Nhân ngày giỗ Trịnh

Chủ Nhật, 03/04/2011, 15:48
Có lẽ Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều đĩa nhất Việt Nam xưa nay và tên anh luôn gắn liền với những đĩa nhạc đắt hàng nhất xưa nay. Nhưng cũng có một sự thực là những tiếng nói khẳng định Trịnh Công Sơn trong giới nhạc sĩ chưa nhiều.

Hơn một tuần, báo chí ngày nào cũng nhắc đến Trịnh Công Sơn. Nhân 10 năm ngày mất của ông, ở rất nhiều nơi, không chỉ trong nước mà cả ngoài nước, những người yêu Trịnh Công Sơn đã tổ chức những đêm nhạc, những buổi giao lưu, in sách của ông và về ông, xin không nhắc lại. Nhân chuyện này, tôi chỉ muốn nói một vài suy nghĩ của mình về hiện tượng Trịnh Công Sơn để cùng ngẫm ngợi với nhau.

Vì sao Trịnh Công Sơn có nhiều người mến mộ đến vậy? Yêu ông có nhiều nghệ sĩ, nhiều thức giả không ai nghi ngờ gì về học thức, đức độ, uy tín xã hội và cả những người dân thường, rất ít liên quan đến văn học nghệ thuật. Có những quan chức, những người lính trong chế độ cũ và cả những người chiến sĩ, suốt đời hi sinh, thậm chí hi sinh cả xương máu cho dân tộc, đất nước. Có những người từng trải qua vài ba cuộc chiến tranh, nếm đủ buồn vui cay đắng của cuộc đời nhiều thăng trầm và cả những em bé ngây thơ còn đang trong vòng tay bố mẹ, ngày hai buổi đến trường.

Tôi đã nghiệm ra, không chỉ trên sóng truyền hình, phát thanh có hàng chục triệu người nghe, người xem mà ngay nơi thôn cùng xóm vắng giữa những người ít học và tưởng chừng như không có âm nhạc cũng không sao, khi nhạc của Trịnh cất lời thì tất cả im lặng, chia sẻ và say mê. Kể cả sinh thời lẫn khi Trịnh Công Sơn đã mất 10 năm, đĩa nhạc của Trịnh vẫn được sản xuất liên tục và ngày càng bán chạy, chưa kể các hàng quán, các khuôn viên mang tên ông, chuyên chơi nhạc của ông xuất hiện ngày một nhiều. Có lẽ Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều đĩa nhất Việt Nam xưa nay và tên anh luôn gắn liền với những đĩa nhạc đắt hàng nhất xưa nay.

Tôi đã may mắn được một anh lái xe của Báo Thanh Niên tặng một đĩa CD 100 bài hát của Trịnh Công Sơn do chính anh sưu tầm và tôi vẫn giữ chiếc đĩa đó cho tới hôm nay. Lòng yêu mến ấy chỉ có thể giải thích bởi Trịnh Công Sơn đã hát lên nỗi mong manh, tạm bợ của kiếp người; nỗi cay đắng trong tình yêu, trong đau thương mất mát, trong nỗi cô đơn bằng một trái tim khao khát sống và tin yêu cuộc sống. Qua cả trăm ca khúc của mình, Trịnh đã thể hiện trước cuộc đời một tấm lòng nhân ái, luôn yêu thương, luôn tha thứ, luôn khuyên nhủ hãy lau khô dòng nước mắt, luôn nhặt nhạnh niềm vui vì con người muốn sống, cần trước hết là những niềm vui.

Và Trịnh yêu quê hương Việt Nam bằng một tình yêu khiến bất cứ ai cũng cảm động. Trịnh phát hiện ra trong cuộc sống Việt Nam những vẻ đẹp ta chưa để ý, thổi vào trong tiếng Việt vẻ đẹp ta không ngờ, trao cho âm nhạc Việt Nam vẻ đẹp giản dị, đầy chất thơ. Nghĩa là Trịnh tôn thờ cái đẹp và bằng trái tim mình, khai sáng cho nhiều người về cái đẹp, trước hết là cái đẹp của quê hương và con người Việt Nam. Nói cho cùng, tôn vinh cái đẹp, tôn vinh cuộc sống và con người là mục đích cao quí nhất của nghệ thuật.

Nhưng cũng có một sự thực trong những ngày này, đó là những tiếng nói khẳng định Trịnh Công Sơn trong giới nhạc sĩ chưa nhiều. Tôi tin các anh vì phẩm chất của mọi nghệ sĩ đích thực là vị tha, quảng đại. Nhưng có lẽ các anh bằng sự im lặng của mình, muốn kêu gọi sự công bằng trong công chúng. Đúng là giới nhạc sĩ Việt Nam, ít nhất là từ khi có nền tân nhạc đến nay, có rất nhiều người tài, không thua kém hoặc còn hơn Trịnh. Cũng đúng là về công lao với nền âm nhạc và với cả vận mệnh của đất nước, nhiều người trong số các anh đã đóng góp rất lớn.

Nói đến nền âm nhạc, ít ra là ca khúc Việt Nam không thể không nhắc đến những tên tuổi như Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Hoàng Việt tiếp đến là Phạm Tuyên, Trần Hoàn, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Hiệp, Doãn Nho, Huy Thục, Thuận Yến và rất nhiều người khác sau này. Các anh xứng đáng được tôn vinh như Trịnh hoặc hơn Trịnh nhưng vì sao trong mọi dịp kỷ niệm, ngay với kỷ niệm năm chẵn ngày mất, lại không được nồng nhiệt như với Trịnh. Phải chăng là…

Theo tôi, không có sự "Phải chăng là…" ở đây. Âm nhạc của các anh, kể cả cuộc đời của khá nhiều các anh luôn là gia tài quí báu của âm nhạc cách mạng, nói rộng ra là của âm nhạc nước nhà. Nó mãi mãi được tôn vinh, không chỉ trên các tượng đài mà ngay trong cuộc sống; không chỉ với người nhiều tuổi mà ngay trong lớp trẻ. Nó là những trang vàng lịch sử bằng âm thanh về một thời máu lửa, đau thương mà anh dũng của dân tộc. Nhưng cuộc đời không chỉ có máu lửa, nói một cách khác, máu lửa chỉ là một phần trong một giai đoạn nhất định của nó. Cuộc sống còn những cung bậc khác, như trong nhạc Trịnh. Việc quần chúng mở lòng ra đón Trịnh là một niềm vui chung của chúng ta. Nhạc và thơ không phải tự nguyện vót nhọn mình thành cây chông nữa, nó được mở ra trên nhiều góc độ, nhạc Trịnh và cả nhạc trẻ bây giờ

Thông Duy
.
.
.