Nhà văn Y Ban: Tác phẩm đầu tiên đã định hình phong cách viết

Thứ Hai, 11/08/2014, 09:41
Theo nhà văn Y Ban, thường tác phẩm đầu tiên đã định hình phong cách viết, con đường đi và tinh hoa của tuổi trẻ dường như nằm ở đó, còn về sau, chỉ là kinh nghiệm, chín chắn hơn và chủ yếu sử dụng câu chữ, kỹ thuật, chứ năng lượng, sự lấp lánh mất dần, sự gắn kết, sức sống, sức lan tỏa cũng yếu hơn.

Ngay khi xuất hiện trên văn đàn năm 1989, nhà văn Y Ban đã không chỉ tạo được dấu ấn bằng Giải Nhất của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) cho 2 truyện ngắn "Bức thư gửi mẹ Âu Cơ" và "Chuyện một người đàn bà", mà còn gây xôn xao dư luận bởi cách viết mới lạ và góc nhìn hiện thực rất bạo liệt. Suốt hơn 20 năm theo đuổi nghiệp viết, với gần 20 tập sách, Y Ban không chỉ tiếp tục giành nhiều giải thưởng văn chương, mà vẫn luôn chiếm lĩnh được trái tim của người đọc, bằng phong cách viết tưởng như trần trụi đến mức “lột trần” sự vật, hiện tượng, nhưng thẳm sâu trong đó là một cái nhìn nhân ái. “Tác phẩm đầu tay” lần này có cuộc trò chuyện cùng chị:

Đề tài về người phụ nữ xuyên suốt trong những trang viết của chị. Tác phẩm đầu tay của chị hẳn cũng chung đề tài này? Chị có kỷ niệm gì về tác phẩm đầu tay?

Nhà văn Y Ban: Không, truyện ngắn đầu tay của tôi lại viết về người đàn ông. Tôi gửi Tạp chí VNQĐ, vì là nơi thường tổ chức các cuộc thi viết, nhưng không được đăng. Tôi viết tiếp truyện “Người đàn bà có ma lực” và gửi đến Tạp chí Nhân văn ở quê tôi - Nam Định. Sau này, tôi nghe kể lại, nhà văn Chu Văn lúc đó đã nói rằng: “Các cô trẻ bây giờ, viết như tát vào mặt người ta thế thì sao đăng được”. Dĩ nhiên, truyện của tôi bị từ chối. Tôi lại gửi lên dự thi ở Tạp chí VNQĐ với bút danh Y Ban. Mấy tháng sau, tôi nhận được thư hồi âm.

Hôm đó, như mọi khi, tôi lên thư viện của Trường Y - nơi tôi đã có 5 năm dạy học. Như mọi lần, tôi trèo qua cửa sổ cho nhanh. Khi tôi đang vắt vẻo trên cửa sổ, thì người bảo vệ gọi, báo tôi có người muốn gặp “anh Ban”. Tôi liền nhảy xuống và người đàn ông đang chờ tôi thấy vậy, đã nhìn với ánh mắt ngạc nhiên đến thảng thốt, rồi chuyển cho tôi bức thư của Tạp chí VNQĐ. Tôi mở thư và cố nín cười khi ngoài bì đề “Kính gửi anh Phạm Xuân Ban” và trong thư thì “anh Nguyễn Đức Ban thân mến!” Người viết thư xưng là Nguyễn Trí Huân, biên tập viên của Tạp chí VNQĐ, nói rằng “anh Ban” rất có khả năng sáng tác, mong sẽ tiếp tục cộng tác với tạp chí và truyện ngắn “Người đàn bà có ma lực” sẽ đăng vào số tháng 6/1989.

Háo hức, nên nghỉ hè là tôi lên Hà Nội, tìm đến Tạp chí VNQĐ. Tôi diện một bộ cánh rất ấn tượng: quần bò, đi giầy cao, tóc xù bông lại còn đeo nơ to, son phấn kỹ càng. Nghe tiếng gõ cửa, nhà văn Nguyễn Trí Huân ra mở cửa. Chắc hồi đó trông tôi trẻ con, nên anh nhầm tôi với một nhân viên thực tập và vẫy: “Cháu ngồi xuống chờ chú tí”. Khi phát hiện ra nhầm, anh Huân ngỡ ngàng khi tôi giới thiệu, tôi là bạn “anh Ban”. Anh Huân hỏi han xem “anh Ban” sáng tác nhiều chưa, tôi trả lời “anh Ban” chỉ mới cầm bút. Một lúc sau, khi tôi giới thiệu mình chính là “anh Ban”, thì anh Huân đã vô cùng bối rối… Đó là lần đầu chúng tôi biết nhau, cũng nhờ tác phẩm đầu tay của tôi.

