” chú ý tới giọng hát của “Đại ngàn” Tây Nguyên - Y Moan.
Rồi tới năm 1990 lần đầu tiên ở Việt Nam tổ chức cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc ở Hà Nội. Lần đó Y Moan được giải nhất Đơn ca Nam, Thanh Lam được giải nhất Đơn ca Nữ.
Lần ấy, tôi thật sự bị tiếng hát của Y Moan “ám ảnh”. Sau này cứ mỗi lần đi biểu diễn ở Tây Nguyên tôi tìm bằng được Y Moan để gặp người ấy bằng da bằng thịt. Mỗi một lần gặp Y Moan - Y Moan đưa tôi đến Bản Đôn để được cưỡi lên những con voi, đưa đi gặp ông già Amakông, người đàn ông có sức mạnh huyền bí dù cao tuổi vẫn đẻ được những đứa con trai “Da nâu, mắt sáng, dáng hiền hòa”.
Y Moan nhiệt tình đưa tôi và Đoàn Kịch Quảng Ninh đi diễn khắp các huyện của Đắk Lắk, những vở diễn “Người đàn bà uống rượu”, “Lời nguyền biển”, “Tiếng hát Sơn ca”. Mỗi đêm diễn Y Moan chăm chú theo dõi từng lớp diễn và đều góp ý chân thành cho từng diễn viên, từng lời thoại.
Y Moan đặc biệt thích thú vở “Người đàn bà uống rượu” mỗi một lần xem anh đều khóc. Hỏi tại sao lại khóc lắm thế? Anh nói “Người Ê Đê thật thà lắm thấy thương bộ đội hy sinh thì khóc - Thấy người lính cảm tử “yêu” nhau với TNXP mà bị kỷ luật - Bị đuổi về hậu phương thì khóc…”. Tôi cũng thú nhận với Y Moan “Lúc ấy kỷ luật chiến trường phải vậy - Tôi là diễn viên mà còn khóc, huống hồ một khán giả như Y Moan…”.
Điều đáng yêu của Y Moan là thật thà vô cùng. Yêu ra yêu, ghét ra ghét. Y Moan không ngại người đưa các diễn viên nữ về nhà mình để vợ con gặp mặt coi nhau như chị em ruột thịt. Vì thế mà dần dần chúng tôi qua Y Moan tổ chức kết nghĩa giữa 2 Đoàn nghệ thuật Kịch Quảng Ninh và Ca múa Đắk Lắk. Buổi kết nghĩa ấy có lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa chứng kiến. Có thắt chỉ ở cổ tay, tặng vòng đeo để kỷ niệm, uống rượu cần - Ca hát suốt ngày.
Mọi việc với Y Moan đều làm một cách tận tâm và hối hả. Tôi tự hỏi: Có gì đó “Câu thúc” anh để chạy đua với thời gian. Sau này mới biết Y Moan biết sức khỏe mình có “vấn đề”.
Anh tâm sự với tôi thẳng thắn điều đó và dặn đừng nói gì với vợ con anh.
Nói đến vợ, Y Moan tự hào lắm, chị tên là Nguyễn Thị Minh Ngẫu, quê ở Vũ Thư - Thái Bình. Vợ chồng Y Moan sinh được 3 người con: 2 trai, 1 gái. Đó là I Vôn Nuon, Igaria Nuon, Đex đen Nuon, Đó là những tác phẩm hay nhất mà Y Moan cùng vợ “sáng tác” ra. Chúng nó được thừa hưởng “gen” nghệ thuật của bố mẹ và được học hành tử tế ở Hà Nội.
Để nuôi được chúng, vợ chồng anh vất vả lắm. Ngoài nghề ca hát phải trồng thêm nhiều cà phê, nuôi lợn gà, trồng bắp, trồng mì, trồng hồ tiêu. Thế mới biết đời nghệ sỹ cũng cùng cực gian khổ lắm, nhất là sống cương trực trong sáng như Y Moan.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường và các nghệ sĩ cùng người thân cắt băng khánh thành tượng NSND Y Moan tại Đắk Lắk. |
Anh đã vượt qua tất cả kể cả “bạo bệnh” luôn “rình rập” anh để sống và hát và vì bạn bè.
Y Moan - Nguyễn Cường - Hoàng Hà Tùng là cặp “Xe Pháo Mã” trong suốt một thời “Hoàng Kim” của Ca múa Đắk Lắk. Hoàng Hà Tùng là em vợ tôi vì thế Y Moan coi tôi như một người anh em thân thiết.
Có lần trời lạnh, năm 2009, tôi và Y Moan đi tiền trạm cho Đoàn Kịch Quảng Ninh biểu diễn ở một huyện trong tỉnh. Đang đi thì trời đổ mưa, Y Moan ngồi phía trước cầm lái xe môtô, mưa tạt khiến Y Moan rét run cầm cập, ho khù khụ, tôi ngồi phía sau không ảnh hưởng gì.
Vốn dĩ Người Quảng Ninh chịu lạnh giỏi hơn người Tây Nguyên. Người Ê Đê như Y Moan chỉ biết có nắng và gió. Tôi thương quá bắt dừng xe, cởi áo rét của mình cho Y Moan. Y Moan tròn mắt ngạc nhiên. Tôi bảo “Đừng ngại ngần, mặc đi”. Hình như Y Moan hiểu ra anh mặc chiếc áo đó và quả nhiên không thấy anh ho nữa.
