Nhiều bức tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái lần đầu ra mắt công chúng

Thứ Bảy, 28/06/2008, 14:34
Sau hơn 2 thập kỷ, một triển lãm tranh của danh họa Bùi Xuân Phái với tên gọi "Bùi Xuân Phái - con đường hội họa" mới lại được ra mắt công chúng, do gia đình họa sĩ tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông (24/6/1988 – 24/6/2008).

Nhưng triển lãm lần này còn thêm ý nghĩa khi diễn ra tại chính căn nhà danh họa đã từng sống và làm việc gần như suốt cuộc đời: 87 phố Thuốc Bắc, Hà Nội.

Lần đầu tiên, nhiều bức họa của Bùi Xuân Phái chính thức lần đầu ra mắt công chúng, như các bức vẽ khỏa thân, tranh chèo, mà vì nhiều lý do khách quan, trong triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ năm 1984, Bùi Xuân Phái đã không đưa ra.

"Phố Hàng Thiếc" cũng là một bức vẽ phố cổ Hà Nội cũ nhất của danh họa, từ năm 1952, với đầy đủ họ tên ông bên góc phải. Đây là bức tranh đã được nhà văn Nguyễn Tuân treo ở phòng khách hàng chục năm.

Cũng trong triển lãm này, những bức vẽ đầy tâm trạng của ông trong năm tháng cuối đời cũng đã xuất hiện: bức tự họa với dòng chữ của chính ông: "Bây giờ chỉ cần nhất là có sức khỏe và không bệnh tật gì".

Đặc biệt, có một bức vẽ không nhiều người được biết với những nét chữ và bức vẽ cuối cùng của ông. Đó là khi nằm trên giường bệnh, ông đã vẽ bàn chân của mình với chai huyết thanh và viết dòng chữ cuối cùng trước khi chia xa cuộc đời: "Trong lúc ốm đau thời gian đi cực kỳ là chậm, nhất là đêm gần về sáng".

Và như nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn bày tỏ những suy nghĩ về người thầy lớn của nền mỹ thuật Việt Nam: "Suốt cả cuộc đời, hội họa chưa bao giờ làm Bùi Xuân Phái thỏa mãn. Với ông, con đường sáng tạo gần như không có kết thúc và trên thực tế, nó chưa đạt đến độ đồ sộ như ông mong muốn. Song ông đã đi trọn một vòng hào quang rực rỡ và là một trong những danh họa bậc nhất của lịch sử hội họa Việt Nam thế kỷ XX"

Thanh Hằng
.
.
.