Nhạc sĩ An Thuyên bắt đầu học để viết cho đương đại

Thứ Năm, 02/08/2007, 20:08
Nổi tiếng với nhiều bài hát trữ tình về tình yêu, quê hương, đất nước, tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên có giá trị nghệ thuật cao và có sức lan toả rộng. Với ông, âm nhạc như một thiên chức mà người nhạc sĩ được lựa chọn.

Ông luôn trăn trở về sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam (VN), khắc khoải về một ngày gần nhất, âm nhạc VN có được vị trí trong khu vực và vươn ra thế giới...

- Gần đây, nhiều nhạc sĩ đã gióng lên hồi chuông báo động cho tình hình trì trệ của âm nhạc VN hiện nay. Các nhạc sĩ đã có lần nào cùng ngồi lại, nhìn nhận và mổ xẻ về vấn đề này?

- Đã có lần tôi phải kêu lên rằng: Âm nhạc của ta lạc hậu đến khủng khiếp! Trong khi không khí âm nhạc thế giới đổi mới cuồn cuộn mà ta cứ rù rì thì tất yếu sẽ bị tụt hậu.

Theo tôi, một trong những nguyên nhân tụt hậu là sự lạc hậu của giới nhạc. Âm nhạc cũng có thời đại, thời đại đã chuyển đổi nhưng những người làm ra nền âm nhạc đích thực thì chưa kịp chuyển đổi.

Trong quá trình hội nhập, tiếp thu cái mới, chúng ta hết sức bị động cho nên sự khủng hoảng ấy cũng là tất yếu thôi. Anh em nhạc sĩ lớp già chúng tôi thường nói đùa: Cái hay thì đã cũ, còn cái mới thì lại chưa hay.

- Dường như những việc làm của Hội Nhạc sĩ VN còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự giúp ích nhiều cho các nhạc sĩ?

- Hiện tại, một số anh em nhạc sĩ sáng tác có tính chất cầm chừng, số khác có tính chất mưu sinh. Trong thời kỳ kháng chiến, gian khổ gấp nhiều lần mà những tác phẩm lớn vẫn ra đời, bây giờ điều kiện tốt hơn  thì tác phẩm lại kém hơn trước rất nhiều. Vậy vấn đề là ở nhiệt huyết trong mỗi con người.

Cái lỗi chưa có được những tác phẩm thật hay cho đất nước, cho nhân dân, theo tôi trước tiên thuộc về văn nghệ sĩ. Phải đốt cháy ngọn lửa yêu đất nước, yêu nhân dân, yêu tổ quốc và con người VN trong thời kỳ mới một cách mạnh mẽ thì mới hy vọng có được những tác phẩm lớn còn nếu chúng ta chỉ tổ chức những cuộc này, cuộc kia thì nó cũng hết sức phong trào.

- Bản thân tôi thì nghĩ, do họ mải làm kinh tế, bận sáng tác theo đơn đặt hàng các ca khúc chất lượng trung bình nhưng nhuận bút cao...

- Thực ra, trên thế giới cũng có nhiều nhạc sĩ, ban nhạc làm kinh tế nhưng họ vẫn đóng góp những tác phẩm vĩ đại cho nghệ thuật. Họ viết bằng đặt hàng, nhưng họ có tài năng và có lao động sáng tạo nghệ thuật chính đáng.

Việc lớp trẻ làm kinh tế, theo tôi đó cũng không phải là lỗi. Lớp nhạc sĩ bọn tôi hiện nay cũng được các tỉnh, các đơn vị mời đi viết tỉnh ca, đơn vị ca, công trường ca... Như thế là lớp già cũng làm kinh tế, chứ không riêng gì lớp trẻ đâu.

Nhưng điều đáng nói ở đây là làm kinh tế nhưng làm sao anh vẫn phải lao động, sáng tạo và cống hiến cho nghệ thuật thì mới là cái khó, là cái mà lớp trẻ phải suy nghĩ. Lớp trẻ không nên quá sa đà vào cái đó mà “bán” mình, bằng mọi giá nhái hàng nọ, nhái hàng kia mà phải có được tên tuổi trước công chúng - đó mới là cái đáng quý.

- Trong giới chuyên môn, ông là người đấu tranh chống nạn “đạo” nhạc rất mạnh. Xin hỏi ông có phải chịu nhiều áp lực khi họ là đồng nghiệp của ông?

