Nhạc sỹ Thanh Tùng: 60 năm vẫn một mình

Thứ Hai, 28/04/2008, 11:37
Thanh Tùng, người đàn ông mang trên mệnh số ngôi sao cô đơn, sẽ đến với khán giả trong 3 đêm 2, 3, 4/5 của liveshow "Một mình", tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ông sẽ kể lại cuộc đời ông bằng âm nhạc. Trong đó, có những trang vừa mới viết, còn thơm mùi nắng của Hà Nội những ngày tháng 4…

Người đàn ông này đã có những năm tháng tuổi trẻ chọc trời khuấy nước, những niềm vui bất tận bên những người phụ nữ đẹp. Và có những năm tháng, âm nhạc của ông xuất hiện trên sóng phát thanh, trong quán cà phê và cả trong sàn nhảy. Nghĩa là sự xuất hiện của ông trên nhiều góc khác nhau của đời sống, tạo thành một thứ nhạc riêng có.

Thời gian đã làm đổi thay mọi sự. Giờ ông vẫn là ông già sành điệu, áo thêu hoa, giày hàng hiệu, nhưng cô đơn trên những chuyến bay một mình ở tuổi 60. Thanh Tùng, người đàn ông mang trên mệnh số ngôi sao cô đơn, sẽ đến với khán giả trong 3 đêm 2, 3, 4/5 của liveshow "Một mình", tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ông sẽ kể lại cuộc đời ông bằng âm nhạc. Trong đó, có những trang vừa mới viết, còn thơm mùi nắng của Hà Nội những ngày tháng 4…

Yêu nhiều viết nhạc mới hay…

Thanh Tùng thường ra Hà Nội, lần nào ông cũng chỉ ở tại khách sạn nằm trên phố Hàng Tre. Ông có những mối thâm tình ở thành phố này. Nhân viên khách sạn quen tên ông, thậm chí quen mặt cả những vị khách của ông nữa. Ông có nhiều bạn gái, mà toàn những cô gái đẹp. Không ai lý giải được những cô gái trẻ đẹp ấy yêu ông nhạc sỹ tự nhận mình là rất "ọp ẹp" này ở điểm gì. Chính Thanh Tùng cũng chưa bao giờ lý giải về điều đó. Nhưng họ yêu ông.

Từ khi vợ ông mất, ông trở thành chàng nghệ sỹ cô đơn và phóng túng. Nhưng vợ ông trước khi mất có hỏi ông một điều rằng: "Nếu em mất đi, anh có hứa là nuôi các con thành người và không cưới vợ mới không?". Thanh Tùng đã làm cả hai điều ấy. Nhưng các con ông thì không muốn ông có vợ mới, chỉ muốn ông có bạn gái mà thôi. Thế nên, khi chúng còn đang tuổi mới lớn, nếu thấy ông sống yên ổn với một phụ nữ nào đó khá lâu là chúng lại hoang mang, sợ ba sẽ có thêm vợ bé.

Ông thường kể về chuyện "yêu nhiều" của mình như một chuyện vui như vậy. Và ông nói, tình yêu giúp ông nuôi được những cảm xúc lâu dài trong âm nhạc. Những người phụ nữ ông yêu, đều chấp nhận cuộc sống không ràng buộc, hoàn toàn chỉ "yêu như là yêu thôi". Và họ đều hết lòng với ông. Có người giải thích rằng, vì ông nổi tiếng và giàu có. Nhưng nếu chỉ vì thế thì người ta chỉ gặp những cô gái có tính đào mỏ, chứ không thể có những người yêu đến mức "xin chết" xung quanh ông như vậy. Có thể cái hấp lực của người đàn ông này thuộc về cốt cách, như một thứ từ trường âm thầm lan tỏa, chỉ có thể cảm được mà không thể diễn tả.

Một chuyên gia đào luyện hoa hậu tại Hải Phòng tiết lộ, cô đã đào tạo cho một trong những người yêu của Thanh Tùng trở thành một hoa khôi. Thanh Tùng lái xe hơi đưa cô người mẫu đến để "tút" lại nhan sắc và chiều chuộng người đẹp của mình như một bà hoàng. Thanh Tùng nói đùa, "cô ấy cũng có nhiều kỷ niệm đẹp lắm, nhưng thôi, người ta giờ chồng con đầm ấm rồi, "tha" cho người ta".  Có người nói, còn một hoa khôi xứ cà phê cũng yêu Thanh Tùng tha thiết, sẵn sàng bỏ mọi thứ theo ông… Nhưng mọi chuyện đã dừng lại. Thanh Tùng cười tếu táo khi tôi nhắc đến tên một cô gái nào đó, đã từng là người ông yêu trong quá khứ. Họ đều đẹp hơn người thường…

Những bóng hồng không chỉ đến với ông trong đời thực, mà còn hiện diện, bằng cách này hay cách khác trong những ca khúc. Thế nên không khó giải thích khi ông hầu như chỉ viết những bản tình ca. Ông giờ đã tuổi 60, những bóng hồng đó có còn không? Và ông sẽ viết như thế nào về những tình yêu của mình?

