Nhớ Văn chiêu hồn đau nỗi niềm nhân thế

Chủ Nhật, 07/11/2010, 11:47
Những người có tấm lòng đã thấm đẫm nỗi cảm thông theo cuộc đời luân lạc của nàng Kiều qua tài hoa thơ Nguyễn Du và cất lên như một khúc đau, một lời nhắc nhở và dặn bảo mình trong cái Tâm lớn trước con người cùng những nỗi buồn vui của kiếp người qua Văn chiêu hồn của cụ!

Cách đây ít năm, giữa những ngày miền Trung nắng nóng tôi đã được về Nghi Xuân. Sông Lam chảy bên chưa mùa nước lớn nên dòng trôi mềm mại dịu dàng như câu ví dặm.Có cảm giác đất đai nơi này là một phần của đá núi Hồng Lĩnh gửi lại.

Nhìn núi cao đổ nguồn về tận biển, nhìn sông dài vắt dọc tới tận trùng khơi để cảm nhận một cách trân trọng về vùng đất đã để lại cho đời một sản phẩm kiệt xuất của văn chương nước Việt, một danh nhân đau đáu nỗi niềm nhân thế. Đó là Truyện Kiều và Nguyễn Du. Còn nữa…! Thơ chữ Hán của cụ cùng Văn tế thập loại chúng sinh đọc đến day dứt lòng người.

Nghi Xuân ngày tôi được về thăm đã đổi thay nhiều. Từ chợ Giang Đình về tới làng Tiên Điền chẳng mấy xa. Đường về quê Nguyễn Du đã được trải nhựa phẳng. Nhà tưởng niệm Đại thi hào đã được xây. Trước sân nhà Tưởng niệm bức tượng Nguyễn Du trầm lặng. Khách đến thăm làng quê Tiên Điền thường ra thăm nơi cụ yên nghỉ trước tiên.

Mộ Đại thi hào đã được xây cất đàng hoàng. Đây là lối hành hương về cõi văn chương của một người mà mỗi một dòng của nó đều thấm đẫm nỗi niềm nhân ái. Một vài khóm mẫu đơn, ở đây dân gọi là bông trang, hoa gầy, thân nhỏ nhưng vẫn đậm hồng ở sắc. Đôi cây quéo mọc gần bên mộ vẫn cho màu xanh sẫm làm dịu bớt đi màu đất bạc vất vả. Mộ Nguyễn Du như cùng nắng gió quê hương mà đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với người với cảnh nơi đây.

Với Nguyễn Du, người yêu thơ đã tôn vinh cụ là bậc Đại thi hào của dân tộc Việt, danh nhân văn hóa thế giới. Trong cõi sâu thẳm của tấm lòng mình trước những phận người dằng dặc với bao nhiêu buồn khổ, khi đọc thơ cụ ta gặp, không chỉ trùng điệp những câu nhiều nước mắt trong Truyện Kiều mà còn nữa những giọt lệ trong thơ chữ Hán và đặc biệt có rất nhiều trong Văn tế thập loại chúng sinh, thường gọi là Văn chiêu hồn của cụ.

Văn chiêu hồn là một áng Tâm thi đặc sắc về chữ nghĩa. Thấm thía hơn lại là cái tình của người viết trước cuộc đời mênh mông bể khổ trong thập loại chúng sinh gánh theo phận mình những kiếp nạn. Thập loại chúng sinh chỉ là con số biểu trưng phiếm chỉ cho hình ảnh của nhiều những nỗi niềm cơ khổ của kiếp người thời cụ sinh sống, giai đoạn đầy biến động cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.

Đây là một biên niên sống đầy nặng nề đày ải với Nguyễn Du và người đời mà thủ phạm là chiến tranh, là ly loạn, là đói nghèo, là thiên tai bão lụt… Trong những ngày miền Trung bị lũ lụt, nhiều người dân khổ trăm bề, tôi bỗng nhớ tới bài "Văn chiêu hồn" của Đại thi hào Nguyễn Du. Nhớ nhà thơ đã thốt lên với các âm hồn, cô hồn:

Trong trường dạ tối tăm trời đất
Có khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa mấy niên
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu…

Tấm lòng của Nguyễn Du thật đại lượng, độ lượng. Không giận, không thù, không căm, không ghét mà chỉ thấy thương, thương đến đứt lòng cho những thân phận, số phận hẩm hiu cho dù đời cụ cũng nhiều phen luân lạc oan khổ của một tài năng chưa gặp thời gặp thế. Nén trong tâm hồn mình những niềm riêng nhiều uẩn khúc và thơ cụ đã cất lên một nỗi đau chung cho kiếp người khi gặp hoạn nạn với mong muốn:

Muôn nhờ đức Phật từ bi
Giải oan cứu khổ độ về Tây phương

Lòng từ bi của nhà thơ đã chiêu hồn cho đủ các thành phần người không may khuất đi trong thời cụ sống hoặc cụ đã từng nghe, từng biết. Đây là một thi phẩm đặc biệt giàu tính tâm linh viết về người chết, được phổ cập trong xã hội và lòng người từ nhiều thời nay.

