Sau 3 năm thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”:

Nhiều khó khăn trong quá trình triển khai

Thứ Năm, 28/08/2014, 10:45
Tại Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án 1270 “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Theo đúng lộ trình triển khai, đề án đã đi gần hết giai đoạn 1 (2011 - 2015), song theo lời phát biểu của đại diện lãnh đạo Vụ Văn hóa Dân tộc tại cuộc họp tổng kết tình hình nhiệm vụ VH-TT-DL 8 tháng đầu năm 2014 (Bộ VH-TT&DL) mới đây, thời gian thực hiện đề án vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc cho biết: “Mục tiêu của Đề án 1270 là ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ít người, đặc biệt là các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình”. Cụ thể, đối với 17 dân tộc thiểu số có số dân dưới 5.000 người và 10.000 người đã có Dự án Hỗ trợ bảo tồn khẩn cấp làng, bản văn hóa tiêu biểu với những cơ chế đặc thù để triển khai bảo tồn toàn diện truyền thống các tộc người này. Trong 8 tháng đầu năm 2014, Bộ VH-TT&DL và Vụ Văn hóa Dân tộc đã triển khai phục dựng lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số dưới 5.000 người (5 lễ hội) tại các tỉnh Tuyên Quang, Lai Châu, Nghệ An và Kon Tum.

Ngoài ra, lãnh đạo Vụ Văn hóa Dân tộc cũng cam kết mục tiêu và 6 dự án thành phần trong việc triển khai đề án sẽ được tiếp tục phát huy và củng cố chặt chẽ khi thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW ban hành ngày 9/6/2014). Việc triển khai thực hiện Đề án 1270 sẽ được đưa vào thành nội dung quan trọng trong chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ VH-TT&DL về việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc trong thời gian tới.

Theo Quyết định phê duyệt Đề án 1270 của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí triển khai thực hiện đề án dự kiến là 1.512 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách Nhà nước (Trung ương và địa phương), lồng ghép với các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xã hội hóa và nhân dân đóng góp. Phần lớn kinh phí này được sử dụng cho nhiệm vụ chiến lược cơ bản đưa các dân tộc thiểu số rất ít người ra khỏi tình trạng cần phải bảo vệ khẩn cấp về văn hóa của giai đoạn 1.

Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số cần một lộ trình lâu dài, bền vững.

Ông Hoàng Đức Hậu cho biết, việc làm thế nào để đề án mang tính khả thi, đạt được tất cả các mục tiêu đã vạch ra luôn là mối quan tâm, trăn trở của các cấp, các ban ngành liên quan. Tuy nhiên, công tác thực hiện đề án gặp phải những khó khăn trong việc chưa có một kênh kinh phí riêng để đẩy mạnh triển khai 6 dự án thành phần.

Dù Bộ VH-TT & DL đã có những buổi làm việc trực tiếp cũng như bằng văn bản với các Bộ, ban ngành có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính,... để yêu cầu thành lập và cung cấp một kênh kinh phí riêng phục vụ việc triển khai Đề án 1270 song vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Các dự án và chương trình hoạt động nằm trong Đề án 1270 vẫn phải lồng ghép với các chủ trương khác của Chính phủ theo chỉ đạo chung. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Văn hóa là một trong những nguồn vốn Đề án 1270 được chỉ đạo lồng ghép để bảo tồn lễ hội truyền thống của các dân tộc. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn, Chương trình Mục tiêu Quốc gia chỉ kéo dài đến năm 2016. Do đó, sẽ nảy sinh những vấn đề trở ngại trong công tác lồng ghép để bảo tồn hoạt động lễ hội truyền thống và các dự án khác.

Ngoài ra, trong đề án có dự án số 2 “Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” do Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, các địa phương có thủy điện, thực hiện trong giai đoạn 2011-2020. Trong dự án có nội dung Nhà nước đầu tư 100% cho việc bảo tồn khẩn cấp và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Song theo ông Hậu, dù có điều khoản được phép sử dụng ngân sách để tổ chức văn hóa cho đồng bào nhưng trên thực tế, sự hỗ trợ kinh phí từ phía Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu cần đạt được ở giai đoạn 1 của Đề án 1270 là mỗi huyện, vùng dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển ít nhất một nghề truyền thống hoặc hoạt động du lịch đặc trưng góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là dự án cần triển khai và đầu tư lâu dài cả về quy mô và chất lượng bởi muốn phát triển ngành nghề cổ truyền hay giới thiệu những nét đẹp văn hóa vốn có của dân tộc cho bạn bè trong và ngoài nước thì trước tiên phải xây dựng được một không gian văn hóa đặc trưng của cộng đồng. Tuy nhiên, do những thiếu hụt trong nguồn kinh phí để hỗ trợ các dân tộc thiểu số bảo tồn, duy trì, phát triển văn hóa cùng với những khó khăn về địa hình, trình độ dân trí, trình độ phát triển kinh tế của các dân tộc ở những vùng miền này còn thấp đã gây nhiều cản trở trong quá trình triển khai dự án

Thủy Hiền
.
.
.