Nhạc sĩ Phan Nhân: Từ bài hát “Chú ếch con” đến “Hà Nội niềm tin và hy vọng”

Chủ Nhật, 18/10/2009, 10:41
Gian khó hi sinh như đan chen, hoà quyện vào nhau trên từng cung bậc thanh âm, tiết nhịp đã nói lên những nghĩ suy tình cảm và niềm tự hào của người Hà Nội, của nhân dân cả nước với Thủ đô thân yêu.

Nhắc đến những bài hát về Hà Nội được sáng tác qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, chúng ta nhớ đến "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi, "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao, "Bài ca Hà Nội" của Vũ Thanh, và "Hà Nội niềm tin và hi vọng" của Phan Nhân. Bài hát "Hà Nội niềm tin và hi vọng” được nhạc sĩ Phan Nhân viết trong những ngày cuối tháng 12/1972 khi quân và dân Thủ đô đang kiên cường đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội.

Nhạc sĩ Phan Nhân là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: "Tình ca đất nước", "Nhớ về Pác Bó", "Em ở nơi đâu", "Con dao làm nương, cây súng giữ bản", "Thành phố của tôi", "Hà Nội niềm tin và hi vọng", cùng nhiều ca khúc viết cho thiếu niên nhi đồng như "Chú ếch con", "Em là cây lúa Điện Biên", "Chú cừu Mộc Châu", "Hàng cây ơn Bác"….

Với những đóng góp và sự nghiệp âm nhạc, ông đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật lần thứ nhất năm 2001.

Nhạc sĩ Phan Nhân sinh ngày 15/5/1930.

Long Xuyên tỉnh An Giang quê hương ông như bao làng quê miền Tây Nam Bộ với những biển lúa, những con kênh xanh cùng rừng dừa bát ngát.

Câu hò, lời ru, điệu lý cùng đàn ca tài tử nơi sông nước miệt vườn đã thấm đượm trong ông từ thuở ấu thơ. Ông nhập ngũ từ những năm đầu kháng chiến ở Nam Bộ, ông tập kết ra miền Bắc cùng Đoàn Văn công Nam Bộ, cuối năm 1954. Rời quân ngũ, ông theo học ngành cơ khí địa chất. Như có cơ duyên với nghệ thuật năm 1959, ông về công tác tại Đoàn Ca nhạc, rồi biên tập âm nhạc, phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam.

Công tác biên tập ca nhạc phát thanh, ông có điều kiện đi nhiều sát với thực tế sản xuất và chiến đấu của nhân dân và chiến sĩ trên các mặt trận, cập nhật thông tin, qua đó ông đã viết về người chiến sĩ, cô thanh niên xung phong, dân quân vùng cao và các cháu thiếu niên nhi đồng.

Ông say mê tìm hiểu các làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ, dân ca các dân tộc ở Việt Bắc, Tây Bắc.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về công tác phát thanh ở thành phố Hồ Chí Minh (Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam). Trong câu chuyện với chúng tôi, ông thường nhắc tới Hà Nội, nhắc tới những làng quê miền Bắc, kỉ niệm của một thời tuổi trẻ, nhắc tới bạn bè anh em, những người mà ông rất đỗi yêu thương.

Ca khúc của nhạc sĩ Phan Nhân không nhiều về số lượng nhưng lại có những nét riêng mang dấu ấn thời gian và chất lượng nghệ thuật. Ông say sưa với công việc của người làm biên tập phát thanh, ông luôn trau dồi cho mình những kiến thức âm nhạc.

Năm 1968, ông được cử đi tu nghiệp âm nhạc và học đạo diễn truyền hình ở Hungary.

Trở về Việt Nam, ông lại tiếp tục công việc của một phóng viên, biên tập phát thanh ca nhạc. Với chiếc xe MZ, ông như con thoi xuôi ngược từ Hà Nội đi Hòa Bình, Hà Nội đi Thái Nguyên, nơi cơ quan sơ tán, chuyển tác phẩm của các nhạc sĩ đến đoàn ca nhạc để dàn dựng thu thanh và các chương trình ca nhạc đến nơi phát sóng.

Chính trong hoàn cảnh công tác và thực tế chiến đấu và sản xuất của chiến sĩ và nhân dân ta đã được ông thể hiện trong nhiều ca khúc. Những sáng tác mới, ông muốn được các bạn bè đồng nghiệp có những ý kiến nhận xét, qua đó ông thể hiện một thái độ cầu thị, một vẻ khiêm nhường.

Một lần tôi được nghe ông giới thiệu bài hát "Chú ếch con". Ông hát lần thứ nhất rồi lần thứ hai, ông như hoá thân vào từng cung bậc, tiết nhịp, bay bổng hồn nhiên trong suy nghĩ trẻ thơ:

"Kìa chú là chú ếch con có hai là hai mắt tròn,
chú ngồi học bài một mình bên hố bom kề vườn xoan.
Bao cô cá trê non cùng bao chú cá rô "con",
tung tăng chiếc vây son nhịp theo tiếng trống vang dồn…".

Hát xong, ông đề nghị tôi có ý kiến nhận xét. Tôi rất vui và bất ngờ được nghe một ca khúc thiếu nhi hay của ông. Chú ếch, chú rô, cô trê được nhân cách hoá, tôi nghĩ đến các cháu thiếu niên, nhi đồng trong hoàn cảnh chiến tranh huỷ diệt của kẻ thù vẫn hồn nhiên ngồi học bài bên hố bom, vẫn múa hát vui đùa như trong ngày hội.