Nhà văn Y Ban.

Khi đó, chị còn trẻ, nhưng chị lại chọn một câu chuyện nhiều trải nghiệm?

Nhà văn Y Ban: Đó là đề tài về đàn bà. Mà tôi là đàn bà, nên dễ dàng khai thác tâm lý của phái mình. Khi đó, tôi khá nhàn rỗi khi một năm, chỉ dạy có 80 tiết. Ngoài công tác Đoàn, tôi thường lên thư viện vì rất thích đọc sách. Tôi thấy rằng, nếu viết văn chỉ như những cuốn tôi đọc thì chả có gì khó, tôi cũng viết được và tôi muốn thử sức. Tôi đã lựa chọn nhân vật chính cho “Chuyện một người đàn bà” từ một nguyên mẫu là ở khu tập thể của gia đình tôi sống khi đó, có cô Tú, một người đàn bà ở vậy, không lấy chồng. Tôi nhìn cô ấy lủi thủi đan len, vo gạo và thấy hằn rõ dấu ấn cuộc sống của một người đàn bà cô đơn. Những điều đó ấn tượng trong tôi rồi đi vào trang viết…

Thành công của tác phẩm đầu tay đã tác động với chị thế nào?

Nhà văn Y Ban: Sau khi 2 truyện ngắn giành giải thưởng cùng hiệu ứng của dư luận, tôi quyết định theo đuổi nghiệp văn. Mặc dù lúc đó, trường tôi sáp nhập vào Đại học Y Thái Bình, nhưng tôi vẫn quyết tâm rời bỏ, để thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du.

Ngay từ những tác phẩm đầu tiên, chị đã lựa chọn đề tài về phụ nữ, với cái nhìn hiện thực mạnh mẽ. Những tác phẩm sau này của chị vẫn chung âm hưởng ấy. Có phải tác phẩm đầu tay đã tác động đến điều này?

Nhà văn Y Ban: Với các nhà văn, thường tác phẩm đầu tiên đã định hình phong cách viết, con đường đi và tinh hoa của tuổi trẻ dường như nằm ở đó, còn về sau, chỉ là kinh nghiệm, chín chắn hơn và chủ yếu sử dụng câu chữ, kỹ thuật, chứ năng lượng, sự lấp lánh mất dần, sự gắn kết, sức sống, sức lan tỏa cũng yếu hơn. Nhà văn thuận về cái gì thì sẽ khai thác cái đó từ tác phẩm đầu tiên. Ví như tôi, ở ngành Y, lại là đàn bà, nên tôi thuận lợi trong việc khai thác tâm lý đàn bà, môi trường bệnh viện và tôi lại có sự quan sát. Cái đó làm nên nét chủ đạo trong sáng tác của tôi.

Không thể nói tác phẩm đầu tay ảnh hưởng đến sau này, vì khi viết xong một tác phẩm là tôi trở nên trống rỗng, không vương vấn, suy nghĩ gì về nó nữa. Lúc viết một tác phẩm mới, tôi lại thấy như mới lần đầu. Chỉ khi hứng khởi tôi mới viết, chứ không rút kinh nghiệm gì từ tác phẩm đầu tay.

Sáng tác đầu tay đã tỏa hào quang rực rỡ, để tên tuổi chị nổi như cồn. Điều này có làm chị choáng ngợp, “mất thăng bằng” trong sáng tác?

Nhà văn Y Ban: Những người viết trẻ rất cần không khí văn chương lành mạnh, chưng cất cộng hưởng mới phát triển được. Giai đoạn 1986 - 1989 nở rộ văn học sau đổi mới, tạo nên bầu không khí văn chương sôi động, làm người ta rất hứng khởi để sáng tác. Ở Tạp chí VNQĐ cũng cộng hưởng bởi những tài năng lớn và nhân cách lớn, những tên tuổi văn chương lừng lững: Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Xuân Thiều, Hồ Phương, Trung Trung Đỉnh…  Họ sung sướng khi đọc được tác phẩm hay, hoặc câu văn hay của người khác, hào hứng đón nhận những tác giả, tác phẩm mới xuất hiện với sự phấn khích, bao dung. Tôi may mắn xuất hiện trong hoàn cảnh như thế. Nhưng khi giành giải thưởng, tôi cũng bị “sốc” mất mấy năm, đến không viết được. Vì sợ viết không vượt qua nổi chính mình. Mãi năm 1993, tôi gom 9 truyện đã viết thành tập “Người đàn bà có ma lực”, dự thi ở NXB Hà Nội và được Giải nhì. Lúc này, tôi quyết tâm trở lại với văn chương, với quan niệm: “Trăm bó đuốc bắt được một con ếch chứ không phải gà đẻ trứng vàng”, để rồi, sau đó, tôi đều đặn cho ra các tập truyện.

“Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” - giải thưởng đầu tiên của chị ra đời như thế nào?

Nhà văn Y Ban: Môi trường tôi sống là bệnh viện, vì bố mẹ tôi đều công tác ở ngành Y. Tôi lang thang theo bố mẹ từ bệnh viện này qua bệnh viện khác. Môi trường bệnh viện thấm đẫm trong tôi. Khu nhà tập thể cho tôi không biết bao nhiêu dữ liệu, nên những điều đó cứ trở đi trở lại trong sáng tác của tôi. Có lần, tôi đi học về, em tôi kể, con bé hàng xóm 16 tuổi đã có thai. Tôi ngạc nhiên vì vừa nhìn thấy nó chiều qua còn ngồi bắn bi, vậy mà… Hóa ra, cô bé bị cưỡng hiếp và có thai… Chuyện ấy ám ảnh tôi và là nguyên cớ để “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” ra đời…

Chị có thể chia sẻ về quan điểm sáng tác của mình?

Nhà văn Y Ban: Theo tôi, nhà văn là phải có tác phẩm, phải mong mỏi sáng tạo. Khi đã viết, tác phẩm dù hoàn hảo đến đâu, vẫn chỉ là sơ khai, còn là vàng, hay kim cương, phải chờ bạn đọc thẩm định. Vì văn là một nghề, nhà văn mang sứ mệnh cực lớn như là thư ký thời đại ghi lại cuộc sống xã hội, những điều mình chứng kiến bằng mồ hôi, nước mắt, nhưng nhuận bút không tự mua nổi cho mình một chiếc nhẫn kim cương, nên cũng đừng đòi hỏi nhiều ở họ.

Chị đã thành công trong sự nghiệp cầm bút và tên tuổi chị đến nay vẫn chưa thôi “nóng”. Nhiều người viết trẻ mong muốn được nghe ý kiến trao đổi của một người đi trước như chị?

Nhà văn Y Ban: Viết văn là thứ không ai dạy ai được. Tôi cho rằng, viết văn, mỗi người phải tự rút ra kinh nghiệm, tự cảm thấy mình mang sứ mệnh đó và tự tin vào điều mình chọn. Nhưng nhiều người viết trẻ hôm nay tự tin quá, việc xuất bản lại xô bồ, rồi thêm một số nhà văn lớn tuổi tung hô, nên nhiều “tác phẩm” ra đời quá dễ dàng. Những điều mà người khác viết được, mình không viết được thì nên ngả mũ chào và sung sướng, nhưng lớp trẻ bây giờ không có điều đó. Thậm chí, chưa đọc đã chăm chăm bắt lỗi. Gần 20 đầu sách, nhưng tôi vẫn thấy mình không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Không bao giờ tôi bắt mình phải viết đủ bao nhiêu chữ mỗi ngày. Mà tôi viết thường khá nhanh. Vì khi cảm hứng về một vấn đề, tôi thường bị ám ảnh và tôi đắp chất liệu ở trong đầu, rồi cho nó ra đời bằng việc cấy ý tưởng của mình vào một nhân vật, sống cùng nhân vật, đầy ắp v.v…

Cảm ơn chị và chúc chị tiếp tục tạo nên những dấu ấn văn chương mới!

Nhà văn Y Ban đã có gần 20 tập truyện ngắn và tiểu thuyết: “Người đàn bà có ma lực”, “Đàn bà xấu thì không có quà”, “I am đàn bà”, “Xuân từ chiều” v.v…

Chị từng giành nhiều giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí VNQĐ, Giải nhì cuộc thi viết của NXB Hà Nội, Giải C của Liên hiệp các hội VHNT, Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của NXB Giáo dục, Giải nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ, Giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Giải nhì cuộc thi viết truyện và ký do Công an Hà Nội tổ chức.

Thanh Hằng
.
.
.