Nhạc sĩ An Thuyên: "Tôi luôn mê đắm phụ nữ"
- Buổi sáng dậy, điều gì ông quan tâm nhất?
- Vươn vai, uống một cốc nước thật lạnh và hút một điếu thuốc. Sau đó xem tin tức - những mục xoay quanh đời sống của nhân dân: chỗ nào bão lụt, chỗ nào tai nạn…
- Còn đối với văn hóa văn nghệ, đã về hưu rồi mối quan tâm của ông ra sao?
- Đây là câu hỏi lớn đấy. Có thể tóm tắt ngắn gọn: sôi động, phong phú nhưng nhiều điều đáng lo ngại. Mong nhất là có một định hướng cho sự phát triển văn hóa, khống chế thị trường tự do. Tôi có niềm tin rất lớn là người Việt có khả năng thẩm định văn hóa. Nếu so với thời kỳ Ánh sáng thì bây giờ âm nhạc đúng là xuống cấp, nhưng trong nghệ thuật không cộng trừ nhân chia như vậy. Thời đại mới cần một loại hình âm nhạc mới, không nên so sánh. Tôi có cô cháu ngoại suốt ngày tiếp cận, đưa thông tin cho ông từ nhạc sàn tới nhạc trẻ. Tôi cho rằng Da nâu, Dối trá, Tâm hồn là vĩnh cửu… không có chất lượng cao nhưng chưa đến mức thảm họa.
- Nói như thế, phải chăng ông là người dễ tính?
- Chừng mực nào đó, tôi là người khó tính. Trong tôi luôn có hai con vật: con hổ và con thỏ. Chúng cãi nhau chí chóe. Lúc mình hăng say, mạnh mẽ, không sợ gì cả, lúc lại muốn trốn tránh, buông xuôi, muốn yên phận, muốn chuồn. Chốn quan trường đâu đơn giản.
- Vậy khi trở về nhà, ông là gì?
- Là thành phần phụ thuộc, là người thứ yếu trong gia đình, là nhân viên của vợ. Vợ quyết thế nào phải nghe như thế. Có lần bà ấy ốm, tôi sơ ý không thăm nom chu đáo, bà nói dỗi: “Vừa ốm xuống, chồng con chẳng ai đoái hoài”, tôi mới đùa: “Thôi, tôi biết khuyết điểm rồi. Thông thường thủ trưởng quan tâm nhân viên chứ mấy khi nhân viên quan tâm tới thủ trưởng”.
- Nhân viên khi bị trách mắng thường tìm cách lấy lòng thủ trưởng. Ông thì sao?
- Tôi im lặng. Vợ tôi có cách giải tỏa rất hay, khi nào bực mình với tôi là đi mua sắm, may quần áo để giải stress. Hỏi vợ tôi một năm giận tôi bao lần, hãy đếm tủ quần áo của bà ấy. Về nhà mặc thử nếu thấy đẹp là bà ấy nguôi giận luôn. Tôi cũng vui vì tôi chẳng cần làm công tác tư tưởng gì, tự bà ấy giải quyết được.
- Nhiều người đàn ông khi nhìn tủ quần áo, giày dép của vợ đã phát cáu. Còn ông?
- Nhà tôi có vợ và con gái là Bông Mai, nếu cứ nhìn giày dép, quần áo của họ mà cáu thì chắc tôi đã cáu cả đời rồi. Đôi khi tôi lại thấy hay hay, quần áo họ nhiều màu sắc khá vui mắt.
- Bản thân ông lại khá giản dị. Ông có bao giờ thấy vợ chồng mình như hai màu sắc đối lập?
- Tôi từng bị ví là có ngoại hình giống ông hàng phở. Chính vì thế mà lại hòa hợp. Phải có hai cực thì mọi thứ mới duy trì được trạng thái cân bằng: mặt trăng - mặt trời, đêm tối - ban ngày… luôn sánh đôi. Gia đình mà không chấp nhận những cái khác biệt của nhau thì khó tồn tại lắm.
- Con trai dường như cũng không chung đường với ông. Những sáng tác của ông lãng mạn, mềm mại còn sáng tác của An Hiếu rất dữ dội, mạnh mẽ. Ông nghĩ sao về điều này?
- An Hiếu đang ngược với tôi - đó là điều đáng mừng. Thế hệ, tuổi tác khác nhau, tư duy cuộc sống cũng khác nhau. Tên tuổi của tôi gây áp lực không nhỏ cho An Hiếu, hy vọng nó có bản lĩnh để vượt qua. Sau thời gian được đào tạo ở nước ngoài, hy vọng An Hiếu sẽ thể hiện được cá tính của mình. Trước đó, nhiều chương trình Bài hát Việt, An Hiếu thi và được giải một cách rất công bằng - không phải vì có bố trong thành phần giám khảo.