- Tôi nghĩ, làm việc gì bây giờ cũng phải chịu áp lực cả. Bây giờ lượn một vòng quanh thành phố để đi giải trí cũng toát mồ hôi, như thế cũng là áp lực rồi. Tôi nghĩ, những vấn đề bức xúc như thế nếu được giải quyết bằng sự tôn trọng lẫn nhau, bằng tình cảm chân thành thì sẽ đơn giản đi rất nhiều.

- Xin được hỏi ông về vấn đề đào tạo ở ta hiện nay. Thực tế cho thấy, không ít nhạc sĩ học rộng biết nhiều nhưng tác phẩm lại rất tồi. Còn có những nhạc sĩ, học hành lỗ mỗ thôi nhưng ca khúc lại rất ăn khách.

- Sáng tác thành thạo là bằng nhiều nguồn, chứ không phải cứ học hết đại học thì ông thành nhạc sĩ. Có người không đến trường ngày nào nhưng trong cuộc sống, người ta có đầy đủ tố chất để sáng tác ra một tác phẩm nghệ thuật cực kỳ vĩ đại thì sao.

Nói tóm lại, nghệ thuật chính là cuộc sống. Tôi nghĩ, để thành tài, ngoài học hành, tình yêu cuộc sống còn một yếu tố quan trọng nữa là thiên bẩm. Đừng vội nghĩ có học là thành tài ngay được, anh học là học kiến thức cơ bản còn vào đời cần nhiều yếu tố khác nữa. 

Nói chung, những giáo trình đào tạo của ta bây giờ đã cũ, các em học để biết kiến thức chứ không tác nghiệp bằng cái đó.

Để viết một tác phẩm lớn cần phải có bề dày về văn hóa, cuộc sống, trình độ nghề nghiệp. Hiện nay, các em cũng chưa phải là người tích lũy được nhiều. Bản thân chúng tôi để viết được những tác phẩm dài hơi cũng phải đến độ 40, 50 tuổi. Tất nhiên trong lịch sử âm nhạc cũng không loại trừ có những người rất trẻ viết rất hay.

Có điều này phải cảnh báo lớp trẻ là các bạn vừa chăm lo cho cuộc sống đương đại của mình thì cũng phải tính toán đến đường đi của nhà viết nhạc chuyên nghiệp chứ nếu chỉ phấn đấu trở thành tác giả có tên tuổi, nổi tiếng trong đời sống đương đại thì theo thời gian nó sẽ lặng đi. Tôi tin tưởng vào một số nhạc sĩ lớp trẻ hiện nay có thể làm được chuyện lớn.

- Trong số những nhạc sĩ hiện nay, ông đặc biệt thích những tác giả nào?

- Đặc biệt thích thì chưa hẳn nhưng để đặt niềm tin vào họ thì có. Nói chung là tôi thích và tin khoảng vài ba chục em, chẳng hạn như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Võ Thiện Thanh, Đỗ Bảo, Ngọc Châu, Xuân Phương... Cũng phải nói thật với bạn là hiện tại tôi đang học lớp trẻ đấy. Tôi thường nói đùa: Bây giờ tôi bắt đầu học lại để viết ca khúc thực sự cho đương đại. Nói như thế để thấy là mình rất yêu và tôn trọng lớp trẻ. Một câu hỏi lớn hiện nay là làm sao cho âm nhạc nói chung và ca khúc VN nói riêng có thể hội nhập được với quốc tế, thì đến lúc này đã thấy có những tác phẩm có thể hội nhập được.

- Ông liên tục có những chuyến đi suốt dọc chiều dài đất nước, đến với các vùng sâu vùng xa để tuyển sinh, trong khi sức khỏe không được tốt lắm. Động lực nào giúp ông thành công trong những chuyến đi ấy?

- Ở trường tôi, hiện tại có con em của 44 dân tộc đang theo học, mọi người cứ hay nói đùa, tôi như già làng của chúng nó vậy. Những chuyến đi như thế nó cho mình thêm sức mạnh.

Cách làm việc như hiện nay với tôi là một sự quá tải cực lớn, sức khỏe tôi không tốt nhưng tôi vẫn hoàn thành được mọi công việc. Bác sĩ của tôi nhiều lần bực mình vì tôi không chịu nghe theo lời khuyên của ông ấy. Tôi cảm giác là tôi nhận được nhiều may mắn từ cuộc sống, tôi sống thanh thản và có được cái sức khỏe ngoài sức tưởng tượng.

- Cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện này!

Theo Lê Hà (Gia đình & Xã hội)
.
.
.