Nhà văn Umberto Eco: Rửa tay gác kiếm

Thứ Năm, 30/06/2005, 07:42

Nhà văn Italia Umberto Eco, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng “Tên của hoa hồng” đã tuyên bố rửa tay gác kiếm. Tác phẩm cuối cùng của ông là cuốn tiểu thuyết vừa phát hành “Ngọn lửa huyền diệu của nữ hoàng Loana”.

Umberto Eco vốn là một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn đầy uy tín, thành viên của hàng loạt viện hàn lâm. Mỗi tác phẩm mới của ông khi xuất hiện đều gây nên sự chú ý cao đối với những người yêu văn học đích thực.

Một phần tư thế kỷ qua, Umberto Eco viết không nhiều. Ngoài Tên của hoa hồng, Umberto Eco từng viết các tiểu thuyết Quả lắc Foucaulk (1988), Hòn đảo hôm qua (1994) và Baudolino (2000). Các tác phẩm của ông luôn được coi như những hình mẫu của dòng văn trí tuệ, giàu điển tích nhưng lại luôn gợi mở cho người hiện đại suy ngẫm về các sứ mệnh nhân văn của mình.

Nhân vật chính trong Ngọn lửa huyền diệu của nữ hoàng Loana là một người bán sách cũ tên là Yambo ở thành phố Milan, không may bị mắc bệnh mất trí nhớ. Yambo không quên bất cứ một dòng nào đã đọc nhưng lại không nhớ tên gọi của chính mình cũng như vợ và các con gái. Yambo cũng không còn nhớ điều gì về cha mẹ mình nữa.

Để tìm lại những khoảng thời gian đã mất, Yambo trở về ngôi nhà mà ông đã sống thời thơ ấu. Tại đó, ông đã lần mò xem lại căn gác xép và nhớ ra không chỉ những gì liên quan tới bản thân mình mà tới cả thế hệ đồng thời với ông. Những tập truyện tranh, những cuốn nhật ký, sách báo cũ cùng những tấm áp phích đã ố vàng kể lại cho Yambo cũng như độc giả của tiểu thuyết về những điều kiện mà thế hệ ông đã phải trải qua để lớn lên dưới chính quyền phát xít Mussolini.

Trong tiểu thuyết mới này, Umberto Eco đã dẫn lại khá nhiều hình ảnh về các hiện vật văn hóa đại chúng thời cũ và vì điều này, nhiều người điểm sách đã gọi Ngọn lửa huyền diệu của nữ hoàng Loana là tiểu thuyết đồ họa.

Umberto Eco từng tâm sự: "Tôi thư giãn khi tôi viết văn. Trái ngược với tính châm biếm, khi chúng ta chế nhạo những thứ ở ngoài ta, tính hài hước vừa đẩy ra, vừa hòa đồng. Tính châm biếm tàn nhẫn. Còn tính hài hước tràn đầy sự dịu dàng, vì con người khi đó vừa cười người khác, vừa tự cười mình. Anh ta ý thức được rằng, anh ta đang tự đâm dao vào chính những vết thương của mình". Sau khi Ngọn lửa huyền diệu của nữ hoàng Loana xuất bản, Umberto Eco tuyên bố rằng, ông sẽ không sáng tác văn học nữa. Có lẽ từ nay ông không còn muốn "thư giãn" nữa chăng?

Umberto Eco sinh năm 1932. Ông từng được nhận gần 20 giải thưởng văn học ở trong và ngoài Italia, trong đó có giải thưởng Hoàng tử Asturias trong lĩnh vực truyền thông và nhân văn, một trong những giải thưởng văn hóa cao quý nhất của Tây Ban Nha (năm 2002)... Cũng năm đó, ông còn được nhận giải thưởng Mediterranée Etranger của Pháp..

Phan Phú (Theo báo "The Independent" và website Umberto Eco)
.
.
.