- Thực ra tôi bệnh hoài, mệt mỏi. Không còn nghĩ đến các người đẹp nữa, cũng trên dưới chục năm rồi. Chả ai cấm cả. Người yêu quý tôi thì vẫn còn nhiều. Nhưng tự mình thấy mình không còn hứng thú những thứ đó nữa. Ngày trước tôi yêu nhiều lắm, yêu nhiều không phải để viết nhạc cho hay, mà là mình có nhiều hứng thú. Mà từ những cái hứng thú đó, nó cho mình cảm xúc thành thật để mà viết nhạc. Giờ tôi vẫn có thể viết về tình yêu tuổi ba mươi chứ, nó là của mình cả mà, mình trải nghiệm hết rồi. Nhưng tôi chưa cần đến điều ấy.

Tôi cũng không thể nói nhiều về những người con gái mà tôi đã yêu. Chỉ biết, ngày đó, sau khi tôi mất vợ, tôi có yêu một số người, nhưng tôi phải giải thích rõ và họ chấp nhận được những mối quan hệ không ràng buộc hôn nhân thì tôi mới dám tiếp tục. Tình yêu thì không có khi nào hơn cái nào, yêu ai cũng mãnh liệt, cũng không thể đem so vợ mình với những người phụ nữ sau đó, ai cũng có vị trí riêng cả. Chỉ biết rằng, tôi chưa bao giờ là kẻ phụ tình. Họ giờ cũng đều đã yên ổn cuộc sống của họ cả, đó là cái mừng vui…

Ngày trước, những bóng hồng còn là người thể hiện ca khúc của ông…

- Thì cũng có người như vậy, nhưng không phải là tất cả. Tôi vẫn nói, không yêu như thế làm sao viết được nhạc tình hay…

Nhưng có phải vì thế mà chục năm qua, như ông tự thấy, viết cũng nhiều mà bài hay chẳng bao nhiêu, là bởi… ông hết yêu?

- Cũng có thể như thế lắm chứ.

Vậy "Chuyện cổ Nghi Tàm" và "Hoa cúc vàng", hai ca khúc mới nhất của ông, viết về những điều gì?

- À, nó là về tình yêu, nhưng nó nghiêng về sự chiêm nghiệm của mình hơn. "Chuyện cổ Nghi Tàm" là ký ức đầy ắp của tôi ở đó. Ngày ấy đê Nghi Tàm nằm sát Hồ Tây, có hai hàng ổi găng dọc đường. Tôi và bà xã cùng đi học, đội mũ rơm, tôi thường leo lên đó hái trộm đầy mũ rơm, hai đứa cùng ăn. Chiều đi học về, hai đứa ngồi ngắm hồ, ngồi đó, yêu đó mà nào dám nói… "Hoa cúc vàng" là chuyện tình yêu, nhưng tôi là bông hoa cúc, còn người con gái ấy như mùa thu. Mùa thu thì mãi ở lại. Còn hoa cúc nở rồi tàn…

Tự hứa sẽ không bao giờ hèn

Thanh Tùng có nhiều năm tháng không vui trong đời. Ông nói, ông mang số "cô quả" nên từ năm lên 6 đến năm 60 vẫn sống cảnh một mình. Lên 6, ông ra Bắc, lớn lên học nhạc tại CHDCND Triều Tiên. Về nước, bắt đầu những ngày tháng lo toan cho cuộc sống khi mọi thứ còn rất bề bộn. Đã có khi hai vợ chồng ông rất nghèo. Rồi vợ ông mất, ông lại một mình nuôi các con nên người.

"Nên người là ít nhất cũng phải đậu đại học. Rồi muốn đi đâu thì đi, càng xa càng tốt. Pháp, Mỹ… gì đó cũng được" - Thanh Tùng nói. Đã có những năm tháng ông gặp những tình huống khắc nghiệt của cuộc sống. Và cũng có những khi, ông phải bươn chải mọi cách cho cuộc sống của mình được yên ổn.

