Nhân hội thảo trường ca "Ngày đang mở sáng" của nhà thơ Trần Anh Thái: Thơ là...

Chủ Nhật, 20/01/2008, 20:05
"...Thơ kết hợp theo những đường đi của nó, vẻ đẹp là sự kết hợp tuyệt đỉnh, nhưng không lấy đó làm cứu cánh hoặc làm dưỡng chất duy nhất của mình. Không chịu tách rời nghệ thuật ra khỏi đời sống, cũng không chịu tách rời nhận thức ra khỏi tình yêu, thơ là chủ động, là đam mê, là sức mạnh và là sự làm mới thường trực di chuyển các ranh giới..." - S.J.Perse nói.

Vừa rồi tôi viết bài cảm nhận khi đọc trường ca "Ngày đang mở sáng" của Trần Anh Thái. Phần kết bài viết, tôi dẫn câu nói của nhà thơ Trần Anh Thái quan niệm về thơ như sau: "Thơ là máu chữ chứ không phải là phu chữ".

Việc thơ là máu chữ hay phu chữ sẽ chẳng là sự quan tâm đối với sáng tạo thơ ca, nếu như không xuất hiện một nhóm người tự cho là cách tân khi ở tuổi đã cao, tự đặt mình ở một đẳng cấp nào đó, và việc tự phong này được một số nhà thơ có thế lực bảo lãnh, được một số cây bút hăng hái hùa theo, tạo ra sự áp đặt độc tôn trên thi đàn như một giá trị tuyệt đối.

Để tránh những lối mòn, tôi chọn một cách đi vòng nhưng lại là con đường ngắn nhất thể hiện được chính kiến theo cách của tôi về vấn đề vừa nêu, tôi xin dựa trên kết quả khảo sát nghiên cứu của các nhà tâm lý học.

Theo các nhà tâm lý học, thì văn tự được khởi nguồn từ việc ghi lại tiếng nói của người vắng mặt; nghệ thuật (trong đó có thơ ca) sinh ra vì nó có tác dụng thay thế để thỏa mãn nhu cầu mà nền văn minh cổ xưa nhất, được cảm thụ sâu sắc nhất đã bị vứt bỏ. Do đó, tác dụng của nghệ thuật là điều hòa lợi ích cá nhân với những hy sinh của họ cho nền văn minh.

Mặt khác, thông qua việc tạo ra những cơ hội cùng nếm trải những tình cảm cực kỳ giá trị, sự sáng tạo nghệ thuật nâng cao tình cảm tự hào hết sức cần thiết đối với mỗi đơn nguyên văn hóa.

Cũng theo các nhà tâm lý học, trong đời sống con người các thôi thúc thuộc tình cảm hoạt động mạnh trong thời trẻ và mất dần khi về già, khi ấy chúng được thay thế bằng những lý luận.

Các kinh nghiệm được trải qua ban đầu sung sướng hơn các kinh nghiệm sau chót, và thôi thúc của con tim luôn đi trước các thôi thúc của trí óc. Sự thôi thúc của tình cảm là biểu hiện của một nhu cầu mãnh liệt thì nó chính là một nguồn năng lượng.

Con người là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ, tất cả các thôi thúc thâm nhập xuyên qua họ, cũng như các năng lực tốt hay xấu. Hình ảnh các thiên thần là sự nhân hóa các tình cảm; các ác thần là sự nhân hóa các lý luận và nguồn gốc của chúng nằm ở trung tâm tâm lý của trí óc.

Mặc dù một thôi thúc xuất phát từ con tim cũng có thể biến đổi thành lý luận trong trí óc. Những tư tưởng gieo cấy vào tâm thức con người có thể ảnh hưởng trọn vẹn đến nội dung tinh thần người ấy.

