Nhạc sĩ Vĩnh Cát kỷ niệm 50 năm sáng tác

Thứ Ba, 11/12/2012, 19:41
18h00, thứ tư ngày 12/12/2012, tại Không gian Việt, 16 Lê Thái Tổ, Hà Nội, sẽ diễn ra Đêm âm nhạc “Nhạc sĩ Vĩnh Cát - Gia đình và Bè bạn” nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 78 của nhạc sĩ.

Đêm nhạc có sự tham dự của nhiều nhạc sĩ là bạn đồng môn trong lớp sáng tác đầu tiên tại Việt Nam năm 1956 mà đại diện là nhạc sĩ Huy Thục, cùng các thế hệ học trò của nhạc sĩ Vĩnh Cát như Tiến sĩ âm nhạc Phạm Minh Khang, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, Trọng Đài…

Ngoài ra các khách mời đến dự đêm nhạc còn có các bạn bè văn nghệ sĩ của nhạc sĩ Vĩnh Cát như: Các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Văn Ký, Chu Minh, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật HN, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn - Vụ phó Vụ Nghệ thuật Ban Tuyên giáo Trung ương, PGS. Lê Toàn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Hà Nội, GS.TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Đêm nhạc sẽ biểu diễn những ca khúc tiêu biểu của nhạc sĩ Vĩnh Cát như: “Sapa thành phố trong sương”, “Hà Nội của ta”, “Hà Nội thủ đô ta đó”, “Ngôi sao Hà Nội”… Với sự thể hiện của các ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Thanh Tâm… Bên cạnh đó cũng có những màn trình diễn nhạc thính phòng với các tác phẩm “Xe chỉ luồn kim”, “Rừng xuân Tây Nguyên”… đã gắn bó với tên tuổi của nhà soạn nhạc giao hưởng Nguyễn Vĩnh Cát từ nhiều thập kỷ nay.

Về đêm diễn này, ông chia sẻ “Năm nay có ba số 12/12/12, phải 100 năm nữa mới gặp lại được con số này. Chính vì vậy, năm nay tôi muốn kỷ niệm ngày đặc biệt của mình trong vòng tay lớn của đại gia đình và bè bạn”.  

Nhạc sĩ Vĩnh Cát.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh ngày 12/12/1934. Ông thoát ly gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp từ nhỏ, là diễn viên Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm trưởng đoàn từ tháng 2/1947 ở Việt Bắc. Kết thúc cuộc kháng chiến, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba. Năm 1956 vào trường Âm nhạc Việt Nam, lớp sáng tác đầu tiên (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia VN) cùng với các nhạc sĩ Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Nguyễn Thành, Hồng Đăng, Huy Thục… Năm 1959 tốt nghiệp, được giữ lại trường làm giảng viên, đã đào tạo trực tiếp nhiều thế hệ học trò, năm 1984 chuyển sang làm giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội

Thiên Kim
.
.
.