Văn chiêu hồn của cụ Nguyễn Du có 184 câu. Sau 20 câu mở đầu đến câu thứ 21 là trích ngang lý lịch các thân phận âm hồn, cô hồn. Bắt đầu từ bậc vua chúa cứ ngỡ chỉ có may mắn và viên mãn:

Chí những lăm cất gánh non sông

Nhưng rồi:

Nói chi những buổi tranh hùng
Tưởng khi thất thế vận cùng mà đau

Câu thơ trên chỉ ra cái họa phúc khó lường của kiếp người cho dù ở cung bậc nào. Rồi nữa là "kẻ màn loan trướng huệ'' với bi kịch:

Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương
Người "mũ cao áo rộng" khi nằm xuống thì:
Kẻ thân thích vắng sau vắng trước
Biết lấy ai bát nước nén nhang,

Kẻ " bài binh bố trận" lại có ngày:

Mênh mông góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết nơi chốn nào
Kẻ khôn ngoan "tính đường chí phú" vậy mà có lúc vẫn phải chịu cảnh:
Khi nằm xuống không ai nhắn nhủ
Của phù vân có cũng như không
Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi…

Đấy là tầng lớp có của ăn của để. Còn nữa những tầng lớp cần lao chân lấm tay bùn. Những kẻ "vào sông ra bể":

Cánh buồm mây chạy xế gió đông
Gặp cơn dông tố giữa dòng
Đem thân chôn rấp vào lòng kình nghê…

Rồi kẻ "đi về buôn bán- Đòn gánh tre chín rạn hai vai", kẻ lỡ làng một kiếp "Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa", kẻ "nằm cầu gối đất - Rõi tháng ngày hành khất ngược xuôi…". Và những đứa "tiểu nhi tấm bé", kẻ "chìm sông lạc suối", "người sẩy cối sa cây". Rồi:

Có người leo giếng đứt dây
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành…

Nhiều nhiều nữa những nạn nhân làm thành một cộng đồng chúng sinh trong lời than đau như dao cắt của nhà thơ:

Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ
Họ là những cô hồn trong cảnh:
Sống đã chịu một bề thảm thiết
Ruột héo khô da rét căm căm
Dãi dầu trong mấy muôn năm
Thở than dưới đất ăn nằm trên sương
Nhà thơ đã khẩn cầu trước các âm hồn:
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi bồng trẻ dắt già
Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh…

Kinh đây là kinh của nhà Phật, kinh của lòng Nhân Từ, của sự Cứu một người phúc đẳng hà sa. Nguyễn Du thật duy vật khi viết về kiếp người qua số phận của các âm hồn, cô hồn. Cụ cũng nặng lòng thay mặt thơ ca mà nói lên nỗi thương cảm của một người đối với mọi kiếp người. Phải chăng các âm hồn, cô hồn ấy là phản chiếu của những phận người đang tồn sinh khi phải gánh chịu những bĩ cực ở đời do nỗi chung hay niềm riêng gây ra.

Nguyễn Du sinh năm 1765. Năm nay, kỷ niệm 245 năm sinh của Đại thi hào, thêm một lần đọc lại Văn chiêu hồn của cụ mà thấy trong con người tài hoa bậc nhất của thi ca Việt Nam này luôn đau đáu một chữ Tâm, một nỗi niềm nhân thế.

Không phải đợi đến ba trăm năm sau thiên hạ mới hiểu cụ như câu thơ chữ Hán cụ từng viết, mà từ lâu rồi những người có tấm lòng đã thấm đẫm nỗi cảm thông theo cuộc đời luân lạc của nàng Kiều qua tài hoa thơ cụ và cất lên như một khúc đau, một lời nhắc nhở và dặn bảo mình trong cái Tâm lớn trước con người cùng những nỗi buồn vui của kiếp người qua Văn chiêu hồn của cụ!

P.Q.
.
.
.