Nhà viết kịch Xuân Trình: Đi trước thời mình đã sống
Một đời có thể rất dài đối với người này nhưng lại quá ngắn đối với người khác. Với nhà viết kịch quá cố Xuân Trình, gần sáu thập niên trên cõi thế có lẽ không đủ để anh trải hết lòng mình vào các kịch bản. Càng ở cuối con đường, kịch của Xuân Trình càng sắc sảo, lay động hơn và cho tới kịch bản cuối cùng ông viết "Nửa ngày về chiều" (1990), ta vẫn có cảm giác ông chưa kịp tung hết công lực đích thực của mình.
Cảm giác này càng rõ hơn khi ta đọc lại tuyển tập Xuân Trình - Tác phẩm chọn lọc do Nhà xuất bản Sân khấu vừa ấn hành theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Đây là một tập sách đồ sộ, dày hơn 1.300 trang.
Ai đó đã nói rằng, để sống cùng hậu thế, người viết phải biết cách đi trước thời của mình. Có lẽ Xuân Trình là một trong những tác giả như thế. Hầu hết các kịch bản in trong sách lần này của ông đều không chỉ phản ánh một cách chân thực và sinh động những cảnh đời ấm lạnh của những tháng năm mà ông đã sống, mà còn ẩn chứa những dự báo, lúc mơ hồ lúc rất rõ rệt, về tương lai trên một góc nhìn có thể nói là mới mẻ, mang nhiều tính phát hiện. Ông đã dám sớm đả động đến những tiêu cực tuy mới manh nha nhưng đã rất tiềm tàng khả năng phá hoại cuộc sống hướng thiện và quý trọng những giá trị tinh thần của thời bao cấp. Ông cũng là người cảm nhận được và dám bộc lộ ra cái nhìn mang tính thân phận về các cá nhân trong va đập của những biến cố xã hội và chiến tranh.
Nhà viết kịch Xuân Trình sinh năm 1936, quê xã Yên Hùng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Từng làm Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu từ năm 1983 cho tới khi qua đời năm 1991. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001. |
Trong Quê hương Việt Nam (viết năm 1967), Xuân Trình đã đưa ra những lý giải bước đầu mang tính nhân đạo và nhân văn của mình về những hy sinh to lớn của người nông dân Việt Nam trên vùng đất lửa Vĩnh Linh cho đất nước trong những mâu thuẫn nội tâm về yêu ghét, được mất, vinh nhục... trong chính tâm hồn họ với những lời thoại đôi lúc thật bạo dạn. Và ông đã bị "đeo án" không thành văn là đã viết nên một tác phẩm không củng cố được tinh thần quyết chiến (?!). Thực ra, Xuân Trình đã đi trước được thời cuộc vì phải tới gần 20 năm sau (năm 1985), nhà viết kịch xuất sắc của quân đội là Đào Hồng Cẩm cũng mới đưa được một kịch bản mang hơi hướng tương tự như Quê hương Việt Nam lên sàn diễn, đó là vở Tiếng hát...
Có lẽ ngay từ Quê hương Việt Nam, Xuân Trình đã sáng tạo theo phương châm mà sau này, năm 1973, ông thổ lộ trong một bài báo đăng trên tờ Văn nghệ: "Tôi không bao giờ chủ trương miêu tả chiến tranh bằng bất kỳ giá nào, tôi cũng rất tán thành phải lên án những kẻ thi vị hóa chiến tranh, xóa mờ ranh giới khi miêu tả chiến tranh hoặc làm rùng rợn thêm, làm cho con người thấy thấp bé, khiếp đảm mà bó tay trước các thế lực xâm lược... Nhưng nếu những quan niệm giản đơn, một chiều, tránh né còn tồn tại thì có thể còn nhiều năm nữa chúng ta vẫn chưa thể có nổi một tác phẩm miêu tả chân thực đời sống chiến đấu của chúng ta và những tác phẩm chân thực là tiền đề cho những tác phẩm lớn mà chúng ta mơ ước". Khao khát này của Xuân Trình có lẽ không bao giờ cũ và cho tới ngày hôm nay vẫn còn tính thời sự y như xưa.
Chính Xuân Trình cũng là một trong những nhà viết kịch đầu tiên ở Việt
Và cũng chính cái ý tưởng anh minh đó đã khiến cho tác giả kịch bản Bạch đàn liễu lại thêm một lần long đong. Đạo diễn, NSND - GS Đình Quang trong lời nói đầu viết cho cuốn sách Xuân Trình - Tác phẩm chọn lọc cũng đã ngậm ngùi nhớ lại: "Nói chung, mọi vở của anh đều phải duyệt lên duyệt xuống nhiều lần. Bạch đàn liễu đã phải duyệt đến bẩy lần, qua nhiều cấp, chỉ vì phê phán hiện tượng lộng hành, mất dân chủ, tham ô, thất đức của cá nhân một Phó chủ tịch xã..."
Những vở kịch tiếp theo của Xuân Trình như Ngôi nhà trong thành phố (1973), Hận thù từ đâu tới (1975)... còn bị rơi vào tình huống "có sinh không có sống", tức là được dựng nhưng không được diễn chỉ vì ông đã không nói những lời hợp thời mà lại đưa ra những ý tưởng đi trước hiện tại mà giờ đây chúng ta thấy rằng rất đúng...
Với khoảng lùi tuy chưa dài nhưng không phải là ngắn nữa, hôm nay đọc lại kịch bản của Xuân Trình, mỗi người đọc có thể thu nhận được những kết luận khác nhau, nhưng có lẽ ai cũng cảm thương cho một nhân cách sáng tạo đã chọn cho mình con đường đi duy nhất đúng: Chỉ nói ra những gì trái tim yêu và trí óc tin..