Nhiều hoạt động đặc sắc trong lễ hội làng nghề dệt Vạn Phúc - Hà Đông

Thứ Sáu, 22/02/2013, 22:51
Sáng 21/2, trong khuôn khổ Tuần văn hoá làng nghề lụa Vạn Phúc (diễn ra từ ngày 19 đến 25/2/2013) phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ rước truyền thống làng nghề dệt lụa.

Làng Vạn Phúc bên dòng sông Nhuệ đã hình thành từ hơn nghìn năm; xưa có tên là Vạn Bảo, vốn là trang Vạn Bảo, thuộc xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Sơn Nam; nay thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội…

Tổ nghề dệt của Vạn Phúc là Ả Lả, một người phụ nữ tài sắc đã có công dạy dân canh cửu, tầm tang từ nửa cuối thế kỉ thứ IX; sau khi mất, bà được nhân dân thờ phụng, tôn làm Thành hoàng làng. Các triều đại phong kiến Việt Nam sau này đều có sắc phong cho phép thờ phụng, cấp tiền tu sửa đình, miếu.

Lễ rước truyền thống làng nghề lụa Vạn Phúc.

Trải qua hơn 1.000 năm xây dựng và phát triển, người dân Vạn Phúc đã hình thành nên truyền thống đoàn kết, sáng tạo, chăm chỉ làm ăn; như thần phả của làng đã ghi: “Dùng nhân nghĩa để cố kết lòng người/ Lấy hoà mục yên vui để xây nên mỹ tục”. Đặc biệt, Vạn Phúc trở thành an toàn khu trước và trong kháng chiến chống Pháp, là nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946).

Trong lễ rước trọng thể, đại diện các tầng lớp nhân dân đã cung kính rước kiệu thờ Thành hoàng làng, các sắc phong, hình Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; các sản phẩm lụa tượng trưng cho tinh hoa nghề dệt của Vạn Phúc…

Cũng trong tuần lễ Tuần văn hoá làng nghề lụa Vạn Phúc, còn diễn ra nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc như: công bố cụm cây di sản Việt Nam, múa rối nước, lễ Thành hoàng làng, hội thi chim, hoa cây cảnh…

Duy Hiển
.
.
.