Nhật ký Đặng Thùy Trâm đến nước Nga

Thứ Tư, 25/07/2012, 12:21
Dự định nung nấu của những người trẻ yêu mến Đặng Thuỳ Trâm, mong mỏi đưa văn học Việt Nam đến với nền văn học Nga sẽ thành hiện thực khi cuốn sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" được ra mắt tại Nga vào 2/9 tới đây.

Một năm vèo trôi, thời gian không đủng đỉnh, núi công việc đồ sộ đã chu toàn, hoàn tất, những người từng lặng im tự hứa trước vong linh người nữ bác sỹ Anh hùng, Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã có thể cho phép mình được thanh thản. Nguyện ước ấp ủ bấy lâu hoàn thành, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Nga đã ra mắt ấm cúng tại Hà Nội trong những ngày cuối tháng 7 nặng nghĩa tình và ầm ào bão giông mưa nắng.

Dự định nung nấu trong đầu ngay từ đầu tiên đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ước mong càng thúc bách hơn trong dịp cùng gia đình đi tìm mộ người anh vợ hy sinh tại Quảng Trị giữa mùa hè đỏ lửa năm 1972, Ngô Viết Tuấn, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ may Thăng Long ở Matxcơva đã bộc bạch với chủ nhiệm Đỗ Quý Dương và Phó chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Cường ý tưởng dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Nga để tặng cho độc giả xứ xở Bạch Dương.

Những người trẻ, đều sinh ra sau chiến tranh, biết đến chiến tranh chỉ bằng ký ức của thế hệ đi trước đã tìm được sự đồng thuận nhanh chóng, lên kế hoạch tài trợ dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Nga. Thoạt đầu, họ định nhờ nữ dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền chuyển ngữ, nhưng cái duyên tình cờ khiến họ gặp Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, một cựu giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội nhiều năm mưu sinh lập nghiệp ở Nga. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cũng âm ỉ từ lâu khao khát được đưa Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Nga đến với dân tộc Nga, một dân tộc có những người dân đam mê đọc sách, nơi mà theo ông, lâu lắm rồi chưa có tác phẩm văn học nào của Việt Nam được giới thiệu.

Giữa rất nhiều tên tuổi xứng tầm nhà Việt Nam học ở Nga, ê kíp thực hiện đã “chọn mặt gửi vàng”, nhờ GS-TS Sokolov đảm nhận trọng trách chuyển ngữ. GS-TS Sokolov mời thêm TS Lê Văn Nhân, giảng viên Đại học Hà Nội, đang tham gia giảng dạy tại Nga cùng chia sẻ gánh nặng khó khăn.

Lễ ký kết thỏa thuận dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm giữa Câu lạc bộ may Thăng Long và GS-TS Sokolov diễn ra trong tuần lễ mừng Quốc khánh 2-9 tại Sứ quán Việt Nam tại Nga, dưới sự chứng kiến của Đại sứ Nga Phạm Xuân Sơn và đại diện cộng đồng người Việt tại Nga...

Ngày định sẵn 27/7 cận kề, Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga xuất hiện đúng dịp lễ trọng, được thành kính đặt trên bàn thờ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm tại ngôi nhà có ban công ngoảnh ra hồ Đội Cấn của gia đình chị và trình làng trong sự thở phào nhẹ nhõm của người trong cuộc.

Chiều 23/7, một ngày trước khi lễ ra mắt Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga với tựa đề Nhật ký của nữ bác sỹ trong chiến tranh được tổ chức tại Thư viện Hà Nội, nhóm bạn trẻ từ Nga trở về cùng em gái chị Thùy đã một lần nữa tới viếng mộ người nữ bác sỹ “mãi mãi tuổi xuân”. Họ đã thành kính hóa một cuốn sách nồng đượm mùi mực, gửi xuống cho chị Thùy, một chút hãnh diện thầm kín ngầm báo với chị rằng, lời hứa ngày nào nay đã thành hiện thực.

Bà Doãn Ngọc Trâm, 91 tuổi, vẫn tinh anh và nhanh nhẹn, ánh mắt lấp lánh niềm vui, luôn miệng cười mà nhắn nhủ, có bản sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Nga là ao ước từ lâu của bà và các con gái, những cô em bé bỏng ngày nào của chị Thùy. 3.500 bản sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm tiếng Nga dự kiến được gửi tặng Hội Cựu chiến binh Nga, Quỹ Hòa bình Nga, các trường phổ thông ở Liên bang Nga và nhiều, rất nhiều những người dân Nga vẫn một lòng yêu mến Việt Nam.

2/9 năm nay, Câu lạc bộ may Thăng Long và ê kíp của mình sẽ tổ chức buổi ra mắt Nhật ký Đặng Thùy Trâm tại quê hương của nàng Suliko, người con gái từng sống trong tâm tưởng chị Thùy qua bài hát cùng tên. Nhật ký Đặng Thùy Trâm lên đường sang nước Nga, nhân dân Nga sẽ thêm cơ hội giúp hiểu thêm về một người phụ nữ Việt Nam bình dị, một bác sỹ, một trí thức đã sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc và giữ lại cho mình “mãi mãi tuổi 20”

Mi Sol
.
.
.