Trong lúc tôi đang suy nghĩ để nhận xét, ông nói tiếp: "Trong bài hát này có một từ mình không thích, Văn Dung có thể góp ý kiến cho mình được không?". Tôi hỏi từ gì ông nói: "Từ rô con". Tôi giải thích: "Con cá rô bé, nhỏ ở miền Bắc người ta gọi là "Rô ron". Ông reo lên vui sướng coi đó như một điều có ý nghĩa, ở đó ông đã học được từ bạn bè, từ cuộc sống dù là một câu, một chữ.

Từ những ca khúc viết cho thiếu niên, nhi đồng trong những năm đầy gian khó hi sinh, nhạc sĩ Phan Nhân đã có những ý tưởng, cách nghĩ cách làm khác, ông không mang những sự kiện, những hiện thực cuộc sống vào nghệ thuật. Trong ca khúc, ông không nói đến những em thiếu niên, nhi đồng đến trường đầu đội mũ rơm, làm kế hoạch nhỏ, căm thù quân xâm lược…. mà thay vào đó là một thế giới trẻ thơ với tình yêu bè bạn, mẹ cha cùng ước mơ quê hương thanh bình.

Ý tưởng cùng cách nghĩ, cách làm đó đã được ông thể hiện trong nhiều ca khúc viết cho người lớn, đặc biệt với bài ca "Hà Nội niềm tin và hi vọng" khi không quân Mỹ tập kích chiến lược bằng pháo đài bay B52 vào Hà Nội tháng 12-1972.

Lúc này nhạc sĩ Phan Nhân được phân công trực biên tập âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông đã chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh với những phát minh ghê gớm của vũ khí huỷ diệt.

Thành phố trở thành pháo đài lớn với pháo phòng không, tên lửa, máy bay, dân quân tự vệ, cứu hỏa, cứu thương, tiếng còi hụ hụ từng hồi hoang vắng.

Gương mặt mỗi người trở nên ưu tư hơn, thành phố trở nên tĩnh lặng đợi chờ.

Điều gì đó đã tạo nên ca khúc "Hà Nội niềm tin và hi vọng" khi tang thương chết chóc cùng sự huỷ diệt đang diễn ra từng ngày từng giờ trên bầu trời, trên đường phố Thủ đô.

Đối lại sự huỷ diệt và đau thương là lời ca điệu nhạc kết tinh khí phách của một dân tộc, là tình yêu, lòng nhân ái của con dân đất Việt.

"Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời
Càng tỏa mát hương thơm hoa Thủ đô
Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô
Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau"

Đánh phá Hà Nội, trái tim của cả nước chúng ta, đế quốc Mỹ đã chạm tới vùng đất thiêng liêng, lòng tự trọng của một dân tộc.

Đồng bào và chiến sỹ miền Nam từng ngày đối mặt với sự tàn phá, huỷ diệt của B52. Họ vẫn dũng cảm chiến đấu, kiên cường bám trụ; nhưng nghe tin B52 đánh phá Thủ đô thân yêu, họ đã khóc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cán bộ chiến sĩ, văn nghệ sĩ miền Nam kể lại: "Một vài ngày sau nghe thấy bài hát "Hà Nội niềm tin và hi vọng" trên sóng phát thanh từ Hà Nội, họ đã từ nơi trú ẩn, từ địa đạo lên trên mặt đất, chạy ra các con lộ ôm nhau hát múa, vui cười.

Chúng tôi hỏi nhạc sĩ Phan Nhân về hoàn cảnh ra đời của bài hát, ông nói: "Trong lúc từng đợt B52 đánh phá Hà Nội, tiếng cao xạ pháo, tên lửa, tiếng súng đủ loại, tiếng bom nổ rền vang rung chuyển trời đất, từ dưới hầm trú ẩn, mình chạy lên tầng thượng của cơ quan, nhưng không phải là phóng viên nhiếp ảnh quay phim, không có nhiệm vụ chiến đấu, mình phải quay về hầm trú ẩn…Trong hoàn cảnh như vậy mình không có thời gian để nghĩ đến sáng tác,  mọi thứ suy nghĩ tình cảm cứ đan xen vào nhau. Hồi ức của những năm kháng chiến ở Nam Bộ, thực tế chiến đấu đang diễn ra từng ngày, hình ảnh những đường phố thân quen với hồ Tây, hồ Gươm, Hàng Đào, Hàng Ngang, niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước, truyền thống kháng chiến bất khuất của dân tộc, v.v, cứ lần lượt hiện ra.

Trong thời khắc mà tiếng súng tiếng bom đã lắng đi, thực tình mình cũng không nhớ là viết Hà Nội niềm tin và hi vọng bắt đầu như thế nào. Hình như có một ý tưởng về Hà Nội, về Thăng Long Đông Đô an nhiên, tự tại bước vào trận đánh cuối cùng với niềm tin tất thắng cùng âm vang giọng nói của Bác Hồ kêu gọi… Hà Nội, Hài Phòng và một số thành phố có thể bị tàn phá, ngày chiến thắng chúng ta sẽ xây dựng lại to đẹp hơn, đàng hoàng hơn gấp mười ngày nay.

Tất cả đã tạo nên những bài ca còn mãi với thời gian, trong đó có bài hát "Hà Nội niềm tin và hi vọng" của nhạc sĩ Phan Nhân

Nhạc sĩ Văn Dung
.
.
.