Nhiều lý do để yêu Premier League

Thứ Tư, 08/04/2009, 09:37
"Liverpool thắng hay thua?"; "Manchester United ăn bàn phút chót à?", đó là những câu hỏi mà bạn có thể bắt gặp từ một quán café cóc cho đến nơi công sở, từ miệng của một em nhỏ cấp 2 cho đến một ông già đã đi qua 70, 80 "cái xuân xanh" trên dải đất hình chữ S.

Quả thật, ở Việt Nam chúng ta, những "khái niệm" về M.U, về Liverpool, về Arsenal, về giải vô địch nước Anh từ lâu đã trở nên thân quen lắm. Nhưng đã bao giờ bạn hỏi: Giữa vô vàn các giải bóng đá lớn nhỏ của nhân loại này, vì sao người Việt Nam lại thích giải Anh và cuồng mộ giải Anh?

Tính cống hiến

Tất cả những ai có chút hiểu biết về bóng đá hẳn đều biết rằng so với các giải VĐQG khác ở châu Âu hay Nam Mĩ - những khu vực bóng đá phát triển nhất thế giới thì giải VĐQG Anh có tính cống hiến cao hơn hẳn.

Giải VĐQG Anh luôn luôn sôi động.

Từ lâu, người Anh đã đưa ra lý thuyết bóng đá "Kick & Rush", nghĩa là "đá và chạy". Theo lý thuyết này thì cầu thủ khi ra sân phải chạy liên tục, chạy không ngừng. Và chính nhờ cái việc "chạy, chạy và chạy" đó nên các trận đấu ở Anh luôn diễn ra rất phóng khoáng, với rất nhiều pha bóng đẹp.

Ngày nay, lý thuyết cổ điển "Kick & Rush" tuy không còn được áp dụng đúng với 100% tính chất của nó nhưng về cơ bản, các trận đấu tại giải ngoại hạng Anh vẫn đầy tính cống hiến. Ở đó, từ những đội bóng mạnh nhất như M.U, Arsenal hay Liverpool cho đến những đội bóng yếu nhất như Sunderland hay Middlesbrough đều mang tư tưởng "đôi công".

Trong số 20 đội bóng tại giải ngoại hạng Anh hiện tại, chỉ có duy nhất Chelsea là trung thành với lối chơi phòng ngự. Nhưng một mình Chelsea vẫn không thể phá vỡ được vẻ đẹp và tính cống hiến mà phần còn lại của Premier League mang lại.

Sự trong sáng

Không ngoa khi nói rằng các trận đấu bóng ở Anh mang tính trong sáng cao hơn bất cứ một quốc gia nào khác. Ở Italia người ta có thể dễ dàng tìm ra những trận đấu có dấu hiệu "móc ngoặc", hoặc những trận đấu mà một đội khi đã hết mục tiêu thường chủ động "nằm" cho một đội vẫn còn mục tiêu phấn đấu.

Nhưng ở Anh, gần như không bao giờ có chuyện này. Ở Anh, một đội dù đã chắc chắn xuống hạng nhưng khi ra sân vẫn quyết chơi hết mình, và "chơi để thắng" để phục vụ khán giả một cách cao nhất.

Chính vì tính trong sáng đó mà ở giải Anh thường có những cú "đào thoát" rất ngoạn mục. Ví dụ điển hình nhất là một năm về trước, trong một bối cảnh mà CLB Bolton Wanderers tưởng như đã xuống hạng đến nơi nhưng cuối cùng, nhờ sự quyết tâm của mình, và sự trong sáng đến từ những chiến thắng của những đội bóng "đã xuống hạng" mà rốt cuộc họ vẫn trụ hạng thành công.

Những tác động của hệ thống báo chí

So với các tờ báo thể thao ở Italia, ở Tây Ban Nha hay Pháp, Đức, báo chí thể thao ở Anh không hơn về số lượng. Thế nhưng báo chí Anh lại vượt trội ở phương diện "lá cải", để rồi từ đó có rất nhiều câu chuyện hấp dẫn về các cầu thủ, các HLV được thêu dệt. Thậm chí ở Anh có cả chuyện các cầu thủ ký hợp đồng làm việc với một tờ báo để chủ động dựng lên một câu chuyện kịch tính nào đó.

