Nhà văn Văn Phan và những hồi ức về tác phẩm đầu tay “Lớn lên với Điện Biên”

Chủ Nhật, 04/05/2014, 13:42
Trong khi cả triệu trái tim cùng hướng về Điện Biên Phủ những ngày tháng năm lịch sử, tôi đã tìm đọc lại cuốn truyện “Lớn lên với Điện Biên” của Đại tá, nhà văn Văn Phan, Chi hội Nhà văn Công an, Phó Ban nhà văn cao tuổi, Hội Nhà văn Việt Nam. Thật ra đây là một cuốn hồi ký do nhà văn ghi chép lại những câu chuyện kể của chính người anh ruột là Phan Văn Nghi (trong truyện tác giả đổi tên thành Phan Văn Tùng), người lính trẻ có mặt tại Chiến dịch Điện Biên Phủ từ trận đầu tiên đến trận cuối cùng; ghi lại sự trưởng thành về mặt tư tưởng, ý chí của một thanh niên bình thường lần đầu ra trận Điện Biên Phủ.

Câu chuyện cứ thủ thỉ như một lời kể ân tình, thấm đượm. Và với ngòi bút tài tình, với tình cảm tha thiết chân thành, nhà văn đã không chỉ nói câu chuyện của riêng anh trai mình mà còn nói được câu chuyện của cả một lớp người, một thế hệ thanh niên ra trận như những “mẻ thép” kiên cường, cùng “lớn lên với Điện Biên”, được tôi luyện trong lò lửa chiến đấu.

Nhà văn Văn Phan chia sẻ, cứ mỗi lần gợi lại cuốn sách này – cũng là tác phẩm đầu tay của ông thì trong lòng ông lại ngân lên những xúc cảm, sống lại biết bao kỷ niệm đẹp, chan chứa tình cảm gia đình, chan chứa tình cảm với anh trai, em trai của mình. Họ đều là người lính tài hoa, đức độ. Và cuốn sách của ông có thể gọi tên là “cuốn sách gia đình”.

Còn tôi, lần nào đọc lại cuốn hồi ký này, tôi cũng thấy lòng mình như nhẹ nhõm, thanh thản hơn. Bớt đi những muộn phiền, bớt đi cả những toan tính đời thường. Có lẽ bởi cái chất văn trong sáng, bởi câu chuyện đời lính dung dị với những hoài bão, ước mơ rất đỗi con người, vẫn có thể thả hồn “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” và trên hết là tình yêu Tổ quốc bất diệt, ngự trị thẳm sâu trong những thế hệ trẻ thời “Điện Biên chấn động địa cầu”. Những phẩm tính, bản ngã “rất người” đó kết tinh lại như một thứ ánh sáng được tích tụ từ lương tri, từ chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã chiếu rọi, sưởi ấm lòng ta.

Nhà văn Văn Phan đang nhớ lại những kỷ niệm khi thể hiện tác phẩm “Lớn lên với Điện Biên”.

Lối văn kể chuyện chất phác, chân thành, một cái nhìn thẳng thắn, lạc quan trong sáng về đời lính của chiến sỹ trẻ Phan Văn Tùng, người con của một gia đình nông dân ở Đức Thọ, Hà Tĩnh đã để lại sau lưng kỷ niệm về “một vùng Đức Thọ phì nhiêu, trên bờ con sông La bốn mùa trong vắt” vào chiến trường Điện Biên gian khổ, đúng thời điểm ta chuẩn bị trận chiến dịch lịch sử. Vào chiến trường, anh mang theo biết bao kỷ niệm về xóm làng, đồng ruộng, sông núi quê hương, ân tình với mẹ già, em út ở nhà, và với Linh - người yêu, với Thảo - người bạn thân. Nhưng anh tân binh đó trước những thử thách đầu tiên đã bộc lộ điểm yếu là sự yếu đuối, sợ chết. Một buổi trưa máy bay địch thả bom “sợ quá, tôi vùi đầu xuống đất, răng nghiến chặt, hai tay siết mạnh vào tai. Bom nổ, tôi tưởng nó nổ giữa đỉnh đầu tôi. Như cái máy, tôi nhỏm dậy cắm cổ chạy... Tôi lặng lẽ xuống hầm, ngồi thu mình vào một xó... Mỗi lần bom nổ, tôi co rúm người lại”.

Tùng hèn nhát, đã có lúc bỏ hòm đạn chạy tháo thân, có thể đó là phản xạ tự nhiên của người lính chân chất lần đầu tiên ra trận. Nhưng sau những giây phút “sợ chết” ấy là sự cắn dứt lương tâm ghê gớm: “Xót ruột quá. Biết bao nhiêu công của! Mỗi tiếng nổ như một mũi kim chích vào lòng tôi. Không biết đồng đội của tôi làm thế nào dập tắt ngọn lửa để cứu từng viên đạn? Có đồng chí nào bị hy sinh? Nhưng chắc là không còn ai hèn nhát chạy trốn như Ngoạn, như tôi”. Những ý nghĩ đó làm cho Tùng thấy “đau đớn vì tủi nhục” và “muốn tức tối chạy lăn xả vào đám lửa, cứu lấy một hòm đạn, cứu lấy danh dự của mình”.

