Nhạc sĩ Thuận Yến: Người “Đi trong hương tràm”...

Thứ Ba, 27/05/2014, 11:23
Lần gặp nhạc sĩ Thuận Yến ở nhà ông trong con ngõ nhỏ bên đường La Thành, Hà Nội, cứ đọng mãi trong tôi ấn tượng về hương vị hạnh phúc ngọt ngào tràn ngập căn nhà bày biện giản dị mà tinh tế. Ông hào hứng khi nói về âm nhạc, thi thoảng hướng ánh nhìn ấm áp về phía bà, NSƯT Hồ Thanh Hương, đang tỉ mẩn chăm sóc cây cảnh trước nhà.

Nhìn ông dung dị trong tấm áo màu nâu, gương mặt hơi khắc khổ với mái tóc màu sương, khó có thể nghĩ đó là một nhạc sĩ lớn, cha đẻ của những ca khúc song hành với bao thăng trầm của đất nước, những ca khúc mượt mà, trữ tình sâu lắng: “Đi trong hương tràm”, “Chia tay hoàng hôn”, “Màu hoa đỏ”, “Khát vọng”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Vầng trăng Ba Ðình” v.v…

Sinh ra và lớn lên bên dòng Thu Bồn nên thơ của xứ Quảng, với những hàng dừa nước xanh tươi, ngập tràn ánh nắng lấp lánh, tâm hồn nhạc sĩ Thuận Yến cũng thấm đẫm những giai điệu đồng quê để làm nên ma lực trong từng ca khúc với người nghe. Hơn 60 năm qua, với những cảm xúc nghệ thuật sâu sắc, giàu tính nhân văn trong mỗi tác phẩm, nhạc sĩ Thuận Yến đã đóng góp không nhỏ vào nền âm nhạc Việt Nam. Trong đời sống thường nhật, ông cũng để lại những ấn tượng khó phai với đồng nghiệp về một con người có nhân cách, một nhạc sĩ tài hoa, khiêm nhường, luôn biết vượt lên mình để không ngừng sáng  tạo.

Ngày nhạc sĩ Thuận Yến chia xa, ký ức về những chuyến đi sáng tác cùng ông bỗng ùa về với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: “Năm 1983, tôi cùng nhạc sĩ Thuận Yến và một số nhạc sĩ khác đến Tây Nguyên. Khi nghe bài “Kon Tum mùa nắng phượng” của tôi, Thuận Yến rất thích và nói rằng, cái tứ “nắng phượng” giúp ông nhận ra lứa tuổi của ông đã khác, vì thế hệ ông không nhận thức được, mà chỉ quen viết theo tư duy bằng phẳng, chủ yếu là ngợi ca. Khi tôi viết bài “Những đứa trẻ chạy trên thóc”, Thuận Yến bảo đó là sự phân biệt giữa thế hệ ông và tôi. Sau chuyến đi đó, ông khiêm nhường không đưa bài hát về Tây Nguyên vào tuyển tập và quay về với tìm tòi riêng để viết ca khúc “Hương tràm” thành công khiến nhiều người kinh ngạc”.

Nhạc sĩ Thuận Yến tại nhà riêng. Ảnh: Thanh Hằng.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha bùi ngùi: Thuận Yến đã chọn con đường âm nhạc của mình bằng cố gắng đưa âm nhạc vào đời sống, bỏ qua chuyện học thuật, nhưng vẫn có giá trị nghệ thuật. Đóng góp lớn nhất của ông là đã sát cánh với các nhạc sĩ cùng thế hệ đưa dân tộc vào cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do. Sau đó, ông tiếp tục đóng góp lớn cho đất nước theo cách của ông. May mắn và cũng là đóng góp lớn nhất của ông là đã sinh ra một ca sĩ cá tính là Thanh Lam và nhờ Thanh Lam mà tác phẩm của Thuận Yến đến với công chúng có độ “hot” hơn - đó là sự hỗ trợ của các thế hệ với nhau. Có thể nói rằng, Thuận Yến là một người mãn nguyện. 

Với nhạc sĩ Trọng Bằng, nguyên Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ấn tượng về nhạc sĩ Thuận Yến là lần Hội Nhạc sĩ Việt Nam đặt hàng viết tác phẩm lớn về Quảng Nam. Vốn là nhạc sĩ chuyên viết ca khúc, nhưng lần đó, Thuận Yến đã sáng tác thành công một tác phẩm qui mô lớn, có cả hợp xướng và nhạc giao hưởng, được giới chuyên môn đánh giá cao. Các tác phẩm của ông phong phú về nội dung, đa dạng về ngôn ngữ và hình thức, lắng sâu và hoành tráng, trữ tình nồng cháy và đằm thắm ngọt ngào, sôi nổi và trẻ trung, nhưng cũng mang cả chất bác học trữ tình…

Trước sự ra đi của nhạc sĩ Thuận Yến, Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên bùi ngùi: Thế hệ vàng nhạc sỹ Việt Nam đang lần lượt ra đi… Nhạc sỹ Thuận Yến là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Ông ra đi để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ, đặc biệt thành công và đứng hàng đầu về 3 mảng: Ca khúc về cách mạng, đề tài Bác Hồ và đề tài tình yêu, tronng đó, “Chia tay hoàng hôn", một tuyệt phẩm đã đưa ông lên hàng nhạc sĩ viết tình ca hay nhất Việt Nam.

Nhạc sĩ Thuận Yến còn là một tấm gương sáng cho các thế hệ nghệ sỹ noi theo. Tài năng lớn, đạo đức cao cả, ông một đời chỉ biết hy sinh, dâng hiến. Ông có người vợ tuyệt vời, suốt đời vì chồng, vì con. Bà là người "gác cổng" , người thẩm định những tác phẩm của nhạc sĩ Thuận Yến trước khi dàn dựng cho ra đời. Ông viết xong phải hát cho bà nghe. Bà bảo được mới được đi dàn dựng, bà bảo chưa hay là ông viết lại...

Thật tuyệt vời nữa khi bà là nguyên mẫu của nhiều bài hát của ông, trong đó có “Chia tay hoàng hôn", đủ biết tình cảm ông dành cho vợ sâu nặng chừng nào. Bà cũng là bệ phóng cho ba nghệ sỹ tài danh: nhạc sĩ Thuận Yến; Diva Thanh Lam; nhạc sỹ, DJ Trí Minh. Với tôi, ông là người thầy, người anh, người bạn đồng nghiệp, người đồng chí và đã có thời là thần tượng của tôi. Ông qua đời, đau buồn là lẽ thường tình. Ta cho cái mất mát ấy lẫn vào thẳm sâu đi, để rồi ta mừng cho ông đã trọn bổn phận làm người ở đời, dâng hiến và thành công. Một đời người như ông là vinh quang và hạnh phúc. Cái tên nhạc sĩ Thuận Yến sẽ còn sống mãi với thời gian và đất nước này với những tác phẩm ông để lại

Thanh Hằng
.
.
.