Nhạc sĩ Huy Du: Mạch nguồn cảm xúc không có tuổi

Thứ Hai, 29/10/2007, 10:16
Với những nhạc phẩm hoành tráng mà tha thiết, lấp lánh khúc khải hoàn nên đã thắp lửa tin yêu và khát vọng cho biết bao trái tim, đồng thời cũng xây nên những đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của chính ông, cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam Huy Du  đã được trao Huân chương Độc lập hạng nhất của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết.

Chiều 23/10, ngay tại giường bệnh của nhạc sĩ Huy Du ở Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, một buổi lễ đặc biệt đã diễn ra trong không khí trang trọng mà đầm ấm, với sự có mặt của đại diện Ban Tuyên giáo TW, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng gia đình nhạc sĩ Huy Du và một số phóng viên báo chí.

Đó là lễ trao Huân chương Độc lập hạng nhất của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết cho tác giả của những bản hùng ca nổi tiếng: ''Việt Nam trên đường chúng ta đi'', "Nổi lửa lên em", ''Trên đỉnh Trường Sơn ta hát'', "Anh vẫn hành quân" v.v…

Đón nhận phần thưởng cao quý mà ông là người thứ ba trong giới nhạc sĩ Việt Nam vinh dự được trao (sau nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát), cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam đã vô cùng cảm động nói: "Đây không chỉ là niềm tự hào của cá nhân tôi, mà là điều đáng mừng của sự nghiệp âm nhạc Việt Nam khi sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đã chứng tỏ sự tôn vinh đối với nền âm nhạc nước nhà!".

Những ngày này, nhạc sĩ Huy Du vẫn phải đương đầu với căn bệnh hiểm nghèo sau 2 lần phẫu thuật kể từ đầu năm 2007 đến nay. Trước khi lễ trao Huân chương diễn ra, đích thân Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã đến tận bệnh viện thăm ông, đủ thấy vai trò của ông trong sự nghiệp âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ nằm trên giường bệnh, yếu ớt đến mức phải truyền dịch, vậy mà khi thấy bạn bè, đồng chí đến xung quanh, ông nhất mực đòi ngồi dậy và hơn thế, với một nụ cười rạng rỡ trên môi.

Tinh thần lạc quan hình như vẫn luôn chảy tràn trong trái tim người nhạc sĩ ngay cả giữa thời khắc khó khăn nhất. Người bạn đời của ông - PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, người cũng được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, tâm sự: Cứ ngỡ, khi biết tin mắc trọng bệnh, ông sẽ suy sụp tinh thần. Nhưng trái lại, ông luôn luôn lạc quan và không bao giờ nhắc đến cái chết, để tạo niềm vui cho tháng ngày còn lại và cho cả những người thân.

Bà Nhung còn biết thêm: Khi Chương trình "Con đường âm nhạc" của ông mang tên "Đường chúng ta đi" trên VTV3 hồi tháng 5-2007, khán giả không hề biết căn bệnh ung thư đang hành hạ ông.

Rời vùng quê quan họ êm đềm khúc dân ca, nhạc sĩ Huy Du theo cách mạng từ năm 1944. Cũng vì thế, hầu hết các ca khúc của ông đều thấm đẫm chất anh hùng ca với âm hưởng hào hùng, phơi phới tin yêu. Âm nhạc của người nghệ sĩ tài ba này có một vị trí lớn trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Các ca khúc của người đại diện tiêu biểu của dòng nhạc truyền thống - cách mạng này đều nhận được sự mến mộ của đông đảo quần chúng, bởi âm hưởng trong sáng, hào hùng, cao sang và hấp dẫn. Chất men say thăng hoa, tạo nên những nhạc phẩm hoành tráng mà tha thiết, lấp lánh khúc khải hoàn nên đã thắp lửa tin yêu và khát vọng cho biết bao trái tim, đồng thời cũng xây nên những đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của chính ông.

Vì thế, ông là một trong những nhạc sĩ đầu tiên được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật từ năm 2001. Vị Đại tá Quân đội này còn từng là Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội khoá VII.

Ông là một trong không nhiều nhạc sĩ đã có số lượng lớn ca khúc được xuất bản thành nhiều tập: "Anh vẫn hành quân" (NXB Văn hóa), "Đường chúng ta đi" (NXB Quân đội nhân dân), "Khát vọng mùa xuân" (NXB Âm nhạc), "Tuyển chọn ca khúc" (NXB Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Từ nửa thế kỷ trước, các sáng tác của ông đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng, mà theo ông, muốn được thế, người sáng tác phải có những cảm xúc chân thực.

Sự nghiệp sáng tác của ông đã minh chứng cho điều này, khi qua các ca khúc của ông, như soi thấy tâm hồn, tình cảm và nghĩ suy của ông. Giai điệu phóng khoáng, ca từ đẹp đẽ, các sáng tác đi từ những rung động sâu thẳm của trái tim người nghệ sĩ, luôn hừng hực khí thế cách mạng, trẻ trung và quyến rũ của ông có sức lay động lớn lao trong động viên tinh thần mọi người trong kháng chiến.

Tươi sáng trong những ca khúc cách mạng, nhạc sĩ Huy Du cũng lại làm nên một phong cách riêng trong những ca khúc trữ tình bằng những rung cảm tinh tế: "Khi chiếc lá xa cành/ Lá không còn màu xanh/ Mà sao em xa anh/ Đời vẫn xanh vời vợi...".

Ở tuổi 81, sức lại yếu, vậy mà tình yêu âm nhạc trong ông vẫn tràn đầy. Giữa những cơn đau, ông vẫn tiếp tục sáng tác bằng tất cả niềm vui và tin yêu cuộc sống. Ông vừa hoàn thành 2 bài hát dành cho trẻ thơ sau ca khúc "Tà áo trắng trong đêm" dành tặng các thầy thuốc của Bệnh viện Hữu nghị.

Cảm giác như, mạch nguồn cảm xúc nơi nhạc sĩ tài ba này bất tận đến mênh mang

Thanh Hằng

.
.
.