Giải mã từ các kho lưu trữ của Pháp:

Nhiều phát hiện mới về tranh dân gian Việt Nam

Thứ Năm, 28/02/2013, 11:13
Tối 26/2, lần đầu tiên, tại sân khấu kịch Idecaf TP HCM, thay thế những kịch mục sáng đèn, một hội thảo đặc biệt về tranh dân gian Việt Nam với những tiết lộ đặc biệt thú vị và bất ngờ của các học giả, giáo sư tiến sĩ người Việt Nam và Pháp được tổ chức bởi Viện Viễn đông bác cổ, Cơ quan phát triển Pháp tổ chức, có sự tham gia đông đảo của cả người Pháp lẫn người Việt.

Đây cũng là lần đầu tiên, những thông tin về bản thảo truyện Lục Vân Tiên bằng tranh, theo phong cách tranh dân gian Việt Nam, thực hiện từ thế kỷ 19 được công bố chính thức và dự kiến được xuất bản phục vụ các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu.

Trao đổi về tranh dân gian Việt Nam, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội sử học Việt Nam cho biết: Lâu nay, nhắc đến tranh dân gian, mọi người thường nghĩ đến sự tồn tại của tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh, tranh Hàng Trống ở Hà Nội. Thực tế, tranh dân gian Việt Nam rất phong phú...

Ngay trong triển lãm tranh dân gian Việt Nam do Viện Viễn đông bác cổ, Cơ quan phát triển Pháp đồng tổ chức vừa khai mạc ngày 26/2 tại thư viện Idecaf cũng tiết lộ những thông tin rất mới và thú vị về tranh dân gian Việt Nam.

Với đặc tính tranh được dập từ các tấm ván khắc rồi tô màu trang trí, đôi khi chú thích bằng bút lông, tranh dân gian được sản xuất hàng loạt bằng phương pháp thủ công, phổ biến rộng, giá thành không cao. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, có những làng, những con phố chuyên làm các bức tranh này ngày càng nổi tiếng bởi độ phong phú và tinh xảo về họa tiết, kỹ thuật tô màu quét hay tô màu bằng bút lông.

Có thời điểm trước chiến tranh, ngày gần Tết, số lượng tranh được sản xuất có khi lên đến 2 triệu bản. Người ta ước tính, có tới 2.000 loại khác nhau. Tuy nhiên, tính chất mỏng manh, dễ rách của loại giấy làm tranh này cộng với sự lôi cuốn theo hướng hiện đại đã dần dần xếp loại hình nghệ thuật tranh dân gian vào di tích của quá khứ...

Cùng với các thông tin về tranh dân gian Việt Nam, trong khuôn khổ hoạt động, khá nhiều tranh dân gian được trưng bày theo từng chủ đề: tranh mô tả các sinh hoạt đời thường, khai thác từ Truyện Kiều của Nguyễn Du cho đến vẽ phỏng theo nội dung các câu ca dao, tục ngữ Việt Nam...

Bản thảo truyện Lục Vân Tiên bằng tranh vẽ trong khoảng 1915 - 1919 được giới thiệu lần đầu tiên tại Idecaf, TP HCM.

Nhưng, thu hút sự chú ý nhất là khung tranh giới thiệu trang bản thảo truyện Lục Vân Tiên bằng tranh dân gian do đại úy Eugene Gilbert, một người Pháp mê tranh dân gian Việt Nam thuê nghệ nhân Nguyễn Đức Trạch, người Huế thực hiện phần lớn. Một số trang cuối do một nghệ nhân khác thực hiện.

Các trang bản thảo Lục Vân Tiên bằng tranh được triển khai từ năm 1915 đến 1919. Sau này về nước, ông tặng lại cho Viện Hàn lâm văn ký và mỹ văn Pháp. Cuốn bản thảo bị lãng quên cho đến tận năm 2011, khi Giáo sư Phan Huy Lê vinh dự trở thành viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm và được đi tham quan thư viện, tình cờ phát hiện trong số sách, tư liệu mà người thủ thư giới thiệu với ông. Bao gồm 53 trang giấy in và 282 trang có chữ Nôm ở giữa, xung quanh là tranh vẽ (tổng cộng khoảng 1.200 tranh vẽ), nếu được xuất bản, truyện Lục Vân Tiên bằng tranh dân gian có lẽ đã là một trong những truyện tranh đầu tiên của Việt Nam.

Được giới thiệu cùng với truyện Lục Vân Tiên bằng tranh dân gian ngày 26-2 còn có 2 công trình khác rất có giá trị về tranh dân gian do người Pháp tìm hiểu, thực hiện từ thế kỷ 19, 20: nguyên bản “Kỹ thuật của người An Nam”, tác giả Henri Oger xuất bản năm 1909 và “Tranh dân gian” của Maurice Durand. Được xác định là những công trình quý giá bởi  bộ sưu tập Tranh dân gian của Maurice Durand có đến hơn 400 bức, được sưu tầm, bảo quản khá tốt.

“Kỹ thuật của người An Nam” cũng được coi là nghiên cứu mới mẻ về văn minh vật chất của người Việt đầu thế kỷ 20, do Henri Oger đã cùng nhiều họa sĩ Việt Nam đi khắp các phố phường tìm hiểu, nghiên cứu. 4.000 tài liệu dưới dạng ký họa hình ảnh được thu thập mô tả cách thức, cử chỉ, công cụ, sản phẩm thủ công gắn liền với tên gọi địa phương... được tập hợp, chú thích. Tuy nhiên, cả hai cuốn sách này chỉ có 2 bản duy nhất được lưu giữ tại Hà Nội và thư viện khoa học tổng hợp TP HCM. Chúng không hề được chú ý khai thác trong suốt hơn một thế kỷ qua bởi chỉ được để dưới dạng tài liệu lưu trữ, rất ít người biết đến hoặc rất khó tiếp cận.

Theo thông tin từ Viện Viễn đông bác cổ và Cơ quan phát triển Pháp, để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tranh dân gian Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt nói chung, Pháp đã quyết định tái bản sách “Tranh dân gian Việt Nam” và “Kỹ thuật của người An Nam”.

Tập bản thảo truyện Lục Vân Tiên bằng tranh dân gian đang được lên kế hoạch xuất bản thành sách đồng thời tổ chức thành một dự án nghiên cứu riêng. Dự án hứa hẹn mở thêm nhiều điều thú vị về tranh dân gian Việt.

Về công tác bảo tồn, phát huy giá trị tranh dân gian Việt Nam trong đời sống hiện đại, Giáo sư Phan Huy Lê cũng chia sẻ rằng: dự án mới chỉ là bước đầu. Việc bảo tồn phát huy trong thực tế còn cần rất nhiều cuộc bàn thảo và sự nhập cuộc của nhiều cơ quan, cá nhân khác trong thời gian tới

Hoa Nguyễn
.
.
.