Ông là người vất vả, trưởng thành từ vất vả, đi ra từ vất vả, nên có những khúc ca, dù viết cho con gái ông, nhưng vẫn đầy chiêm nghiệm: "Em đâu có biết lúc mặt trời sinh ra. Mặt trời là nước mắt suốt một đời mẹ cha. Khi em đã lớn, tuổi ngày càng nhiều thêm. Cạn khô dòng nước mắt, còn cuộc đời, cuộc đời buồn tênh"…

Khi ông kinh doanh được, ông đã âm thầm xây dựng một nhà trẻ tại phường Phúc Xá, Hà Nội, dành cho những trẻ em khó khăn và tài trợ số tiền khoảng 30 triệu đồng. Ở đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, đó là một gia tài. Ông nói, đó cũng là một cách ông tri ân với mảnh đất mà mình mang nợ quá nhiều.

Hiện giờ thì ông còn kinh doanh nữa không?

- Không. Tôi thôi lâu rồi. Tôi không phải là người kinh doanh giỏi. Tôi chỉ làm một nhạc sỹ mà thôi. Tôi nói, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, nhưng mình làm nghệ sỹ mình không được hèn. Mình không thể viết theo đơn đặt hàng, mình chiều theo ý người ta quá. Tôi chỉ viết theo cảm xúc của mình. Công việc hiện nay của tôi là âm nhạc.

Ông không hèn, vì ông không phải lo đời cơm áo. Có phải vì thế mà ông nói mạnh được?

- Tôi chỉ nói về tôi, chứ không nói hộ người khác được. Ai hèn ai sống như thế nào là quyền của họ. Bởi mỗi nhà mỗi cảnh mà. Nhưng tôi nói đó là tôi nói thật. Tôi không còn quá chú tâm đến tình yêu với phụ nữ như trước nữa thì tôi nói thẳng ra. Thế thôi…

Ông có nghĩ là mình đã không còn phong độ nữa nên tình yêu không còn nhiều?

- Tôi thì không nghĩ vậy. Nhưng giờ tôi yếu nhiều, bệnh tật, nên nó ọp ẹp đi. Bốn bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai lo giúp tôi nên sức khỏe mới đỡ như thế này chứ. Tôi đi đâu cũng có mang theo cái ba toong, lỡ mệt quá còn có cái mà chống. Hôm này liveshow phải nhờ các bác sỹ giúp cho mình khỏe thêm, mình ra sân khấu cho nó khá một tí. Mình còn sức đâu mà yêu nhiều. Giờ chỉ ước có cô y tá… ở bên giường, giúp mình mọi việc khi đau ốm.

Ông có nghĩ mình nên làm một chương trình tổng kết sự nghiệp sáng tác?

- Thấy tôi già yếu quá phải không? (cười). Ọp ẹp mới sống lâu đấy.

"Một mình" và mười năm

Đạo diễn Trần Bình kể, 10 năm trước, anh và nhạc sỹ Thanh Tùng làm chương trình "Lối cũ ta về" xuyên Việt. Anh cũng không ngờ được chương trình đó lại diễn ra và được ủng hộ như thế. Thanh Tùng mở đầu chương trình tại Hải Phòng vì anh muốn tri ân mảnh đất này. Đêm đó mưa lớn nhưng khán giả vẫn ủng hộ nhiệt tình. Và khi đêm nhạc vào tới miền Trung thì khán giả còn nồng nhiệt hơn nhiều.

Có một đêm lũ đầu nguồn ập về bất ngờ tại Quảng Trị, nước dâng không thể diễn. Ngày hôm sau, khi nhà văn hóa của thị xã Đông Hà là một căn nhà hoang tàn vì lũ nhưng đoàn vẫn quyết định biểu diễn. Và trong một ngày, 5.000 vé đã được bán hết. Khán giả lội bùn đứng dưới sân nhà văn hóa xem đêm nhạc Thanh Tùng…

Thanh Tùng nói: "Cái chương trình đó kết thúc là bài "Một mình", nên giờ mình lấy làm cái tên liveshow. Có thể show sau mình sẽ lấy tên bài cuối chương trình này để làm tựa. Chỉ mong nó không phải là 10 năm nữa, mà có thể sớm hơn. Tôi muốn làm ở Nhà hát Lớn vì ở Hà Nội, sân khấu đó phù hợp với âm nhạc của tôi. Và tôi muốn tri ân những khán giả của thành phố này, vì tất cả, nhưng trên hết là tình yêu mà họ dành cho những ca khúc của tôi".

Trò chuyện với nhạc sỹ Thanh Tùng, có cảm giác những bệnh tật và mệt mỏi của kiếp người không len lỏi được vào tâm hồn ông. Ông nói vui, nói tếu nhiều và cảm thấy ông chưa già như những gì ông từng nghĩ. Thế nên sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ngày mai, ông lại tiếp tục bước vào một cuộc tình mới, đam mê và quyến rũ hơn. Và cũng không có gì phải băn khoăn, nếu một thời gian ngắn sau live show này, ông lại có một live show những bài hát mới, đầy đặn và nồng nàn không kém…

Hoài Phố
.
.
.