Nhạc sĩ Văn Cao với một trong những ca khúc sớm nhất về lực lượng Công an: “Người Công an thân yêu”

Thứ Năm, 28/08/2014, 11:35
Trong số những nhạc phẩm sáng tác đầu tiên về lực lượng Công an nhân dân, có một ca khúc của nhạc sĩ tên tuổi Văn Cao, mang tên “Người Công an thân yêu”. Vì những giá trị vượt thời gian của ca khúc, nên những năm gần đây, “Người Công an thân yêu” đã nhanh chóng được phổ rộng và được nhiều người yêu nhạc trong và ngoài lực lượng Công an biết đến.

Theo nhà thơ, họa sĩ Văn Thao – con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao, thì “Người Công an thân yêu” được nhạc sĩ sáng tác vào năm 1965, nhân kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống lực lượng CAND. Trên bản thảo của ca khúc, có dòng đề từ tặng ngành Công an và chữ ký của chính tác giả. Hiện, bản nhạc này đã được lưu ở Bảo tàng CAND. Đây là một trong những ca khúc đầu tiên của âm nhạc Việt Nam viết về người Công an.

Mặc dù được sáng tác cách đây gần nửa thế kỷ, nhưng không hiểu vì lý do gì, bản nhạc đã không được phổ biến. Cho đến vài năm trước, khi Bộ Công an và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp biên soạn những tác phẩm âm nhạc viết về lực lượng Công an, mới tìm lại được bản thảo ca khúc này.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì một lần, ông không nhớ chính xác vào năm nào, nhạc sĩ Văn Cao đã đem tặng ông – một người bạn, người em, người đồng nghiệp thân thiết của mình - bản nhạc “Người Công an thân yêu”. Khi Bộ Công an tập hợp những tác phẩm âm nhạc viết về lực lượng, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã sao bản nhạc này để tặng, với hy vọng tác phẩm của người nhạc sĩ lớn sẽ được dàn dựng và có vị trí xứng đáng.

“Đó là một ca khúc tuyệt vời” – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ. Là người được tiếp cận bản nhạc rất sớm và vẫn nâng niu cho đến phút này, dù rất nhiều năm tháng đã đi qua, đủ biết sự trân trọng của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha với sáng tác của người nhạc sĩ tên tuổi như thế nào. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết: Đó là một tác phẩm gọn gàng, viết về sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ Công an giữa sự sôi động bộn bề của cuộc sống, mà không cần ai biết đến sự hy sinh cao quý đó. Trong mọi hoàn cảnh, người chiến sĩ Công an vẫn tuân thủ theo công việc, một cách âm thầm, như một nốt nhạc trầm giữa đời sống náo động. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cảm thấy hạnh phúc, khi ông chẳng những đã giữ gìn được bản nhạc, mà còn giúp ca khúc được dàn dựng, đến với công chúng, đúng như mong ước của bất cứ tác giả bài hát nào.

Là người rất tâm huyết với các tác phẩm âm nhạc về lực lượng Công an, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cũng là người tiếp xúc với ca khúc “Người Công an thân yêu” từ khi còn là bản nhạc trên giấy, đến khi được Đoàn ca múa CAND dàn dựng. Ông cho biết: Trong âm nhạc của Văn Cao, một trong những thế mạnh của ông chính là ca khúc và có một mạch hào hùng nhịp đi (hành khúc). Ông đã sáng tác nhiều tác phẩm mang thể loại hành khúc, từ khi thể loại này chưa phát triển nhiều như hiện nay. Văn Cao chính là người đầu tiên đưa thể loại này để ca ngợi người chiến sĩ Công an. Bài hát tuy nói về người chiến sĩ Công an, nhưng ông không chỉ ca ngợi một con người cụ thể, mà gửi vào sâu thẳm trong đó sự ca ngợi và tin tưởng vào chính quyền còn non trẻ, mà người bảo vệ chính quyền đó là lực lượng Công an. Bài hành khúc ngắn nhưng đã dựng nên hình tượng người chiến sĩ Công an rất đẹp và hướng tới nét hào hùng chung: mong cho Tổ quốc ngày càng phát triển. Thời điểm ca khúc được sáng tác, khái niệm “đội ngũ” chưa được dùng nhiều, nên Văn Cao dùng “đội ngũ thân yêu” là chứa đựng tình cảm của tác giả - vốn từng tham gia trong lực lượng an ninh, với đồng đội. Có thể nói rằng, đó là một tác phẩm lạ, phản ánh ý thức tổ chức đội ngũ cao, tâm huyết của người viết. Sau này có những bài hát khác về từng lực lượng cụ thể của ngành Công an, nhưng “Người Công an thân yêu” vẫn là bài gửi gắm tình cảm sâu đậm với lực lượng Công an rất đáng trân trọng.

