Nhạc sỹ Phó Đức Phương: Tôi không phải là Don Quitoxe

Thứ Bảy, 03/12/2005, 08:46

Phó Đức Phương bây giờ không còn "mơ trên sóng" nữa, anh đang dính dáng đến chuyện… đi đòi tiền cho các nhạc sỹ. Thế nên, bản quyền luôn là đề tài anh hào hứng nhất khi trò chuyện. Anh  bảo, trước đây mình hướng nội tối đa, thấy bất công cũng âm thầm chịu, còn bây giờ thì mình phải đấu tranh đòi công bằng cho cánh nhạc sỹ…

- Có cảm giác như lúc nào anh cũng "sốt xình xịch" lên với chuyện bản quyền, vậy thì giờ nào anh dành cho sáng tác?

- Công việc bản quyền đã chiếm toàn bộ tâm trí tôi rồi, vì nó nặng nhọc và khó khăn vô cùng, không còn thì giờ đâu cho việc sáng tác. Tôi nhớ đợt sáng tác cuối cùng của tôi là năm 2004, sáng tác cho Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc, được cái giải "vàng đậm" rồi từ đấy là thôi luôn. Tất nhiên, một thằng nghệ sỹ như mình thì khó lòng có thể hy sinh sáng tác nếu không có một công việc nào đó lãng mạn, xúc cảm ngang tầm như thế.

- Nghĩa là cái chuyện đi đòi bản quyền cho các nhạc sỹ nó cũng lãng mạn ngang với sáng tác "Hồ trên núi" phải không anh?

- Tất nhiên chứ. Chuyện làm bản quyền có cả lãng mạn, nhạy cảm và dũng cảm, sáng tạo và hy sinh nữa. Năm 1995, chúng ta mới có quy định về Luật Sở hữu trí tuệ, vậy là quá chậm rồi. Nên không thể chậm trễ hơn được nữa, sống chết cũng phải làm bằng được, càng khó khăn càng phải quyết liệt. Cái lãng mạn là vì mình thực lòng nghĩ mình đang làm một việc đẹp đẽ, có thể đóng góp chút gì đó nhỏ bé cho sự phát triển của xã hội, cho nó văn minh lên.

- Thế nên anh cũng chẳng ngần ngại mà thế chấp ngôi nhà của mình để cho trung tâm bản quyền có thể hoạt động được? Người ta bảo anh là Don Quixote đấy…

- Thú thực là tụi tôi có đi vay, trước là vay nước ngoài, sau thì có trục trặc nên ngừng lại. 5 tháng anh em không có lương, tôi thấy không được nên tìm cách vay tiền và phải có thế chấp thôi. Vay trong nước thì trả xong rồi, còn vay ngoài nước họ chưa đòi, thế nên chả dại gì mà vội trả. Khi đi vay ai cũng nghĩ tôi liều lĩnh, hoang tưởng và là một dạng Don Quixote, nhưng tôi tin vào những việc mình làm.

- Vâng, bảo vệ quyền tác giả là công việc cần thiết của một xã hội văn minh, nhưng đến nay cách thu phí bản quyền âm nhạc vẫn khiến các đơn vị sử dụng không "tâm phục khẩu phục".  Theo anh thì vì sao vậy?

- Tinh thần cơ bản của Luật Bản quyền là sự thỏa thuận. Khi các đơn vị sử dụng tác phẩm vào việc kinh doanh sinh lợi thì phải trả bản quyền. Hiện 20 đài truyền hình trên cả nước đã đồng ý trả bản quyền, nghĩa là đã đạt được sự thỏa thuận, thời gian gần đây mới có những trục trặc vì có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Cách tính phí bản quyền chúng tôi thấy hợp lý thì mới làm. Tuy nhiên, có những cách tính còn quá mới với Việt Nam mình nên 10 người sẽ có 10 ý kiến và có thể sẽ va nhau. Theo tư duy logic, chúng ta chưa có kinh nghiệm thì nên học hỏi nước ngoài. Việc chậm bản quyền không phải là cách tính phí mà chính là nhận thức của đơn vị sử dụng.

- Anh vừa nói, sử dụng âm nhạc để kinh doanh sinh lợi thì phải trả tiền. Nhưng phát thanh, truyền hình ở Việt Nam là những cơ quan truyền thông của Nhà nước, họ đâu có kinh doanh?

- Kinh doanh là một khái niệm rộng. Các đài truyền hình lớn tiền quảng cáo lớn lắm, hàng trăm tỷ mỗi năm đấy. Thế giới họ tính bằng trích phần trăm của quảng cáo, đó là cách tính của truyền hình Nhà nước chứ không phải tư nhân đâu. Để có thể có một chương trình ca nhạc truyền hình, ca sỹ cũng được tiền, nhạc công cũng có tiền, thì nhạc sỹ cũng có tiền chứ, đài lấy tiền ngân sách Nhà nước ra mà trả. Hay như các chương trình lễ hội, tất cả ca sỹ, nhạc công cho đến ánh sáng hậu đài đều có tiền, dù đó là phục vụ chính trị, vậy tại sao nhạc sỹ không có tiền? Nếu tất cả các thành phần khác không có tiền thì chúng tôi cũng vui lòng không nhận.

