Nhà văn tham gia vào dòng chảy xã hội phải bằng tác phẩm
Đại hội Hội Nhà văn lần thứ VIII chuẩn bị diễn ra được coi là một sinh hoạt quan trọng trong đời sống văn hóa của đất nước. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam.
PV: Là nhà văn công tác tại cơ quan Hội Nhà văn, anh có thể cho biết, công tác chuẩn bị đại hội như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng (NXH): Tôi xin trả lời với tư cách nhà văn, chia sẻ thông tin với độc giả, chứ không phải là tư cách một cán bộ thuộc cơ quan Hội Nhà văn, vì tôi không có quyền phát ngôn về đại hội. Tại các đại hội cơ sở, người ta nói là thảo luận về sửa đổi điều lệ và các vấn đề văn học, nhưng, thực ra, điều chính yếu nhất, sôi nổi nhất lại là việc bầu giới thiệu ứng cử viên cho việc lập danh sách ứng cử vào Ban chấp hành khóa tới.
PV: Đại hội khoá trước có tới mấy trăm người ứng cử, song chỉ bầu được 6 uỷ viên BCH. Điều này cho thấy, việc lựa chọn các thành viên BCH Hội Nhà văn luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt và… không mấy dễ dàng?
Nhà văn NXH: Nhà văn thường tôn trọng cá tính sáng tạo. Có lẽ bệnh nghề nghiệp ấy ảnh hưởng cả đến các hoạt động xã hội khác. Thành phần các nhà văn lại đa dạng nên khó thống nhất.
PV: Anh có quan tâm đến công tác bầu cử BCH mới không?
Nhà văn NXH: Nói không quan tâm thì không phải. Vì tôi đứng đầu một cơ quan trực thuộc Hội Nhà văn. Thành phần BCH sẽ quyết định công tác chỉ đạo hoạt động và sự phát triển của Hội, tức là ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ quan mà tôi làm giám đốc. Nhưng tôi chỉ là một hội viên bình thường, đến đại hội thì dù có nói cũng chỉ là một phần nghìn người, bỏ một lá phiếu. Nhìn lại các đại hội trước đây cũng thế. Bây giờ, cách chuẩn bị đại hội thực ra cũng không có gì đột phá hơn để có thể thay đổi về cách thức tổ chức đại hội và sự phát triển của Hội.
PV: Anh có vẻ bi quan về tương lai?
Nhà văn NXH: Tôi là một người thực tế. Đại hội thế nào cũng không mấy ảnh hưởng đến tình hình văn học, hay góp phần vào việc phát sinh ra tài năng văn chương. Tác phẩm lớn cũng vẫn là một bí hiểm, làm sao để một đại hội có thể có lời giải. Nhưng có điều này thì có vẻ thực tế: Nhà văn tham gia thế nào vào dòng chảy đời sống xã hội? Điều này thì các nhà văn có thể tranh luận và bàn với nhau.
PV: Với câu hỏi này, anh sẽ nói gì?
Nhà văn NXH: Nhà văn tham gia vào dòng chảy xã hội bằng chính tác phẩm. Đáng buồn là, hiện nay, khá nhiều người nổi danh không phải bằng tác phẩm, mà vì phát biểu trên các diễn đàn về các vấn đề ngoài văn chương hoặc do các… scandal. Thông qua hoạt động này, đôi khi, tư cách nhà văn đang bị hạ thấp trong con mắt của công chúng. Một bộ phận nhỏ mang danh nhà văn, nhưng đang tụt hậu về mọi mặt, không theo kịp cuộc sống…
Cảnh trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải" do Hãng phim Hội Nhà văn sản xuất. |
PV: Anh có thể nói cụ thể hơn?
Nhà văn NXH: Một vài người bức xúc về việc phân chia tiền hỗ trợ sáng tác, rồi nói đó là tiền thuế của nhân dân, nhà văn không nên dựa vào Nhà nước. Đó cũng là một thái độ cực đoan. Thuế của nhân dân làm cầu, làm đường, làm cơ sở hạ tầng, và có hỗ trợ để xây dựng kiến trúc thượng tầng, trong đó có kích thích sáng tạo của nhà văn. Nhà nước nào cũng hỗ trợ đội ngũ làm công tác tư tưởng và văn nghệ. Có điều họ thể chế hóa nó, kích thích bằng chế tài, chứ không đưa tiền cho một hội nhà văn nào chia tiền cho hội viên.
Tôi chưa bao giờ nhận một đồng tiền hỗ trợ sáng tác. Nhưng việc Nhà nước cấp tiền cho Hội Nhà văn phát triển công tác Hội, kích thích sáng tác, thì chả cần gì phải bàn nhiều đến thế. Nói không cần tiền Nhà nước để phát triển văn học là một kiểu ảo tưởng xa rời thực tế. Người lãnh đạo Hội có tâm có tài thì sẽ sử dụng tốt số kinh phí ít ỏi ấy.
PV: Có ý kiến về việc nên giải tán Hãng phim Hội Nhà văn, anh thấy sao?
Nhà văn NXH: Hội Nhà văn có tiếng nói với xã hội bằng hệ thống các ấn phẩm, trong đó có báo, tạp chí, nhà xuất bản, hãng phim, trung tâm bản quyền… Sản phẩm của Hãng phim đã có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Hãng có thành tựu, có giải thưởng Bông sen, Cánh diều vàng, đạt tiêu chí nghề nghiệp được đồng nghiệp và xã hội kính trọng. Đó là tiếng nói dõng dạc của Hội Nhà văn đối với xã hội, là công lao xây đắp của nhiều thế hệ nhà văn trong hơn 20 năm.
Xu thế xã hội là truyền thông đa ngành, đa phương tiện, tôi không nghe thấy ai nói với tôi là giải tán Hãng phim. Chả lẽ lãnh đạo Hội Nhà văn lại lạc hậu hơn nhiều lần so với lãnh đạo Hội Điện ảnh? Hiện nay, Hãng phim Hội Nhà văn phải tự lực trong tồn tại, không lấy một đồng tiền nào trong kinh phí hoạt động của Hội Nhà văn. Chỉ khi tự sống, phát triển được, thì mới nói đến việc mang lại lợi ích cụ thể cho các hội viên. Và việc này, cũng có vai trò của lãnh đạo Hội Nhà văn.
Thực tế, Hãng phim đang là đơn vị duy nhất hợp tác làm phim thành công với Trung Quốc, được Nhà nước và ngành Điện ảnh ghi nhận là đột phá trong hợp tác với nước ngoài để phát triển điện ảnh. Xu thế trong hợp tác kinh tế - xã hội hiện đại là tăng cường hợp tác, phát huy thế mạnh của mình, tận dụng thế mạnh của người khác. Chúng tôi góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác với nước ngoài, làm ra các sản phẩm tốt nhãn hiệu Việt có thể cạnh tranh trên thị truờng phim ảnh, đó cũng là tình cảm yêu nước chân chính.
PV: Cảm ơn sự chia sẻ của anh!