Cách đây chưa lâu, tờ The Sun (Anh) đăng một loạt bài nhiều kỳ về chuyện "thần đồng" Rooney và cô người yêu của anh ta giận dỗi nhau. Kết quả là người yêu Rooney liền vứt cái nhẫn hứa hôn của mình vào khu bảo tồn sóc đỏ. Thế là Rooney phải thuê người săn lùng cả khu bảo tồn này. Theo phản ánh của tờ báo kia thì không loại trừ khả năng người ta phải mổ bụng những con sóc vì sợ rằng nó đã nuốt chiếc nhẫn.

Những câu chuỵện ly kỳ kiểu này khiến cho cầu thủ Anh nói riêng và giải chuyên nghiệp Anh nói chung được khuếch trương rất lớn. Nhưng ở đây, phải mở ngay ra một dấu ngoặc: Rooney và The Sun đã ký một hợp đồng cam kết hẳn hoi, trước khi cùng nhau "dựng" lên câu chuyện không có thật này.

Khả năng tự quảng bá thương hiệu

Người Anh rất có ý thức về việc "tự quảng bá thương hiệu" giải VĐQG của mình. Trước đây, họ đưa ra ý tưởng "Games 39", có nghĩa là tổ chức thêm một vòng đấu ở một quốc gia khác. Sau khi ý tưởng này bị những nhân vật bảo thủ phản đối, hiện tại, người Anh lại nung nấu ý tưởng tổ chức một giải "mi-ni cúp" theo dạng luân phiên ở các quốc gia hâm mộ các CLB của mình.

Ở góc độ truyền hình, trước mỗi một mùa giải, những nhà tổ chức của Premier League và các CLB phải ngồi lại cùng nhau để thống nhất những vấn đề như: tiền bản quyền truyền hình, giờ phát sóng các trận đấu. Nhờ sự thống nhất rất khoa học này mà các trận đấu ở Anh được truyền trực tiếp theo các múi giờ khác nhau, phù hợp với từng vùng khác nhau trên thế giới.

Vậy nên mới có một nhà báo Anh bình luận như sau: "Trước đây, người ta vẫn nói, mặt trời không bao giờ lặn ở nước Anh. Giờ đây, chúng tôi muốn nói: Mặt trời không bao giờ lặn ở Premier League".

Nên nhớ rằng, ở Tây Ban Nha, chuyện các CLB lớn như Real và Barcelona mà ngồi lại với nhau để cùng nhau thống nhất về "vấn đề truyền hình" kiểu như thế này là điều không bao giờ có.

Ngôn ngữ Anh - ngôn ngữ đại chúng

Một trong những nguyên nhân khiến người Việt Nam nói riêng và người hâm mộ bóng đá thế giới nói chung ham mê giải Anh nằm ở vấn đề ngôn ngữ. Ai cũng biết, ngôn ngữ Anh là ngôn ngữ toàn cầu. Thế nên qua các nguồn, các kênh khác nhau, đặc biệt là qua "kho dữ liệu khổng lồ Internet", việc truy cứu thông tin về giải Anh diễn ra dễ dàng hơn bất cứ một giải đấu nào khác.

Tính lịch sử của giải Anh tại Việt Nam

Năm 1994 - 1995, lần đầu tiên khán giả truyền hình Việt Nam được xem các bản tin bóng đá quốc tế tổng hợp vào đêm thứ bảy hàng tuần. Những bản tin ấy phần lớn đều đề cập đến những diễn biến ở giải ngoại hạng Anh.

Chính vì vậy, trong lịch sử truyền hình các giải bóng đá châu Âu ở Việt Nam thì giải Anh chính là giải đấu được đề cập tới đầu tiên. Và đấy là một nguyên nhân vô cùng quan trọng khiến người Việt Nam đến tận bây giờ vẫn hâm mộ giải Anh, và coi giải đấu này giống như một phần không thể thiếu trong đời sống giải trí của mình

Diệp Xưa
.
.
.