Sau trận bom, khi quay về và chính mắt trông thấy cảnh địch tàn phá và giết chết đồng đội, Tùng đã thực sự được cảm hoá về tư tưởng: “Tim tôi như thắt lại vì tủi nhục. Và tôi đã khóc. Tôi tự nhủ, phải làm sao luyện cho mình cứng rắn hơn để sống cho ra người”. Từng chặng từng chặng, mỗi lần gian khó là một lần Tùng lại nghĩ đến cảnh mình bỏ hòm đạn chạy tháo thân, để tự bồi đắp sức mạnh và ý chí cho mình “Thoáng nghĩ đến phút chạy trốn ươn hèn, lòng tôi se lại. Nếu những người thân yêu của tôi biết điều đó, chắc họ không thể nào tha thứ cho tôi”.

Nhân vật Tùng quyến rũ người đọc chính ở sự chân thành, ngay cả khi anh tự vấn lương tâm mình, anh cũng rất chân thành. Để rồi sau đó anh trưởng thành hơn rất nhiều về tư tưởng, thể hiện là con người có bản lĩnh, có ý chí, có tình yêu thương đồng đội, dám dấn thân vào những trận chiến nguy hiểm tính mạng. Được các cán bộ đi trước như Dũng, Hòa chính trị viên đại đội dìu dắt, anh đã vững tâm, gan dạ, kiên định dũng cảm hoàn thành mọi nhiệm vụ khó khăn. Trong khoảng nửa năm tham gia Chiến dịch Điện Biên, anh đã hành quân, kéo pháo, chuyển đạn, tải thương, làm đường, đào hào, trực tiếp chiến đấu trong các trận đánh các đồn Độc Lập, Him Lam, đồi E, vị trí 105, đồn 506...

Tùng cũng bị thương ba lần, lần cuối cùng mê man luôn mấy ngày, phải nằm quân y trên hai tháng. Tùng hai lần được đề nghị huân chương, từ một tân binh được đề bạt lên tiểu đội phó, rồi tiểu đội trưởng, cuối cùng, vinh dự lớn nhất của anh là được kết nạp Đảng... Đây chính là mẫu người đã trọn đời chiến đấu vì chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Và “nguyên mẫu” này với sự trưởng thành về tư tưởng cũng khác chi là một sự “lớn lên về ý chí”, lớn lên cùng với Chiến dịch Điện Biên Phủ đang vươn dần đến đỉnh cao của chiến thắng quân sự và chính nghĩa.

 “Lớn lên với Điện Biên”, một thời được in khổ nhỏ để chiến sỹ của ta giắt ba lô vào chiến trường. Nhà văn Văn Phan cho tôi hay, vì nhân vật chính là chiến sỹ Tùng chính là nguyên mẫu từ anh trai Phan Văn Nghi của ông nên ông đã cảm nhận được rất sâu những tâm tư tình cảm của anh ấy, cả những rung động khác giới đầu đời của anh được thể hiện qua những đoạn “ký” về Linh – người yêu của Tùng: “Linh có bắp chân tròn trắng”, “Biết bao lần tôi hồi hộp khi bắt gặp những cặp mắt đen láy hoặc những nụ cười tinh nghịch. Nó gợi tôi nhớ đến một cặp mắt thân yêu, cặp mắt trong như dòng sông La quê hương. Ước gì Linh cũng đi trong đoàn dân công chiến dịch này”, “tôi thú nhất là lá thư của Linh, có đoạn, ở nhà người ta toàn gán ghép em với anh, ngượng quá. Em mặc kệ anh đấy”...

Sẵn trong lòng một tình cảm anh em khăng khít nên có nhiều chi tiết, người kể và người ghi chép lại như cộng hưởng tâm hồn, xúc cảm ở mức tối đa. Đó là chi tiết, khi Tùng sắp bước vào trận chiến đấu ác liệt thì nhận được tin anh trai (cũng là anh trai của nhà văn) hy sinh ở chiến trường Tây Nam Ninh Bình vào tháng 10/1953; hay chi tiết “Tùng bị thương”, nhà văn vừa ghi chép vừa thấy lòng quặn thắt, đau đớn. Nhà văn Văn Phan còn cho hay, đã có nhiều tướng lĩnh viết về Điện Biên, sách truyện về Điện Biên có thể lập thành thư viện, bảo tàng, nhưng “Lớn lên với Điện Biên” có lẽ là cuốn sách đầu tiên viết về một người “lính trơn” đã trưởng thành từ chiến trường đỏ lửa…

Thu Phương
.
.
.