Nhà văn trẻ với đề tài văn học thiếu nhi

Thứ Năm, 02/06/2011, 09:55
Có một thời gian dài, nhiều nhà văn trẻ không mặn mà với đề tài thiếu nhi, mà họ đi sâu vào những đề tài của đời sống đương đại. Tuy nhiên, gần đây, chiều hướng các tác giả trẻ viết về đề tài thiếu nhi trên văn đàn chiếm một tỉ trọng khá lớn và thu hút được một lượng độc giả nhí cũng như các bậc làm cha, làm mẹ quan tâm.

Nhân Tháng hành động vì trẻ em, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn, Tiến sĩ Giáo dục học Thụy Anh, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy về những cuốn sách văn học thiếu nhi mà họ đã ra mắt công chúng trong thời gian qua như: "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa", "Bố ơi, vì sao?"…

- Thưa các anh chị, là một trong những nhà văn trẻ gần đây đã có tác phẩm dành cho các em thiếu nhi xuất bản và có hiệu ứng khá lớn đối với các độc giả nhí, anh (chị) có thể chia sẻ những kinh nghiệm, cảm xúc cũng như quá trình sáng tác tác phẩm của mình?

- Nhà văn Thụy Anh: Thực ra, tác phẩm mà tôi muốn viết cho thiếu nhi nhất thì vẫn còn đang là ước mơ và tôi ấp ủ hy vọng có thể làm được điều đó trong một vài năm tới. Hai năm qua, tôi sáng tác chủ yếu cho các cháu bé độ tuổi nhà trẻ, nghĩa là từ 1 đến 3 tuổi, là độ tuổi mà tôi nghĩ rằng, chưa có nhiều sáng tác trong nước hướng tới. Những bài thơ gần gũi với đồng dao, những câu chuyện nho nhỏ tôi viết để các bé học và khám phá cảm xúc của bản thân và những người xung quanh, tìm hiểu thế giới bên ngoài… Ngoài ra, có bộ "Bố ơi, vì sao?" do Alpha Books ấn hành dành cho lứa tuổi từ 2-8 thì có thể nói không phải dòng sách văn học mà là sách kỹ năng - những văn bản đó ít mang tính truyện mà chỉ là những phương án, những mẩu chuyện hoặc chi tiết được chọn lọc để bố mẹ cân nhắc sử dụng trò chuyện với con. Tôi viết những tập sách này theo yêu cầu của độc giả Tạp chí Mẹ&Bé, sau này đã biên tập lại.

- Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Tôi viết cho các em thiếu nhi xuất phát từ một đơn đặt hàng của Nhà xuất bản Kim Đồng. Khi viết "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa", tôi luôn hình dung mình đang kể chuyện cho các em nhỏ, để ngôn ngữ kể chuyện gần gũi với lứa tuổi các em. Tôi luôn nhắc mình rằng, đây là một cuốn sách dành cho thiếu nhi để tiếp cận đúng hướng. Hãy nói truyện với trẻ em và lắng nghe các em nói chuyện với nhau, bạn sẽ thấy thật dễ thương. Hãy vào vai một đứa trẻ như thế.

- Khi tác phẩm ra đời, các anh, chị có nhận thấy hiệu ứng tích cực của nó đối với các độc giả nhí của mình?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Khi một cuốn sách hoàn thành, tác giả nào cũng sẽ muốn nghe phản hồi của nó từ phía bạn đọc. Tôi muốn nghe ý kiến đa chiều, và luôn lưu tâm đến ý kiến của chính những em nhỏ, những bạn đọc mà cuốn sách của mình hướng tới, không chỉ chú ý đến hiệu ứng tích cực mà tôi cũng sẵn sàng đón nhận cả hiệu ứng… tiêu cực nếu có.