Sau này, vợ Y Moan gửi tặng tôi một chiếc áo của người Ê Đê mà Y Moan đã từng mặc để tôi làm kỷ niệm. Chị còn bảo “Người Việt Nam có câu: Nhường cơm sẻ áo cho nhau”…Chị kể lại chuyện chiếc áo của tôi tặng chồng chị, chị nói “Em vẫn giữ chiếc áo của anh cho tới giờ”.
Lúc còn sống Y Moan bảo tôi “Em sẽ dạy anh nhiều bài hát Tây Nguyên”. Đặc biệt là bài “Đi tìm lời ru Nữ thần mặt trời” nhưng em dặn anh, anh đừng hát khi em còn sống, bởi: “Anh hát không bằng được em đâu”. Tôi công nhận ngay vì không phải chỉ có tôi mà bất kỳ ca sỹ nào, kể cả người Tây Nguyên sẽ khó hát bằng Y Moan những bài ấy, lạ thế đấy.
Ở đời, có những ca sỹ “độc quyền” những bài hát của mình. Đó là sự khẳng định một đẳng cấp “hoàn hảo” khi ca sỹ ấy hát thì khó có ca sỹ nào có thể “Cạnh tranh” nổi. Y Moan với những bài hát “độc quyền” của Đại ngàn Tây Nguyên: “Giấc mơ Cha Pi”, “Đôi chân trần”, và đặc biệt là bài “Đi tìm lời ru Nữ thần Mặt trời”.
Ca sỹ Y Moan biểu diễn trong liveshow “Ngọn lửa cao nguyên” tại Hà Nội. |
Tôi cố tìm hiểu để “giải mã” “hiện tượng” này mà vẫn phải chịu “bó tay”.
Đó là gì? Một điều bí ẩn. Phải chăng: Giọng hát của Đại ngàn hội tụ được tất cả những gì “kết tinh” nhất của Tây Nguyên: Hoang dã, phóng khoáng, chân thành, bốc lửa, mộc mạc, hiền hòa, nó hội tụ: Nước, nắng, gió, cà phê, rừng Đại ngàn, cồng chiêng, tâm linh, voi, tê giác, nhà rông, già bản, thiếu nữ, lưng trần, da nâu, mắt sáng…
Những cái đó có ở tiếng hát Y Moan.
Những lần ôm đàn ghi ta, đốt lửa ở nhà sàn uống rượu cần với thịt nai, ngồi cạnh vợ, Y Moan hát hết mình cho tôi và các bạn tôi nghe.
Những đêm trắng hát với nhau rồi lúc đi ngủ tôi còn nghe văng vẳng tiếng Y Moan dặn dò “Em có 2 đứa con trai đang học ở Hà Nội, 1 đứa con gái ở đây. Nếu sau này có mệnh hệ gì anh coi chúng như con…” Y Moan đoán biết sức khỏe mình nhất là sau lần cắt một phần lá phổi.
Anh dặn “Các cháu gặp anh thì anh cho nó bát cháo nhé”.
Tôi bực tức “Sao lại ăn cháo?” “Anh ăn gì thì chúng nó ăn đấy”.
Nhanh quá, Y Moan đã xa chúng ta hai năm rồi. NSND Y Moan và các ca sỹ đàn em còn kịp làm một đêm diễn “Y Moan” ở Thủ đô Hà Nội. Lần đó tôi chỉ được xem trên ti vi nhưng cũng đoán được ngày “đi” của Y Moan.
Một linh cảm mách bảo tôi khi tôi thấy Y Moan nhìn mọi người - Một cái nhìn “dài dại” ngơ ngác. Rồi sau đó Y Moan “đi” thật.
Giọng hát của Y Moan người con của “Đại ngàn” khiến cho người nghe “Sởn gai gà” nghĩa là anh đã “chạm” vào con tim người nghe, “chạm” vào da thịt người nghe, nó chảy trong huyết quản người nghe, nó khiến “thân nhiệt” người nghe tăng dân. Đó là những gì đặc biệt “nhất” mà Y Moan hát.
Nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy một khuôn mặt rất “đàn ông” của Y Moan. Mắt tròn sáng, hàm răng trắng bóng, bộ râu rậm đen nhức, mớ tóc xoăn phủ tới ngang lưng được búi gọn. Dáng người chắc nịnh, khoác áo da, ngồi oai phong trên một chiếc xe mô tô phân khối lớn màu đen. Đó là Y Moan đấy. Tiếng anh nói chuyện mà sang sảng khắp Đại ngàn. Thấy tiếng con sông cuồn cuộn chảy, thấy cây rừng rung lên, thấy bụi đất ào đỏ, thấy tiếng nói líu lo của trẻ thơ cởi truồng chạy theo anh gọi “Y Moan!” “Y Moan!” người con của Ê Đê về bản đấy à? Thấy tiếng trầm hùng của ông già Amakông “Y Moan về đấy hả con?”. Thấy tiếng các cô gái bên suối đang thả lưng trần “ngụp dưới dòng nước cười ré lên. Y Moan về với chúng mình đấy…”…
Và những bước chân của Y Moan cùng với giọng hát của mình có mặt không chỉ ở Tây Nguyên quê hương anh, và không chỉ ở Việt Nam mà còn đi xa hơn thế: đi khắp thế giới rồi xa tới nỗi, nó tới tận một miền sâu thẳm của một “thế giới bên kia”. Nơi mà có “Phật đón, Tiên đưa”.
Nhưng ngược lại, với riêng tôi thì bao giờ Y Moan cũng gần gũi, nhất là khi tôi mặc chiếc áo của anh tặng, anh đã truyền hơi ấm sang tôi và cho tôi một giọng hát của Đại ngàn Tây Nguyên khi cất lên tiếng hát “Đi tìm lời ru Nữ thần Mặt trời”