Nhạc Việt thời "nằm im cố thủ"

Thứ Ba, 21/08/2007, 11:44
Khoảng hai năm trở lại đây, showbiz Việt khá bình lặng, đã không còn thời kỳ “đình đám” của những ca khúc “hit”, do vậy có vẻ như các “sao” đang tạm thời nằm im “cố thủ”.

Đã không còn thời Khi giấc mơ về của Phương Thanh, Mãi mãi một tình yêu (Đan Trường), Bức thư tình thứ hai (Hồ Quỳnh Hương), Dường như ta đã (Mỹ Tâm)… những ca khúc “hit” sau thời kỳ “thoái trào” của dòng nhạc được coi là thị trường.

Các “sao” vẫn ngược xuôi chạy sô Bắc Nam, thậm chí bay sô hải ngoại. Tuy nhiên họ đã không còn tạo được sự “sôi sùng sục” mỗi lần xuất hiện, và trên sân khấu, chút ít ca khúc tạo được sự hưởng ứng của khán giả vẫn chính là những ca khúc cũ.

Một thời, các website luôn thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ bởi các ca khúc “hit” kéo theo sự ngưỡng mộ của các fan đối với thần tượng của mình.

Tuy nhiên đã gần hai năm qua, các ca sỹ không ai tạo được “hiện tượng” bằng những ca khúc gây “sốt” cho các fan - điều đó minh chứng cho tình trạng thiếu ca khúc, hoặc “gu” thưởng thức của các khán giả trẻ đã nâng lên một bước, chính vì vậy những ca khúc dễ dãi đã không còn được đón nhận.

Một hiện tượng khác nữa, đó chính là những vụ tranh chấp ca khúc giữa các ca sỹ với nhau hoặc giữa nhạc sỹ với các công ty đào tạo ca sỹ “lùm xùm” xảy ra thời gian gần đây.

Khoảng hai năm trở lại đây, showbiz Việt khá bình lặng, đã không còn thời kỳ “đình đám” của những ca khúc “hit” (Ảnh minh họa).

Trong tình trạng các ca sỹ hàng “sao” bỏ tiền ra mua ca khúc độc quyền và cố gắng đẩy chúng lên thành “hit” thì lại có rất nhiều ca sỹ khác “lăm le” sử dụng trong các show diễn tỉnh, thậm chí là tại ngay các thành phố lớn nếu như không có ca sỹ “độc quyền” kia xuất hiện cùng sân khấu.

Tình trạng các nhạc sỹ trẻ đầu quân cho một số công ty âm nhạc và chỉ sáng tác độc quyền cho các ca sỹ trong công ty biểu diễn khiến cho thị trường ca khúc đã thiếu lại càng khan hiếm hơn như trường hợp Nguyễn Hoài Anh của Thế giới giải trí hay Sỹ Luân bên Nguyễn Pro… những nhạc sỹ này thường có những ca khúc trẻ trung, sôi nổi phù hợp với gu thưởng thức của các khán giả trẻ Sài Gòn.

Những nhạc sỹ “già” người thì “chán chường” với tình trạng “bát nháo” của showbiz thời gian qua nên “lui về ở ẩn” làm những công việc khác, người thì chú tâm vào công việc đào tạo hoặc làm công việc viết lời cho những sáng tác của các nhạc sỹ trẻ, sự phối hợp như thế cũng tạo cho họ chút hưng phấn trong bối cảnh nhạc nhẹ Việt vẫn đang loay hoay tìm lối đi như hiện nay.

Một số nhạc sỹ trẻ tài năng khác thì quay sang làm… world music hoặc các dự án âm nhạc “đẳng cấp” mà quên đi việc sáng tác, số khác quay sang làm “nhà sản xuất” chuyên phối khí và phát hành băng đĩa cho các ca sỹ trẻ, họ đành tạm thời “cất” niềm đam mê sáng tác, chờ một cơ hội khác.

Để “đối phó” với tình trạng thiếu ca khúc, một số ca sỹ hàng “sao” đã bỏ khá nhiều tiền ra để mua những ca khúc nước ngoài như Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Tâm, Đan Trường…

Những ca sỹ này chấp nhận bỏ một khoản tiền lớn để mua những ca khúc hay của nước ngoài, nhưng cũng rất khó khăn bởi liên lạc đối tác để mua được đã khó, về viết lời Việt và đẩy nó lên thành “hit” lại càng không dễ dàng. Tuy nhiên, những ca sỹ kể trên vẫn là may mắn, bởi cũng có nhiều ca sỹ khác không thể mua được bởi hoặc là không liên lạc được đối tác, hoặc giá bản quyền quá cao.