- Tôi đồng ý là chúng ta nên tham khảo thế giới khi kinh nghiệm chưa nhiều. Vậy khi tính đến bản quyền cho Quốc ca, các anh có tham khảo kinh nghiệm của các nước bạn không?

- Chính các đại biểu Quốc hội đưa ra bàn thảo về chuyện bản quyền Quốc ca vì sợ nhiều tiền quá nên chúng tôi mới làm phép tính như thế. Còn tôi nghĩ, tính bản quyền âm nhạc thì cứ tính như nhau, theo tần số phát sóng mà trả tiền thôi, nó có nhiều nhặn gì đâu.

- Nhưng Quốc ca là trường hợp đặc biệt, nó được quy định trong cả Hiến pháp, chúng ta nên có cách tính bản quyền phù hợp thay vì hàng tháng trả một khoản "của để dành" cho con cháu họ như thế này chứ?

- Nếu không ngại gì thì cứ coi Quốc ca là một bản nhạc, còn nếu Nhà nước có cách ứng xử nào đó với riêng Quốc ca thì cần có cả về mặt vật chất và tinh thần. Tất nhiên, bàn về Quốc ca thì nó tế nhị hơn nhiều. Người ta có thể nói nhạc sỹ Văn Cao đã được Nhà nước cấp đất, cấp nhà, nhưng tóm lại mình không nên bàn nữa, phức tạp lắm. Những ca khúc như "Tiến quân ca", "Giải phóng miền Nam"… thật ra đâu có nhiều, nếu mỗi tháng chúng ta có chút tiền bản quyền cho con cháu họ cũng đáng quý lắm chứ. Một người buôn bán còn có thể để lại một cái vốn cho con cháu như thế huống hồ người nhạc sỹ phải chịu nhiều thiệt thòi.

- Trung tâm của anh tính bản quyền trọn gói với các đơn vị sử dụng, nhưng với các nhạc sỹ không ký ủy thác tác quyền với trung tâm thì sao, có vẻ nó không được công bằng lắm?

- Chúng tôi thu hết và sẽ tìm cách liên hệ với các nhạc sỹ để trả tiền tác quyền cho họ theo tần số phát sóng. Tôi tìm họ khá vất vả đấy. Còn nếu có ai đó kiện tụng thì trách nhiệm chắc chắn thuộc về tôi.

- Có ý kiến cho rằng, việc áp dụng các luật sở hữu trí tuệ có xuất phát từ phương Tây một cách rập khuôn sẽ giống như mang nhạc giao hưởng về diễn giữa đình làng Việt Nam, bởi vì cả thượng tầng và hạ tầng của họ có nhiều khác biệt với chúng ta. Anh có nghĩ cần phải tiếp thu có chọn lọc không, để tránh phải trả giá?

- Tất cả những gì hội nhập quốc tế cũng đều có hai mặt thời cơ và thách thức và chúng ta phải chịu đựng một chút để bứt lên. Cái tư duy theo kiểu nông dân chẳng muốn mất gì mà được tất cả thì không bao giờ có đâu. Bản quyền âm nhạc ở Việt Nam mới bảo vệ được có 1% thôi, chứ 99% vẫn rơi vãi khắp nơi ấy mà. Tôi nói thật, bây giờ còn nhiều khó khăn, nhưng tôi sẽ làm đến cùng, càng khó khăn càng quyết liệt.

- Tôi nghĩ rằng anh đang xúc phạm đến người nông dân Việt Nam và có lẽ anh sẽ phải trả giá cho việc này... Nhưng đấy là chuyện về sau... Bây giờ, có khi nào anh sợ cái phần ông giám đốc lấn hết phần của ông nhạc sỹ?

- Cũng có khi. Nhưng mà sáng tác là chuyện cả đời mà, đình lại vài năm có sao đâu, máu thịt của mình mà. Tôi không bao giờ làm việc theo cảm hứng nhất thời. Toàn bộ ca khúc của tôi đều được sáng tác theo đơn đặt hàng. Khi ký vào hợp đồng, nhận  một ít tiền thì việc sáng tác chính là sự kết hợp giữa sự rung cảm và nỗi lo sợ trách nhiệm, cả sự dồn thúc của thời gian nữa. Cái quan trọng là kỹ năng nhập vai thật nhanh để sáng tác cho đúng chất.

- Khi nào anh sáng tác trở lại?

- Khi gánh nặng bản quyền vơi đi, tôi sẽ viết.

- Xin cảm ơn anh!

Toàn Nguyễn
.
.
.