- Theo dõi những cuộc thi gần đây như Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Vietnam Idol, nhiều khán giả cho rằng các thí sinh hay chọn hát bài của nhạc sĩ ngồi ghế giám khảo như một cách tìm kiếm sự ủng hộ. Quan điểm của ông?
- Có thể có. Nhưng đấy là những người non tay, muốn tìm sự hỗ trợ. Ngược lại, có những thí sinh chọn bài hát của nhạc sĩ ngồi ghế giám khảo chỉ đơn giản ca khúc đó tôn được giọng họ. Tôi thường nói với các thí sinh: “Chọn những gì hợp với các con nhất. Hãy tìm tác phẩm chứ đừng tìm tác giả”. Nhiều cuộc thi Sao Mai, tôi phải nói với Ban tổ chức bảo thí sinh hát ít bài An Thuyên thôi mà không được. Nói thật không còn nhiều tác giả như tôi: viết kỹ thuật nhưng vẫn có hơi thở mới, phù hợp với giới trẻ.
- Trong số các sáng tác của mình, ông ưng ý nhất bài nào?
- Có bài làm cho tôi nổi tiếng trong khán giả, có bài được đánh giá cao bởi giới chuyên môn, nhưng tôi yêu nhất là đứa con đầu lòng của mình - Em chọn lối này - rất hồn nhiên và bản năng. Nó xuất phát từ bài dân ca Thái: “Trên rừng nhiều đường lắm lối, em chọn con đường tình yêu của anh suốt đời”. Tôi viết chỉ 30 phút - khi là người chưa học gì về sáng tác, mới chỉ biết ký âm nhưng đến tận bây giờ vẫn không thể chỉnh sửa một từ, một nốt nào.
- Đã bao giờ ông phải rơi lệ khi sáng tác?
- Nhiều chứ. Bài Đò đưa nhớ Bác là bài hát thứ hai của tôi - lúc ấy mới ngoài hai mươi nhưng viết như một ông cụ rất già, vừa viết vừa khóc. Bài Neo đậu bến quê là lúc tôi vướng mắc trong quản lý - định về quê trồng ngô, không quan chức gì nữa, nên mới có “ngô mướt dài bãi quê, đàn trâu chậm ngoài đê, vẫn đi về lối cũ”. Rồi bài Mẹ Việt Nam anh hùng. Dường như những bài mình có nhiều xúc cảm thì sẽ thành công.
- Những giọng hát nào phù hợp với dòng nhạc của ông?
- Trước đây phải kể đến Lệ Thanh, Thu Hiền, sau này thì thế hệ trẻ rất nhiều: Quang Linh, Lê Anh Dũng nhưng chủ yếu là các giọng ca nữ: Anh Thơ, Hà Linh, Bùi Lê Mận… Thậm chí, có người còn cố vấn cho tôi làm đĩa nhạc "Những đại mỹ nhân trong cuộc đời An Thuyên", nhưng ngồi tính thì đến vài chục cô - khó quá chả biết chọn cô nào.
- Có khi nào từ sự đồng cảm trong nghệ thuật mà trái tim nghệ sĩ trong ông nảy sinh những rung cảm tình yêu?
- Không rung động sao được. Họ gắn bó với mình, làm nên một phần thành công cho những sáng tác của mình, tức là đem lại cho mình hạnh phúc, vì thế mình cũng có ấn tượng với người này, người kia nhưng phải có sự giới hạn bản thân. Dù sao, mình cũng là người đàn ông có tư cách. Nếu yêu người thể hiện tác phẩm thì tôi yêu nhiều người lắm. Nhưng chỉ dám yêu trên âm nhạc thôi.
- Vợ ông có khi nào chạnh lòng vì sự đa cảm ấy?
- Vợ tôi nhiều lúc buồn - cái đó không thể phủ nhận, nhưng bà ấy cũng hiểu được chồng. Có một người hỏi vợ tôi: “Bài hát Huế thương có phải viết về chị không?”, vì vợ tôi quê Huế. Vợ tôi đáp: “Nếu ông ấy viết về tôi thì chắc không có Huế thương”.
Bài hát nào của tôi cũng có dấu ấn của phụ nữ. Nhưng trong bóng hình đó là có hình bóng người vợ, người bạn, người mình mong nhớ, thậm chí là đơn phương. Tôi là người cứ yêu phụ nữ mê đắm thế thôi.
- Còn phụ nữ với ông thì sao - có thể họ không quan trọng ông có giống người bán phở không, vì có câu “Gái ham tài, trai ham sắc”?
- Có chứ. Nhưng nói thật, số người tôi đơn phương thích nhiều hơn số thích tôi nhiều