Nhạc sĩ Hoàng Hiệp "lòng vẫn nhớ về Hà Nội"

Chủ Nhật, 30/10/2011, 15:42
Trong cái náo nức của dòng người TP Hồ Chí Minh, và trong cái bất tận của nhịp sống phương Nam đang cuộn chảy, thì tâm hồn ông vẫn hằng nhớ về Hà Nội, nơi ông đã từng sống hàng chục năm, trưởng thành và hạnh phúc. Ca khúc “Nhớ về Hà Nội” ra đời trong nỗi khắc khoải khôn nguôi ấy. Bài hát đã tồn tại 30 năm và ông cũng đã vừa tròn tuổi 80.
Giờ ông bệnh lắm rồi, đã vài năm nay ông không đi lại được, toàn ngồi trên xe lăn. Nhưng có một “Hà Nội” luôn bên ông, trò chuyện và hát cùng ông một bài ca theo năm tháng, về một nỗi nhớ chẳng thể phôi phai. Đó là vợ ông, một cô gái Hà Nội xưa đã hơn nửa thế kỷ gắn bó, cho đến nay vẫn hàng ngày đẩy xe cho ông đi dạo phố.

Một nhạc sĩ phổ thơ kỳ tài

Ngay từ bài hát đầu tiên, khi được tập kết ra Bắc học nhạc, ông đã phổ lời thơ của Đằng Giao. Đó là ca khúc nổi tiếng: Câu hò bên bến Hiền Lương, qua giọng hát của ca sĩ Văn Hanh trên Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, từ năm 1957. Sau này bài hát còn được ngân vang và truyền tụng qua nhiều giọng hát lừng danh khác như NSND Quốc Hương, NSND Thanh Huyền, NSND Thu Hiền.

Bài hát này đã sớm thể hiện một tài năng âm nhạc thực thụ, luôn gắn bó với những đề tài về cách mạng và quê hương đất nước. Bởi ngay tiếp sau đó nhạc sĩ Hoàng Hiệp chủ yếu phổ nhạc cho thơ của các nhà thơ nổi tiếng. Nhiều bài trong số đó đều là những ca khúc có sức vang xa và phổ cập sâu rộng trong cuộc sống và là điểm tựa tinh thần cho chiến sĩ và đồng bào trong công cuộc chiến đấu chống quân xâm lược.

Nhiều người không thể quên những ca khúc đầy tính chiến đấu như: Lá đỏ, thơ Nguyễn Đình Thi; Ngọn đèn đứng gác, thơ Chính Hữu; Cô gái vót chông, thơ Môlô Ylavi (người Ê Đê); Đất quê ta mênh mông, thơ Dương Hương Ly; rồi nữa, đó là Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, thơ Phạm Tiến Duật; hay như Chút thơ tình của người lính biển, thơ Trần Đăng Khoa v.v…

Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, trở về miền Nam sinh sống và làm việc, ông vẫn có nhiều ca khúc phổ thơ và cũng đều được nhiều người yêu thích. Có thể kể ra các tác giả thơ mà ông đã từng gắn bó như: Diệp Minh Tuyền, Lê Giang, Viễn Phương, Xuân Quỳnh, Vũ Đình Liên…

Ngay trong 100 ca khúc tuyển chọn của ông xuất bản năm 1995 cũng có tới nửa phần là ca khúc phổ thơ. Nhạc sĩ Văn Dung, một người bạn và đồng nghiệp lâu năm của Hoàng Hiệp cũng phải công nhận ông là một trong số ít nhạc sĩ thành công với việc phổ nhạc cho thơ, chắp cánh cho thơ bay cao và có sức chuyển tải mạnh mẽ và giầu tính chiến đấu.

Và ai cũng rõ năm 2000, với 5 tác phẩm của ông được Nhà nước chọn để trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật, thì có tới 4 ca khúc phổ thơ, chỉ có duy nhất một bài ông tự viết lời, đó là bài Nhớ về Hà Nội.

Về chuyện phổ nhạc cho những bài thơ hay, ông quan niệm đó là sự đồng cảm hay linh cảm đặc biệt của nhạc sĩ khi bắt gặp những tứ thơ đặc sắc. Cho dù từ thơ nhạc đã cất lên, nhưng cấu trúc âm nhạc và tư duy hình tượng âm nhạc phải là phong cách sáng tạo riêng biệt, chứ không chỉ lệ thuộc hay minh họa cho thơ. Lúc đó thơ đã hoà nhuyễn vào giai điệu âm nhạc và cảm xúc âm nhạc làm rung động trái tim người nghe. Đó là sức mạnh của ca khúc phổ thơ.

Yêu một lần và mãi mãi

Có người nói vui là nhạc sĩ Hoàng Hiệp chẳng thể so sánh được với các nhạc sĩ khác về sự vương vấn với các bóng hồng trong đời mình. Nhưng lại có người ca ngợi ông là người chung tình số một Việt Nam. Nói gì thì nói, ông cũng chỉ im lặng mỉm cười và cam chịu thua thiệt bạn bè về cái khoản quen biết và yêu nhiều cô gái.

Còn nhạc sĩ Hồng Đăng lại bày tỏ về người bạn của mình một cách rõ nét rằng: “Với Hoàng Hiệp, một tình yêu đủ làm nên hàng trăm tác phẩm trong khi nhiều người khác, hàng trăm tình yêu vẫn không có một tác phẩm đọng lại trong lòng công chúng”.

Ca khúc Nhớ về Hà Nội thể hiện thật kỳ lạ về mối tình yêu duy nhất đó. Nói đây là do tình yêu sâu sắc với thủ đô mà nhạc sĩ đã làm nên tác phẩm, điều đó chẳng hề sai, nhưng có lẽ tình yêu và hôn nhân sâu nặng nghĩa tình của ông với người vợ, một người con của đất Hà thành mới chính là nguồn cảm xúc sâu sắc và vô tận về đề tài Hà Nội ngàn năm.