- Nhà văn Thụy Anh: Rất may là tôi có "kênh" nhận được phản hồi rất nhanh chóng - qua Tạp chí Mẹ&Bé và qua hòm thư của CLB Đọc sách cùng con. Tôi thấy rất vui khi các mẹ tâm sự là nhiều bé bé xíu đọc thuộc những bài thơ tôi viết về chú chuột trũi, anh cá voi, mẹ con nhà chuột túi, cái bếp vui vẻ… Viết theo kiểu và nhịp đồng dao khiến trẻ dễ thuộc, vì thế mà dùng thơ kiểu đồng dao sẽ dễ dạy trẻ, dạy đủ thứ trên đời. Một bài đồng dao có thể ngăn ngắn, cũng có thể đọc mãi, đọc mãi, kéo dài dằng dặc như trò chơi miên man của tuổi nhỏ, mà chẳng làm ai mệt, chẳng làm ai khó chịu. Bởi vì nó cứ nhịp nhịp mà trôi. Dậm dậm bàn chân, vỗ vỗ đôi bàn tay, thế là có thứ đệm cho lời, để bài thơ thêm sôi nổi. Đó là lý do mà tôi thích bắt chước đồng dao để viết cho trẻ 1-3 tuổi.

- Có một thực tế, hiện nay, ở lứa tuổi thiếu nhi, các em thường thích các trò game, các phim hoạt hình trên TV hơn là đọc sách hoặc nghe kể chuyện. Theo anh chị, nên có động thái như thế nào để các độc giả nhí quan tâm hơn đến sách?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Ngay cả người lớn không phải ai cũng thích đọc sách chứ đừng nói các em thiếu nhi. Còn để các em quan tâm đến sách thì tốt nhất là những người làm sách hãy quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của các em. Các bậc phụ huynh thì đóng vai trò lựa chọn những ấn phẩm phù hợp với sở thích của con mình, ví dụ nếu các em thích game sẽ quan tâm hơn đến những cuốn sách về chủ đề này. Tôi có một cậu cháu trai, mẹ cậu ấy mua về khá nhiều sách, nhưng thứ mà cậu ấy thích nhất vẫn là cuốn tạp chí ôtô và bộ sách về các con vật. Không hẳn là chiều theo sở thích các em, nhưng nên quan tâm đến từng sở thích khác nhau để dần dần hướng các em đến thói quen đọc sách. Hãy bắt đầu như thế… 

- Nhà văn Thụy Anh: Đây là một phỏng đoán thông qua một số hiện tượng, nhưng theo tôi, cũng chưa thể nói chắc nếu không có số liệu thống kê cụ thể. Khi tôi đi giao lưu đọc sách với các em thì thấy các em vẫn hào hứng với sách lắm, kể cả nghe kể chuyện nữa. Trẻ thời đại mới phải khác trẻ thời xưa chứ! Chẳng hạn, các em học sinh mà tôi thường nói chuyện, chúng bảo không thích “Dế mèn phiêu lưu ký” cho dù tác phẩm đó chúng được học trên lớp. Vì sao? "Vì chuyện gì các cô cũng bắt phải tìm ra bài học, mệt lắm!". Theo tôi, đó cũng là một điều cần lưu ý trong tâm lý trẻ khi tiếp nhận tác phẩm văn học, từ đó điều chỉnh cách dạy Văn trong nhà trường. Gợi được sự rung động của cảm xúc và phát huy trí tưởng tượng cần hơn là đến với chủ đề, chủ điểm hay bài học cụ thể. Giữ được sự tinh tế, trẻ sẽ có động lực tìm đến sách như một món ăn tinh thần không thể thiếu, kể cả trong thời đại nghe - nhìn này. Thêm vào đó, tôi thiết nghĩ, để trẻ quan tâm đến sách, coi sách là một phần của cuộc sống mình thì bố mẹ cần có cách tiếp cận trẻ thật cẩn trọng và khéo léo, để con thấy bố mẹ vẫn trân trọng lựa chọn của con (game hay phim hoạt hình - chính nhiều bố mẹ cũng vẫn thích cơ mà), đồng thời chỉ ra được những cái hay của sách bằng hành động của mình chứ không phải và cũng không thể ép con thích sách được. Truyền thống đọc sách của gia đình, thói quen và kỹ năng đọc của bố mẹ, sự khuyến khích của nhà trường, sự tạo điều kiện tối đa cho việc đọc của trẻ từ phía xã hội.

- Trân trọng cảm ơn các anh chị!

Thiên Kim (Thực hiện)
.
.
.