Một số ca sỹ thì quay sang… tự sáng tác. Đây là cách mà các ca sỹ quốc tế họ làm rất lâu rồi, tuy nhiên nó lại khá mới đối với showbiz Việt, dù trước đó những Trần Tiến, Thế Hiển, Đình Văn… là những người thường tự hát những bài mình sáng tác.

Mỹ Tâm cũng từng “đình đám” với một số ca khúc tự sáng tác.

Trong lứa ca sỹ trẻ gần đây có Mỹ Tâm, Mai Khôi, Minh Quân và trẻ hơn như Minh Thư, Thủy Tiên, Tăng Nhật Tuệ…cũng đang đi theo hướng này như là một “cứu cánh”.

Mỹ Tâm khá “đình đám” với Nụ hôn bất ngờ, Dường như ta đã… nhưng chuyện đó cũng cách đây 2 năm rồi. Mai Khôi từng xuất hiện trên sân khấu Bài hát Việt với hình ảnh ôm đàn ngồi hát ca khúc của mình, khá ấn tượng như những ca khúc khác cô hát trên các sân khấu biểu diễn, nhưng cũng chỉ có thế.

Thủy Tiên từng “hoành tráng” như là ca sỹ đầu tiên ở Việt Nam hát Gothic Rock, nhưng cũng chỉ là gây ấn tượng từ năm 2005 rồi… “mất hút” mà chưa làm “bùng nổ” để đưa tên tuổi mình lên được.

Minh Thư bước ra từ Sao mai điểm hẹn với Em không hề khóc và một loạt những ca khúc cô tự sáng tác với thể loại Alternative nhưng cũng chỉ có Em không hề khóc tạm thời là bài “đinh” trong những ca khúc cô sáng tác. Tăng Nhật Tuệ có thể nói là con ong chăm chỉ và là người khá cương quyết khi đi trên con đường mình đã chọn.

Hàng loạt ca khúc anh sáng tác cho Hiền Thục cũng như cho chính mình, cùng với 6 lần ca khúc của anh lọt được vào chung kết tháng của Bài hát Việt chứng tỏ sức sáng tác khá “dồi dào” của chàng trai trẻ Hà Nội này.

Mặc dù chưa có ca khúc nào tạo nên “làn sóng” cho Hiền Thục cũng như chính mình, nhưng nếu Tăng Nhật Tuệ vẫn cứ tiếp tục theo hướng sáng tác như hiện nay, “chiến thắng” thuộc về anh là điều có thể xảy ra.

Có thể nói, những giải pháp trên mới chỉ đa phần là do các ca sỹ tự nghĩ ra để “cứu” mình như một giải pháp tình thế. Trên thực tế, trong số những ca sỹ “sáng tác” trên thì chỉ có Mai Khôi, Thủy Tiên, Tăng Nhật Tuệ là có thể sẽ thành công nếu đi theo con đường này, các ca sỹ còn lại chưa thể thấy được tiềm năng tiến xa của họ trong việc tự sáng tác cho chính mình. Họ vẫn rất cần đến các nhạc sỹ, đó là điều hoàn toàn chính đáng.

Thời gian qua, chính các khán giả trẻ đã phê phán, thậm chí “tẩy chay” rất mạnh mẽ những sáng tác dễ dãi với ca từ “rẻ tiền”, thô thiển trên các diễn đàn âm nhạc, điều này chứng tỏ thời của những ca khúc “ngây ngô” đã không còn, và những nhạc sỹ - cha đẻ của trào lưu ca khúc ấy cũng phải tĩnh tâm để suy nghĩ lại và tìm hướng đi mới tích cực hơn.

Việc cải thiện tình trạng thiếu ca khúc hay như hiện nay không chỉ là thời gian mà còn là trách nhiệm đối với các nhạc sỹ, nhất là những nhạc sỹ trẻ - những người đồng hành cùng nền nhạc nhẹ Việt Nam đương đại.

Hãy vì lòng tự trọng của mình để đừng cuốn theo sự dễ dãi của thị trường, hoặc đừng vì bươn chải trong kế mưu sinh mà làm mất đi những giá trị nghệ thuật đích thực, điều đó vừa tổn hại đến khả năng sáng tạo của các nhạc sỹ, vừa làm cho tình trạng “thiếu ca khúc” của showbisz Việt ngày càng trầm trọng hơn

Theo Tùng Huy (Vnmedia)
.
.
.