Bà Nghiêm Thúy Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao lên nhận Kỷ niệm chương “Bảo vệ ANTQ” do Bộ Công an truy tặng nhạc sĩ Văn Cao.

Nhạc sĩ, Thượng tá Đức Tuyết, Trưởng phòng Văn hóa nghệ thuật (ANTV) chia sẻ: Tác phẩm thể hiện rất rõ tư cách người Công an cách mạng, ý chí quyết tâm chiến đấu, chiến thắng để bảo vệ chính quyền và giữ bình yên cho nhân dân. Tác phẩm kết cấu chặt chẽ, với thể loại hành khúc đã thể hiện được tinh thần hùng tráng của lực lượng Công an, có âm vực vừa phải, nên đã dễ phổ biến. Hiểu được rằng, đây quả là một món quà vô giá của lực lượng Công an mà nhạc sĩ Văn Cao đã để lại, những năm qua, “Người Công an thân yêu” đã được phổ biến, không chỉ trong lực lượng Công an, mà còn trên sân khấu chuyên nghiệp. Mới đây, ANTV cũng làm một chương trình nghệ thuật khá lớn, trong đó có dàn dựng tác phẩm “Người Công an thân yêu” một cách công phu và hoành tráng.

Cũng vì thế, trong buổi gặp mặt mặt thân mật của Bộ Công an với các nhạc sĩ và gia đình các cố nhạc sĩ đã có cống hiến, đóng góp vào sự phát triển âm nhạc về đề tài, cái tên Văn Cao một lần nữa lại được nhắc đến với niềm tri ân sâu sắc. Với tác phẩm này, Văn Cao là một trong 6 nhạc sĩ được Bộ Công an trao tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ ANTQ”. Đoàn nghệ thuật Công an nhân dân cũng đã dàn dựng tiết mục “Người Công an thân yêu” của nhạc sĩ Văn Cao để khai màn chương trình gặp mặt ấm áp tình cảm và sự biết ơn các nhạc sĩ này.

Nhạc sĩ Văn Cao.
Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao cho biết: Tháng 10/1944, Văn Cao đã thành lập Đội  Trừ gian của Việt Minh mang tên “Đội danh dự Việt Minh”. Mùa xuân năm 1945, Văn Cao đã trực tiếp tham dự vụ ám sát Đỗ Đức Phin tại Hải Phòng. Đây là vụ án nổi tiếng, vì Đỗ Đức Phin bị Việt Minh kết án là Việt gian theo Nhật. Ít lâu sau, Văn Cao lại tiếp tục tham gia vụ ám sát Cung Đình Vận ở gần rạp hát cuối Phố Huế, nhưng ông bắn trượt. Năm 1946, nhạc sĩ Văn Cao cùng Hà Đăng Ấn được cử chuyên chở vũ khí và tiền vào mặt trận Nam Bộ, rồi công tác ở Liên khu III, phụ trách tổ điều tra của Công an Liên khu và viết Báo Độc Lập. Đầu năm 1947, ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của Công an Liên khu 10 ở biên giới phía bắc. Tại đây, ông mở một quán café ca nhạc mang tên Quán Biên Thùy, để làm địa điểm hoạt động.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, ở Lào Cai, Văn Cao đã tìm đến ba thổ ty vùng Lào Cai là Nông Vĩnh Xương ở Mường Khương, Lò Văn Phù ở Bát Xát và Voòng A Tưởng ở Bắc Hà. Văn Cao bỏ tiền riêng ra cùng góp với ba thổ ty để vào hội thổ ty và lấy vốn chung đó lập quán. Ông được giao nhiệm vụ kết nghĩa với vua Mèo để lập ra một phòng tuyến bảo mật chống sự tràn sang của quân Trung Hoa Quốc dân đảng khi thua trận. Nhà thơ Văn Thao nhớ lại những lời cha ông kể: Trong lễ kết nghĩa anh em giữa Văn Cao với Thổ ty Vòong A Tưởng ở dinh thự Bắc Hà, có ông Trần Huy Liệu đến dự.

Để ghi nhớ những công lao đóng góp quan trọng của tác giả Tiến quân ca, sau khi ông mất, Hải Phòng đã đặt tên ông cho một con phố rất đẹp ở quận Ngô Quyền. Huế cũng có một con đường mang tên Văn Cao ở phường Xuân Phú, còn phố Văn Cao ở Đà Nẵng thuộc quận Thanh Khê. TP Hồ Chí Minh và Nam Định cũng đều có đường mang tên Văn Cao. Đến năm 2005, tên Văn Cao đã được đặt cho một tuyến phố của Hà Nội, nối từ Liễu Giai đến đường Thụy Khuê. Ngoài ra, còn có những con phố mang tên Văn Cao ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Lâm Đồng, Lạng Sơn.

Dạ Miên
.
.
.