Như vậy, theo kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý học thì nghệ thuật (trong đó có thơ ca) được sinh ra vì hạnh phúc của con người với tác dụng đặc biệt của nó đối với đời sống tinh thần, các thôi thúc thuộc tình cảm là một trong các yếu tố nguồn gốc tạo ra các giá trị chân, thiện, mỹ.

Nghệ thuật sinh ra như một phương pháp chuyển dịch năng lượng bản năng đối tượng, thông qua sự thăng hoa của bản năng, với mục đích khắc phục nỗi đau khổ mà con người luôn phải chịu đựng trong cuộc sống quá gian khó, quá nhiều đau khổ, nỗi thất vọng và nhiệm vụ không thể hoàn thành.

Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng, nghệ thuật và thi ca sinh ra cùng với nguồn gốc xuất hiện văn minh của loài người - Nó được sinh ra với nhiệm vụ và tác dụng cụ thể của nó đối với hạnh phúc của con người, chứ không phải sinh ra là để nghịch chơi.

Theo nhà khoa học vĩ đại Albert.Einstein: "Cảm xúc và khát vọng là động cơ của tất cả những nỗ lực và tạo tác của con người".

Nhà thơ pháp được giải Nobel Saint-John Perse tuyên bố: "Thơ để dự vào khúc hát cuộc hành trình đi quanh biển. Nhà thơ cùng có mặt với chúng ta trong lòng đường của những con người thời đại. Nhà thơ đi theo hướng thời đại chúng ta, đi theo hướng của ngọn gió lớn ấy. Công việc của nhà thơ giữa chúng ta là làm rõ nét các bức thông điệp. Sự giải đáp của nhà thơ là do tia sáng của trái tim ban cho. Không phải là văn bản mà chính ngay sự việc trong trạng thái tự nhiên của nó và trong toàn bộ".

Trong một bài thơ về loài chim trên biển, S.J.Perse đã hướng tới chân dung của nhà thơ, ông viết "Để nuôi dưỡng sự đam mê của mình, chim đã bí mật mang trong mình nhiệt độ cơn sốt cao của máu. Cái đáng yêu là sự tự đốt cháy ấy".

S.J.Perse còn nói: "Trung thành với nhiệm vụ của mình, là chính ở chỗ đi sâu vào cái huyền bí của con người, thơ hiện đại dấn thân vào một công trình mà sự theo đuổi cần có sự tập trung toàn diện của con người. Chẳng có gì gọi là đồng bóng trong một thứ thơ như vậy cả. Cũng chẳng có gì thuần thẩm mỹ. Thơ không phải là nghệ thuật của kẻ ướp xác hay của nhà trang trí.

Thơ không nuôi ngọc trai, không buôn bán những thần tượng hay những dấu hiệu, và không thể đành lòng chấp nhận một thứ lễ nhạc nào cả.

Thơ kết hợp theo những đường đi của nó, vẻ đẹp là sự kết hợp tuyệt đỉnh, nhưng không lấy đó làm cứu cánh hoặc làm dưỡng chất duy nhất của mình. Không chịu tách rời nghệ thuật ra khỏi đời sống, cũng không chịu tách rời nhận thức ra khỏi tình yêu, thơ là chủ động, là đam mê, là sức mạnh và là sự làm mới thường trực di chuyển các ranh giới".

Thơ ca là vậy, nhà thơ là như thế. Nhà thơ không thể biến mình và biến thơ ca thành kẻ lạm dụng ý nghĩa của từ ngữ tới khi nào làm mất hết ý nghĩa ban đầu của những từ ấy mới thôi.

Trong hành trình thơ ca, phu chữ đứng ở chỗ nào? Nó chỉ là một công đoạn của việc hoàn tất văn bản của nhà thơ, và không khéo nó sẽ là nơi sản sinh các hình ảnh của các ác thần.

Nói chính xác hơn, tôi thấy nó từa tựa giống một khái niệm của phân tâm học, đó là hành động "Tự luyến"

Dương Kiều Minh
.
.
.