Có lẽ chính vì thế chăng mà với các ca khúc như Lá đỏ, Về thăm Lăng Bác, Em vẫn đợi anh về, Ngọn đèn đứng gác… đều mang một phong cách thanh tao cuốn hút bởi sự sang trọng lịch lãm của văn hoá Tràng An xưa. Đó là những giai điệu đẹp, ấn tượng cho dù chúng thể hiện một khí chất cao cả của cuộc chiến tranh hùng vĩ trên đất nước ta.

Hoàng Hiệp yêu như thế đó. Là một người con của đất An Giang, tập kết ra Bắc năm 1954, rồi quen và yêu cô gái xinh đẹp ở phố Nguyễn Du và gắn bó hơn nửa thế kỷ qua. Có lúc ông thổ lộ, thật hóm hỉnh rằng, ông cũng yêu rất nhiều, và những cô gái đó đều có bóng dáng trong cô gái Hà Nội đang ngồi cạnh mình, cả một đời dâng hiến cho ông. Chính tình yêu này chắp cánh cho tình yêu Hà Nội và ca khúc về Hà Nội ấy đã ra đời sau 8 năm ông trở về miền Nam.

Mối tình ấy được kể lại bằng những ký ức ấm áp da diết tạo nên một khúc tình ca vào loại hay nhất về Hà Nội. Chuyện kể rằng: “Nhớ từng con phố thâm nghiêm, với những đêm hoa sữa thơm nồng. Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya, bước chân năm tháng đi về. Và nhớ…”.

Ông đã tâm sự: “Đó là âm thanh quen thuộc mà mỗi sáng chủ nhật, bà ấy bế con lên xe điện ra phố Thụy Khuê, ra đường Cổ Ngư. Giữa tiếng đạn bom, mà em vẫn đạp xe ra phố… Đó là mối tình của tôi với bà ấy”. Quả là nhạc sĩ không có tình yêu nào ngoài tình yêu của vợ.

Nếu nói nhạc sĩ Hoàng Hiệp là ông hoàng phổ nhạc cho thơ thì cũng phải nói rằng lời trong bài hát do chính ông sáng tác đều là những bài thơ có giá trị. Lời trong bài Nhớ về Hà Nội đạt được độ hàm súc cao. Mỗi khúc đều là một khổ thơ chan chứa nỗi niềm:

“Nhớ những cơn mưa dài cuối đông
Áo chăn chưa ấm thân mình,
Và nhớ lúc bom rơi thời chiến tranh,
đất rung ngói tan gạch nát.
Em vẫn đạp xe ra phố,
Anh vẫn tìm âm thanh mới.
Bài hát đôi ta là khúc quân ca,
Là ước mơ xa hướng lên Ba đình,
tràn niềm tin…”

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nói một tình yêu chân thành và thuỷ chung thành vạn tình yêu là như thế. Tình yêu đất nước, tình yêu Hà Nội và trọn vẹn một niềm tin cho một tình yêu với một người con gái Hà Nội để làm nên bài ca sống mãi trong lòng người.

Một thời gian dài Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sáng nào cũng vang lên giai điệu khúc ca nay và ai mỗi khi thức giấc cũng đều nhẩm theo lời ca: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu một thời đạn bom, một thời hoà bình. Nhớ…”.

Chính vì lẽ đó, mà nhiều lần trong lúc mê man trên giường bệnh, ông vẫn chỉ gọi tên vợ ông, người con gái Hà Nội xưa, luôn túc trực bên  cạnh bón từng thìa cháo cho chồng. Hình ảnh bà Diễn Lan ân cần chăm sóc ông và hướng dẫn cho ông cách điều khiển chiếc xe lăn mỗi khi ông lúng túng đã trở nên quen thuộc và làm ấm áp lòng người; gợi cho ta bao nỗi niềm sâu thẳm về tình yêu.

Ca khúc phải thuộc về cuộc sống

Kho tàng âm nhạc của Hoàng Hiệp khá đồ sộ. Nếu không kể các tác phẩm khí nhạc, nhạc cho hàng chục bộ phim thì ông có tới 400 ca khúc tạo được một phong cách lãng mạn cách mạng sâu sắc. Điều nổi bật trong ca khúc của ông là dấu ấn của âm hưởng dân gian hiện đại.

Có thể nói ông là người mở đầu cho phong cách này mà hiện nay nhiều nhạc sĩ trẻ kế thừa, tiếp bước trên con đường tìm Bài hát Việt. Ông đã có nhận xét, kiểu viết nhạc “ăn xổi ở thì” sẽ khó có sức sống lâu bền. Âm nhạc cần bắt nguồn từ sự sống và trở về cuộc sống. Ông cũng đã có nhiều sách giáo khoa cho âm nhạc trong nhà trường và luôn đề cao ý tưởng đó.

Tình yêu với quê hương, đất nước với những gian nan và khổ đau của dân tộc đã làm nên sự nghiệp âm nhạc Hoàng Hiệp. Và những tác phẩm của ông từ đó cũng thuộc về cuộc sống. Người ta nhớ cùng nỗi nhớ của ông. Người ta vui cùng niềm vui của ông và sự sẻ chia ấy tạo được sức sống bền vững qua tác phẩm. Đó là những giai điệu bất tử đối với sự nghiệp âm nhạc cách mạng và đầy lãng mạn của người con miền Nam đối với Tổ quốc thân yêu

Vương Tâm - Chuyên đề ANTG Giữa tháng số 45
.
.
.