Nhà văn, liệt sỹ, AHLLVTND Chu Cẩm Phong: Một cuộc đời đẹp

Thứ Bảy, 14/05/2011, 11:54
Đông đảo nhà văn, nhà thơ, những đồng đội từng một thời chung sống ở chiến trường khu 5 ác liệt, cả người thân, thầy cô giáo cùng rất nhiều bạn học cũ đã tề tựu về Hà Nội sáng 12/5, trong buổi lễ tưởng niệm 40 năm ngày nhà văn, liệt sỹ, Anh hùng LLVTND Chu Cẩm Phong hy sinh tại mảnh đất Duy Xuyên, Quảng Nam kiên cường, dũng cảm…

Trong lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam từ ngày thành lập, năm 1957 tới nay, Chu Cẩm Phong là một trường hợp hy hữu. Ông là người duy nhất được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (tháng 3/2010) với tư cách nhà văn (nhà thơ, Tướng Huỳnh Văn Nghệ được truy tặng danh hiệu AHLLVT với tư cách người chỉ huy quân sự).

Sự nghiệp văn chương ngắn ngủi của Chu Cẩm Phong chỉ có 3,5 năm. Tác phẩm quan trọng nhất anh để lại cho đời: "Nhật ký chiến tranh", một tập hợp những ghi chép thường ngày của Chu Cẩm Phong tại chiến trường, bắt đầu từ 11/7/1967 và kết thúc vào 24/4/1971, bảy ngày trước khi nhà văn hy sinh (1/5/1971).

Nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung hồi ức: Chính vì muốn cuộc đời mình "phong sương", ôm ấp khát vọng của một thanh niên trí thức, một Đảng viên Cộng sản trẻ giữa thời buổi đất nước chia đôi miền, Chu Cẩm Phong đã chọn lên đường, chọn ra mặt trận, thay vì tiếp tục đi nước ngoài học tập như cách mà nhà trường đã sắp xếp cho anh.

Nhà văn Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến, sinh năm 1941 ngay tại phố biển Hội An. Năm 1954, Chu Cẩm Phong theo cha tập kết ra Bắc. Thầy giáo Nguyễn Sỹ Tuyển vẫn nhớ như in về cậu học sinh lớp trưởng lớp 7B, Trường phổ thông số 24 ở ngoại ô Hải Phòng: Đấy là cậu học trò dáng mảnh khảnh, cao ráo, da sáng, khuôn mặt sáng với mái tóc xõa trước trán. Là lớp trưởng, cậu thường xuyên khởi xướng các buổi trình diễn văn nghệ, hát bài chòi khu 5, làm báo tường… để bạn bè trong lớp nguôi vợi đi nỗi nhớ nhà, nhớ ba má.

Nhà văn Chu Cẩm Phong (hàng sau, thứ 2 từ phải sang) cùng các bạn lớp Văn K5 Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Giáo sư Hà Minh Đức, từng dạy Chu Cẩm Phong tại Trường Tổng hợp cũng không thể quên được chàng sinh viên miền Nam, là Bí thư Đoàn lớp văn K5: "Thời gian không lặng lẽ trôi mà khắc ghi những tấm gương anh hùng, và Chu Cẩm Phong là một trong những cá nhân anh hùng ấy, một niềm tự hào của Đại học Tổng hợp Hà Nội".

Nhà thơ Thanh Quế, bạn cùng cơ quan trên rừng với Chu Cẩm Phong kể lại: "Chu Cẩm Phong được phong tặng Anh hùng, không chỉ vì đã dũng cảm chiến đấu vào giây phút cuối cùng khi địch khui hầm gọi hàng, không chỉ ở việc gương mẫu, đi đầu trong công tác, chiến đấu suốt những năm 1964-1971 ở chiến trường miền Nam mà còn ở thành tích sáng tác của anh - với tư cách một nhà văn. Anh đã dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh, để len lỏi vào những vùng sâu, căn cứ địch, sống với du kích, cán bộ cơ sở để vừa công tác, vừa lấy tài liệu sáng tác".

Trong tâm thế của một nhà văn, chiến sỹ, Chu Cẩm Phong đã sống, rồi viết, "thường vào lúc đêm khuya, ngồi trên võng, sổ tay đặt trên đùi. Anh viết dưới ánh đèn được che kín, chỉ hở một đốm sáng lờ mờ đủ để nhìn thấy ngòi bút" (hình ảnh mà đồng đội anh, họa sỹ Giang Nguyên Thái còn lưu dấu ấn), và giữ lại cho cuộc đời "Nhật ký chiến tranh" một tài liệu sống của thế hệ mình, nó mang tính thời đại, chứa đựng nét tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên, nó là văn hóa"...

Khánh Bằng
.
.
.